Tất cả chuyên mục

Có thể nói, với chủ trương mới: Tổ chức thi tuyển ở tất cả các trường THPT (công lập và ngoài công lập) trên địa bàn tỉnh cho các thí sinh tốt nghiệp THCS có nguyện vọng theo học tiếp bậc THPT, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm 2008 đã mở ra rất nhiều cơ hội cho các trường THPT ngoài công lập lựa chọn học sinh đầu vào và khẳng định vị thế, xoá bỏ khoảng cách với các trường công lập... Thế nhưng không phải trường THPT ngoài công lập nào cũng nắm bắt được cơ hội này.
![]() |
Trường THPT Chu Văn An (Móng Cái) là một trong số ít trường ngoài công lập đầu tư cơ sở vật chất khang trang để thu hút học sinh. |
Năm học 2008-2009 toàn tỉnh có 18 trường THPT ngoài công lập sẽ tổ chức tuyển sinh. Các trường này đều có bề dày hoạt động từ 2-7 năm. Ngoài một số ít trường phải đi thuê địa điểm dạy học, như: THPT Lê Lợi (Đầm Hà), Trần Khánh Dư (Vân Đồn), các trường còn lại đều có cơ sở vật chất khang trang với kinh phí đầu tư mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Các trường cũng rất chú trọng tuyển dụng, đào tạo phát triển đội ngũ giáo viên cơ hữu, xây dựng kỷ cương, nề nếp dạy, học... Nhờ đó, chất lượng giáo dục ở nhiều trường bước đầu đã được khẳng định. Tỷ lệ tốt nghiệp trung bình ở các trường hàng năm đều đạt từ 50% trở lên. Riêng kỳ thi tốt nghiệp năm 2007-2008 vừa qua, nhiều trường có tỷ lệ tốt nghiệp trên 90%: THPT Chu Văn An (Móng Cái): 96,64%; THPT Hạ Long (Hạ Long): 92,5%; THPT Lê Thánh Tông (Hạ Long): 94,77%; THPT Lương Thế Vinh (Cẩm Phả): 99,65%; THPT Nguyễn Du (Hải Hà): 92,93%; THPT Trần Nhân Tông (Đông Triều): 90,16%. Có trường đạt tỷ lệ 100%, như Trường Tiểu học, THCS, THPT Văn Lang (Hạ Long). Trong phong trào nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn, nhiều trường đã có học sinh đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh: THPT Lương Thế Vinh, THPT Trần Nhân Tông, Tiểu học, THCS, THPT Văn Lang. Mặc dù nhiều trường đã cố gắng tạo dựng thương hiệu, tuy nhiên vẫn còn nhiều trường chỉ đầu tư cho có lệ, đội ngũ giáo viên không ổn định, chạy theo thành tích, theo số lượng học sinh để có lợi nhuận, đầu tư cơ sở vật chất cầm chừng và có ý ỷ lại trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước trong đầu tư trang thiết bị dạy học. Bởi vậy, hầu hết các trường đều chưa chiếm được lòng tin của phụ huynh, học sinh. Đây cũng là một trong nhiều lý do khiến cho hầu hết trường ngoài công lập rơi vào tình trạng “ế ẩm” trong mùa tuyển sinh vừa qua. Chị Nguyễn Thị Hoài, phường Cao Xanh, Hạ Long nói: “Cháu nhà tôi chỉ học lực trung bình khá, nhưng tôi vẫn nộp đơn cho cháu thi vào trường công lập. Nguyện vọng của gia đình là muốn cháu học trường công lập. Nếu không đỗ vào trường công lập thì vẫn còn cơ hội xét tuyển vào trường ngoài công lập”.
Theo ý kiến của hiệu trưởng một số trường THPT ngoài công lập: Việc các thí sinh chưa mặn mà với việc ĐKDT vào các trường ngoài công lập là do các trường hầu hết mới thành lập. Do đây là loại hình dân lập, tư thục nên học phí học sinh phải đóng góp cao. Từ khi xuất hiện loại hình giáo dục này, các trường vẫn chỉ tuyển sinh theo phương thức xét tuyển lại kết quả thi tuyển của các trường công lập. Năm nay là năm đầu tiên thực hiện chủ trương cho các trường THPT ngoài công lập tổ chức thi tuyển, cũng là năm đầu tiên bỏ thu lệ phí tuyển sinh. Nói cụ thể hơn, các trường công lập tổ chức tuyển sinh, kinh phí được Nhà nước hỗ trợ, còn các trường ngoài công lập nếu tổ chức tuyển sinh sẽ phải tự lo toàn bộ chi phí. Đây là khoản phí không nhỏ, không phải trường ngoài công lập nào cũng lo được.
Hệ luỵ của việc này là tạo ra sức ỳ cho các trường ngoài công lập. Và một khi không có sự cạnh tranh thì không thể nâng cao chất lượng giáo dục. Hiện tỉnh đang có rất nhiều cơ chế mở nhằm tạo sự công bằng giữa 2 hệ thống trường học (công lập và ngoài công lập). Vì vậy, các trường ngoài công lập không nên bỏ phí cơ hội để khẳng định và nâng cao thương hiệu của mình.
Ý kiến ()