Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 20:30 (GMT +7)
Nhiều thương hiệu Việt Nam muốn nhượng quyền ra nước ngoài
Thứ 2, 29/05/2023 | 16:55:12 [GMT +7] A A
Ngày càng có nhiều mô hình kinh doanh, sản phẩm thương mại của Việt Nam phát triển thành chuỗi và lên kế hoạch nhượng quyền ra toàn cầu. Đây là xu thế ngược lại hoàn toàn so với trước đây.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, trong năm 2022, có 18 thương hiệu nhượng quyền nước ngoài hoặc tái ký hợp đồng vào Việt Nam. Sau hai năm đại dịch, số thương hiệu gia nhập hoặc tái ký hợp đồng để tiếp tục ở lại thị trường tăng lên 26 trong năm 2021.
Ở chiều ngược lại, con số thương hiệu Việt Nam tiến hành nhượng quyền khiêm tốn hơn và không nhiều đơn vị thành công.
Chia sẻ bên lề hội thảo "Hiểu đúng để đầu tư nhượng quyền thành công" được tổ chức ngày 27-5, chuyên gia Nguyễn Phi Vân cho biết nhượng quyền là ngành đóng góp lớn vào GDP quốc gia nếu được đầu tư đúng mức để ngành phát triển.
Tại Singapore, ngành nhượng quyền đóng góp 3% vào GDP đảo quốc này, hay ở Philippines là 5%, một số quốc gia có tỉ lệ đóng góp cao hơn như Malaysia là 6,3%, Mỹ là 5,1%, tại Úc là 9% và Canada là 10%. Ngoài giá trị GDP, đây cũng là ngành tạo công ăn việc làm, lao động tầm cỡ cho nền kinh tế.
"Rất nhiều quốc gia đã cấu trúc ngành nhượng quyền thành ngành chiến lược để phát triển kinh tế quốc gia, đặc biệt cho khối kinh tế tư nhân hay các doanh nghiệp vừa và nhỏ", bà Vân cho biết.
Thời gian gần đây, nhiều chuỗi kinh doanh của Việt Nam sau khi gầy dựng được mô hình trong nước cũng bắt đầu tính chuyện đi nhượng quyền nước ngoài. Phần lớn là các dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực F&B, dịch vụ… có thế mạnh khai thác tài nguyên bản địa Việt Nam hoặc ứng dụng công nghệ, gia tăng trải nghiệm mua sắm, sử dụng dịch vụ cho khách hàng.
Ông Trần Nhật Vũ, nhà đồng sáng lập thương hiệu Phúc Tea, chuỗi trà sữa - cho biết đã bắt đầu tiếp xúc với đối tác ở Malaysia cho đại lý nhượng quyền độc quyền - "master franchise" hay thương hiệu Phở'S của đầu bếp Nguyễn Tự Tin, người đoạt giải "Hoa hồi vàng" trong Ngày của phở do báo Tuổi Trẻ tổ chức, đã chuẩn hóa công thức, cách nấu để đi nhượng quyền quốc tế.
Ngoài ra, một số thương hiệu về chăm sóc sức khỏe như Care With Love, Star Home Spa, Run Together Vietnam... cũng bắt đầu quan tâm phát triển thị trường bên ngoài.
Theo đánh giá của bà Nguyễn Phi Vân, ẩm thực Việt được xem là một trong những ngành tiềm năng nhất để đi theo con đường nhượng quyền nhờ lợi thế tính khác biệt cao và người tiêu dùng mong chờ.
"Việt Nam với những món ăn truyền thống và ngày càng được khách hàng quốc tế biết đến như phở, bún, bánh cuốn, bánh mì… đang đứng trước cơ hội vàng để bước ra thế giới thông qua một mô hình phù hợp. Điều này cũng đúng với ngành dịch vụ khi ứng dụng công nghệ vào mô hình vận hành", chuyên gia Nguyễn Phi Vân nói.
Theo tuoitre.vn
Liên kết website
Ý kiến ()