Thông tin trên được ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) TPHCM cho biết tại buổi họp báo về tình hình dịch COVID-19, ngày 10.8.
Theo ông Lê Minh Tấn, trong đợt 1, TPHCM đã hỗ trợ 365.300 lao động tự do với kinh phí 576 tỉ đồng. Người nhận hỗ trợ là những người buôn gánh bán bưng, bán vé số dạo, bốc vác, thu gom rác…
Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, TPHCM mở rộng đối tượng hỗ trợ, tiếp tục thực hiện gói lần 2 với kinh phí hơn 900 tỉ đồng. Trong đó, TPHCM tiếp tục hỗ trợ 365.000 lao động tự do với mức 1,5 triệu đồng/người/30 ngày giãn cách theo Chỉ thị 16. TPHCM phấn đấu đến ngày 15.8 sẽ hoàn thành việc hỗ trợ tới tận tay đối tượng này.
TPHCM cũng mở rộng đối tượng hỗ trợ trong đợt hỗ trợ lần 2. Cụ thể, TPHCM hỗ trợ 1,5 triệu đồng/hộ cho gần 90.600 hộ nghèo, hộ cận nghèo (gồm 1,2 triệu đồng và phần quà trị giá 300.000 đồng).
Đặc biệt, khoảng 170.000 hộ lao động ở trong các nhà trọ, khu lưu trú, xóm nghèo, khu vực bị phong tỏa mà gặp khó khăn thực sự thì được hỗ trợ. “Riêng nhóm này là không phân biệt thường trú, tạm trú, cứ khó khăn là được hỗ trợ” – ông Tấn nói.
Lý giải về một số phản ánh của người lao động tự do chưa nhận được hỗ trợ, liệu có phải bị bỏ sót hay không, Giám đốc Sở LĐTBXH TPHCM nhấn mạnh, quan điểm của TPHCM là không để một lao động nào ở trên địa bàn TPHCM rơi vào cảnh khó khăn, khốn khổ.
Riêng đối với hỗ trợ lao động tự do trong đợt 1, ông Lê Minh Tấn phân tích, để nhận hỗ trợ, người lao động cần có nơi cư trú hợp pháp trên địa bàn TPHCM.
"Khu phố, ấp, tổ dân phố họp xét danh sách hỗ trợ, có cả công an khu vực tham gia và ai có cư trú hợp pháp thì mới được hỗ trợ, ai chưa có cư trú hợp pháp thì chưa được hỗ trợ" - ông Tấn giải thích.
Đồng thời, người nào khó khăn, thu nhập dưới mức chuẩn cận nghèo của TPHCM (4 triệu đồng/người/tháng) thì được hỗ trợ chứ không phải bất cứ ai là lao động tự do cũng được hỗ trợ.
Ông Lê Minh Tấn thừa nhận, thời gian qua, một số nơi làm chưa tốt thì TPHCM đã và sẽ chấn chỉnh, bổ sung hỗ trợ cho người dân.
“Thực tế, các địa phương làm rất tích cực, thống kê ban đầu dự kiến chỉ hỗ trợ đối với 230.000 người lao động tự do nhưng giờ đây số người được hỗ trợ đã lên tới 365.000 người” – ông Tấn đánh giá.
Đối với xe ôm truyền thống, ông Lê Minh Tấn khẳng định, quan điểm của TPHCM là hỗ trợ cho xe ôm truyền thống, vì những người này không có công nghệ bắt mối, chỉ ngồi ở các chợ, siêu thị, ngã ba ngã tư đường đón khách.
“Tuy nhiên, không phải ai chạy xe ôm truyền thống thì cũng được hỗ trợ mà phải là người thật sự khó khăn mới được hỗ trợ. Mức hỗ trợ là 1,5 triệu đồng/người” – ông Tấn nói.
Ý kiến ()