Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 03:50 (GMT +7)
Thúc đẩy phát triển kinh tế số
Thứ 2, 15/01/2024 | 13:29:01 [GMT +7] A A
Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số sẽ chiếm 25% trong GRDP và đến năm 2030 chiếm 30%. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, tỉnh đã xác định một số nhiệm vụ trọng tâm và xây dựng nhiều giải pháp thực hiện, đến nay đã thu về nhiều kết quả tích cực, làm tiền đề cho giai đoạn phát triển tới.
Đến hết năm 2023, tỉnh đã hoàn thành việc xây dựng Kế hoạch chuyển đổi số doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025 và triển khai các chương trình, kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số. Triển khai nội dung này, các sở, ngành và các đơn vị đã tích cực phối hợp tổ chức nhiều hoạt động tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Các hoạt động cụ thể như: Tư vấn, truyền đạt xu hướng phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời đại công nghệ số; nhận diện trình ứng dụng công nghệ số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; trải nghiệm giải pháp công nghệ số cho doanh nghiệp; cung cấp các gói hỗ trợ doanh nghiệp, chương trình đào tạo chuyển đổi số miễn phí; hỗ trợ đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử… Qua đó, đã đem lại rất nhiều lợi ích thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp của tỉnh trên hành trình chuyển đổi số.
Đặc biệt, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng được các sở, ngành chức năng của tỉnh hỗ trợ để tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử nhằm tiếp cận ứng dụng công nghệ số trong hoạt động sản xuất kinh doanh và tìm kiếm thị trường. Đến thời điểm hiện tại, Sàn thương mại điện tử OCOP Quảng Ninh tại địa chỉ “https://ocopquangninh.com.vn/” đang quảng bá, giới thiệu 334 sản phẩm OCOP đạt chuẩn từ 3-5 sao (tỷ lệ 100%) của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các HTX, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Số lượng khách truy cập trong năm 2023 khoảng gần 193.000 lượt; số lượng đơn hàng tính đến giữa tháng 11/2023 là gần 500 đơn.
Tỉnh cũng đã có gần 350 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 - 5 sao được đưa lên các sàn giao dịch thương mại điện tử lớn như Sendo, Tiki, Shopee, Lazada…; hơn 160 sản phẩm OCOP lên sàn Voso.vn, hơn 100 sản phẩm OCOP lên sàn Postmart.vn. Tại Sàn giao dịch thương mại điện tử Quảng Ninh (http://teqni.gov.vn) đang có gần 150 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh giới thiệu và bán gần 400 sản phẩm thuộc các ngành hàng: Thực phẩm - ẩm thực; đồ uống; thảo dược; vải và may mặc; nội thất - trang trí - lưu niệm và dịch vụ...
Song song với việc tạo dựng nền tảng, hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số, nền tảng thanh toán trực tuyến cũng được tỉnh và các đơn vị liên quan tích cực triển khai thực hiện. Đến nay, 100% các doanh nghiệp điện, nước, viễn thông trên địa bàn tỉnh đã sử dụng hợp đồng điện tử và hóa đơn điện tử. Đối với thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt trong khu vực công và trong nhân dân, 99,2% số thu ngân sách nhà nước (thuế, phí, lệ phí) đã được thanh toán trực tuyến; số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình thanh toán tiền điện trực tuyến đạt 87,19% và thanh toán tiền nước trực tuyến đạt 83,82%. Thanh toán không dùng tiền mặt cũng đã được triển khai đến 88,5% các trường học, 100% cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn đô thị, các bệnh viện, Trung tâm y tế cấp huyện. 100% phí, lệ phí giải quyết TTHC cũng đã chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt...
Để kinh tế số thực sự đem lại những tiện ích thiết thực phục vụ đời sống người dân, đến nay, 100% các địa phương trên địa bàn tỉnh đã thí điểm triển khai mô hình chợ 4.0. Toàn bộ các chợ trung tâm tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh hiện đã chấp nhận thanh toán các khoản phí và thực hiện thanh toán hóa đơn điện, nước thông qua các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Các hộ kinh doanh tại chợ đã thực hiện lập tài khoản ngân hàng, tạo mã QR-Code thông tin tài khoản chủ kiot để có thể thanh toán qua tài khoản ngân hàng, ví điện tử mà không cần dùng tiền mặt... Đến nay, đã có 22 mô hình Chợ 4.0 - Thanh toán không dùng tiền mặt, hỗ trợ tạo mã QR-Code thanh toán miễn phí cho trên 2.000 hộ kinh doanh, tiểu thương tại các chợ dân sinh, tổng giá trị các hoạt động 65 triệu đồng. Với mô hình Chợ 4.0 - tiểu thương hay người kinh doanh nhỏ lẻ ở chợ và khách hàng đều có thể mua bán hàng hóa, thanh toán bằng cách quét mã QR-Code mà không cần dùng tiền mặt. Mô hình đang nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, đặc biệt là những người dân kinh doanh tại chợ.
Trong năm 2024 và giai đoạn tiếp theo, Quảng Ninh xác định sẽ phát triển mạnh kinh tế số, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển và tạo ra các giá trị tăng trưởng mới trong các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh; từng bước đưa kinh tế số giữ vai trò chủ đạo trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Kinh tế số cũng được tỉnh xác định là cơ hội để giải quyết các điểm nghẽn đang gặp phải cũng như tạo đột phá trong phát triển, nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của tỉnh. Phấn đấu đến năm 2030, tỷ trọng kinh tế số chiếm khoảng 35% GRDP…
Song Hà
Liên kết website
Ý kiến ()