Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 13:13 (GMT +7)
Nhiều người mù quáng tin TikTok
Thứ 5, 22/09/2022 | 07:34:10 [GMT +7] A A
Khi muốn có một đôi boot đen mới hoặc tìm gợi ý mua sách, thay vì lùng sục các trang kết quả tìm kiếm trên Google, Ashley Storino lướt nhanh hết video này đến video khác trên TikTok và kiểm tra phần bình luận để đảm bảo có thể tin tưởng nội dung đó.
Chỉ khi biết chính xác những gì mình đang tìm kiếm, cô mới chuyển sang Google, theo USA Today.
"Giả sử tôi muốn tìm loại mascara tốt nhất. Trước đây, tôi thường tra cứu trên Google và kết quả nhận được các bài báo, blog có danh sách 'top 10'. Từng làm việc trong lĩnh vực tiếp thị và quan hệ công chúng, tôi biết những danh sách này thường, nếu không muốn nói là luôn luôn, bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài hoặc các thương hiệu cố gắng đưa sản phẩm vào một bài báo để quảng cáo", Ashley nói.
"Bây giờ tôi chuyển sang TikTok để xem những đánh giá trung thực từ những người thật. Tôi có thể gõ tên thương hiệu mascara hoặc 'mascara tốt nhất' và thấy rất nhiều người đánh giá, nói về sản phẩm đó. Nó dễ hiểu hơn nhiều và tôi biết ai đang cho mình thông tin, sau đó có thể vào phần bình luận để xem đáng tin hay không".
Ngày càng nhiều người trẻ dùng ứng dụng video ngắn, vốn được biết đến nhiều hơn với những clip nhảy múa, để tìm một địa điểm ăn trưa mới hoặc bộ phim để xem, lên kế hoạch cho kỳ nghỉ cuối tuần hay cập nhật tủ quần áo. Không ít người còn tin tưởng các mẹo chăm sóc da mặt, sức khỏe trên nền tảng này.
"Người tiêu dùng đang chuyển sang mạng xã hội, cụ thể là TikTok, vì cảm thấy nó chân thực hơn. Google thì chỉ ngập trong nội dung", Jenna Drenten, phó giáo sư về marketing tại Đại học Loyola Chicago (Mỹ), cho biết.
Một nghiên cứu do Google ủy quyền về người dùng Mỹ trong độ tuổi 18-24 cho thấy gần 40% sử dụng TikTok hoặc Instagram để tìm kiếm trực tuyến.
"Mọi người biết đấy, 3 năm trước còn chẳng có ai nói về TikTok", Sundar Pichai, giám đốc điều hành của Alphabet, công ty mẹ của Google, nói tại hội nghị Code của Vox Media đầu tháng 9.
Google chiếm hơn 90% thị phần và có vẻ không dễ bị lật đổ. Trong khi TikTok có thể là nơi đầy cảm hứng để tìm trang phục Halloween hay quần áo mặc mùa thu, Google là cách nhanh nhất để tra cứu một bài báo hay tìm đường đến bưu điện.
Mallory De Leon, người phát ngôn của Google, cho biết nghiên cứu của công ty “không phát hiện ra mọi người đang sử dụng TikTok thay vì Google, mà là thường dùng kèm Google".
Natalie Pennington, trợ lý giáo sư về truyền thông tại Đại học Nevada (Las Vegas, Mỹ), cho biết sự thay đổi thói quen này ở người trẻ báo hiệu một sự thay đổi thế hệ.
"Với nhiều video dài chưa đầy một phút, tôi có thể nắm được thông tin đó và nhanh chóng tiếp tục, rất trực quan", cô nói, cho biết từng dùng TikTok để tìm túi du lịch phù hợp với quy định của hãng hàng không Spirit Airlines.
"Rất tuyệt vời, tôi có thể thấy cái túi, thấy cách mọi người dùng nó, trái ngược với tìm kiếm trên Google nơi mà ai đó sẽ chỉ nói: 'Đây là chiếc túi tốt nhất'".
Các nền tảng như TikTok và Instagram cũng cho người dùng khả năng tương tác với người tạo nội dung qua bình luận, câu hỏi và lượt thích.
Karishma Jashani (26 tuổi, người sáng tạo nội dung ở Singapore) cũng tìm đến mạng xã hội để tìm gợi ý nơi hẹn hò buổi tối, thương hiệu trang điểm phù hợp màu da hay công thức làm salad ngon. Cô chỉ dùng Google cho gần 30% số lần tìm kiếm, dành cho những vấn đề "nghiêm túc" như tìm đường hay tin tức. Còn lại, phần lớn cô sẽ chọn mở TikTok.
"Nó hiệu quả hơn rất nhiều. Tôi lấy thông tin nhanh hơn là tìm kiếm qua nhiều nguồn".
Kho thông tin sai lệchYini Zhang, trợ lý giáo sư tại khoa Truyền thông của Đại học Buffalo (Mỹ), lưu ý rằng các ứng dụng như TikTok và Instagram có lợi thế nhờ nguồn cấp thông tin từ nhiều người dùng - “những người bình thường từ mọi ngóc ngách của xã hội” - thay vì một vài trang web hoặc phương tiện truyền thông lớn.
Điều này mang lại sự đa dạng song cũng có thể dẫn đến kết quả là chất lượng thấp hơn. Zhang cảnh báo mạng xã hội có thể một kho thông tin sai lệch.
TikTok ngày càng tiếp thị mình như một nơi để mọi người học hỏi. Tháng trước, nền tảng này bắt đầu thử nghiệm tính năng đánh dấu các từ khóa ở phần bình luận để đưa người dùng đến kết quả tìm kiếm cho từ đó. Đầu năm nay, TikTok cũng tung ra chiến dịch quảng cáo #TikTokTaughtMe, với khẩu hiệu “kiến thức khám phá trên TikTok là không giới hạn”.
Tuy nhiên, người dùng - chủ yếu là thanh thiếu niên - thường xuyên gặp phải các tuyên bố sai hoặc gây hiểu lầm khi tìm kiếm thông tin trên TikTok, theo một nghiên cứu của Newsguard - tổ chức đánh giá độ tin cậy của các kênh tin tức và theo dõi thông tin sai lệch.
Nghiên cứu cho thấy gần 20% kết quả tìm kiếm được thu thập về các chủ đề tin tức như vaccine Covid-19, xung đột Nga - Ukraine chứa thông tin sai lệch.
"TikTok là nơi có thể dễ dàng tìm các video người dùng tải lên bằng cách nhập từ khóa trên thanh tìm kiếm. Trong 20 kết quả tìm kiếm đầu tiên của nền tảng này liên tục có video chứa thông tin sai lệch, thường là trong top 5 kết quả đầu. Nếu so sánh, Google cung cấp kết quả có chất lượng cao hơn, ít mâu thuẫn hơn và ít thông tin sai lệch hơn nhiều", báo cáo của Newsguard cho biết.
Ngoài ra, các video TikTok viral có thể nguy hiểm. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) từng cảnh báo người tiêu dùng rằng mẹo giữ bơ tươi lâu hơn bằng cách cho vào hộp kín chứa đầy nước, bỏ tủ lạnh có thể gây bệnh.
"Tôi thấy có nhiều nhược điểm liên quan đến trend này, đặc biệt là với TikTok, một nền tảng được điều khiển bởi thuật toán. Không dễ để mọi người có thể nhận biết được thông tin sai lệch", Zhang nói.
Trong khi có nhiều mẹo giúp người dùng nhận biết các trang web đáng tin cậy trên Google, ví dụ các trang có đuôi tên miền .edu hoặc .gov, không thể áp dụng cách tương tự với mạng xã hội.
"Tôi nghĩ TikTok mang tính giải trí nhiều hơn là cung cấp thông tin", Zhang nhận xét.
Theo Zingnews.vn
Liên kết website
Ý kiến ()