Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 13/11/2024 14:04 (GMT +7)
Nhớ anh, nhạc sĩ Văn Dung
Chủ nhật, 20/03/2022 | 10:12:50 [GMT +7] A A
Nhận được tin nhạc sĩ Văn Dung qua đời vào lúc 20 giờ 23 phút ngày 8 tháng 3 tại Hà Nội, dù biết ông tuổi cao, đã đuối sức nhiều, tôi vẫn không khỏi bàng hoàng, thương tiếc.
Nhạc sĩ Văn Dung sinh ngày 15/1/1936, nguyên Trưởng phòng Ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội. Ông là tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng như: Những bông hoa trong vườn Bác, Đường Trường Sơn xe anh qua, Hành khúc thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh... Văn Dung công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam, tham gia biên tập âm nhạc, nhiều ca khúc của các nhạc sĩ trẻ được ông phát hiện, giới thiệu đến công chúng. Trong chương trình tác phẩm mới thu thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam vào chủ nhật hàng tháng, ông là nhạc sĩ – MC cho chương trình với giọng vang trầm ấm cùng những nhận xét, bình luận sâu sắc, nhiều tác phẩm, tác giả trẻ đã được giới thiệu đến với thính giả nghe đài.
Những năm tháng ông tham gia cùng thực hiện chương trình Khắp nơi ca hát, ông cùng đoàn rong ruổi đi nhiều tỉnh thành, nhiều đơn vị, ngành nghề... Những chương trình thu thanh trực tiếp, biên tập phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Đến với Quảng Ninh, gặp gỡ các nhạc sĩ, ông có cảm tình đặc biệt. Ông làm việc, đi thực tế sáng tác tại Quảng Ninh, ông đi nhiều nơi từ biên giới đến hải đảo, đặc biệt đối với các đơn vị ngành Than, Bưu điện tỉnh, ngành Thủy sản... nhiều ca khúc, giai điệu đẹp, nồng ấm hơi thở cuộc sống được ông gửi vào từng ca khúc như: Tình ca đất mỏ, Đến với chúng tôi, Thư ra đảo, Hành khúc những người tuyển than, Thị xã bên bờ Hạ Long...
Khi gặp ông, ấn tượng nhất với tôi là đôi mắt sáng như cười, sự nhanh nhẹn và lời nói rõ ràng, khúc triết, vui nhộn hài hước, dễ gần. Ông hơn tôi chục tuổi, lúc tôi gặp ông, tôi chỉ là anh chàng yêu ca hát và tự viết những bài hát, tự hát... Ông như người anh, người thầy âm nhạc của tôi. Tuy xa cách, mỗi dịp gặp là có nhiều chuyện, gặp lại ông, câu đầu tiên bao giờ ông cũng hỏi: "Có bài nào mới không Xuân Nhật?". Tôi nhớ mãi ngày gặp ông, khi tôi viết bài Thuyền và Biển, thơ Xuân Quỳnh, ông đọc bài, nghe tôi hát rất chăm chú, như người bạn, ông khen, ông góp ý thẳng thắn, chân thành. Bài viết mi trưởng 4 dấu thăng, câu kết bài ông sửa tôi một nốt đô hoàn rất hiệu quả về cảm xúc, hòa thanh. Bài đã được thu thanh tại Đài Tiếng nói Việt Nam, chỉ huy dàn nhạc là nhạc sĩ Cao Việt Bách, ca sĩ Thúy Ngân cùng dàn vocal nữ.
Văn Dung về Quảng Ninh như về nhà mình. Có năm ông về nhiều lần. Có đợt hàng tháng ông đi sáng tác, làm việc với đội Văn nghệ Công ty Tuyển than Cửa Ông. Ông và ông Lâm Chính, Giám đốc Công ty là đôi bạn thân. Ông Lâm Chính yêu văn nghệ và đầu tư cho đội văn nghệ của Công ty Tuyển than Cửa Ông rất thiết thực. Đội Văn nghệ Công ty là đội mạnh của ngành Than, đặc biệt dàn múa của đội có thể nói không đơn vị nào sánh kịp. Hội diễn Nghệ thuật Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam, đội Văn nghệ Công ty Tuyển than Cửa Ông luôn dành giải nhất, giải đặc biệt.
Quảng Ninh là tỉnh có nhiều nhạc sĩ cả nước đến thực tế, tìm cảm hứng sáng tác nên tỉnh có nhiều bài hát. Tháng 5 năm 2003, anh Lê Toán, lúc đó là Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Quảng Ninh đã chỉ đạo biên tập Tuyển tập ca khúc Hát cùng trời nước Hạ Long do Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Nhà Xuất bản Âm nhạc, Sở Văn hóa - Thông tin Quảng Ninh xuất bản. Với 150 ca khúc của các nhạc sĩ viết về Quảng Ninh trong Tuyển tập, nhiều tác phẩm của các nhạc sĩ cả nước và các nhạc sĩ Quảng Ninh. Đặc biệt, trong đó có các tác phẩm của các nhạc sĩ tiền bối của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam đã sáng tác về Quảng Ninh như: Lưu Hữu Phước, Văn Cao, Đỗ Nhuận, Huy Du, Hoàng Vân, Trọng Bằng, Phạm Tuyên, Chu Minh, Hồng Đăng...
Tôi vinh dự trong Ban biên tập cùng các nhạc sĩ Hồng Đăng, Cát Vận, Tân Huyền, Văn Dung, Thành Long... Ban biên tập, biên tập từ lúc gần 500 bài để chọn còn 150 bài in trong tuyển tập cùng những bức ảnh của các nghệ sĩ nhiếp ảnh. Những ngày năm đó được làm việc cùng nhạc sĩ Văn Dung, tôi học được rất nhiều khi thẩm định từng tác phẩm. Tinh thần trách nhiệm, xem xét, chọn từng bài, hay để lại. Sự cẩn trọng từ âm nhạc đến ca từ, sự mới lạ trong giai điệu, tiết tấu, ý thơ trong ca từ nhiều dòng nhạc, nhiều đề tài, vùng miền... được cân nhắc chọn lựa đưa vào Tuyển tập. Đây là những tác phẩm tiêu biểu của các nhạc sĩ viết về Quảng Ninh trong Tuyển tập.
Nhạc sĩ Văn Dung đi xa, ông để lại nhiều tác phẩm âm nhạc, những bài ca đi cùng năm tháng sống mãi cùng thời gian. Tình cảm chân thành, sự đam mê âm nhạc của ông. Đặc biệt nhân cách của người cầm bút, người nhạc sĩ, người anh, người thầy mà tôi luôn kính trọng. Ghi nhận những đóng góp của ông cho nền âm nhạc cách mạng Việt Nam, Nhà nước đã trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật - đợt I năm 2001 cho ông – nhạc sĩ Văn Dung.
Nhạc sĩ Văn Dung, tên đầy đủ là Nguyễn Văn Dung, sinh năm 1936, quê ở Hà Nội. Thời trẻ, ông tham gia tích cực phong trào ca hát của học sinh, thanh niên Thủ đô. Ông đã tốt nghiệp Trường Báo chí Trung ương (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền). Cuối năm 1960, nhạc sĩ về công tác tại Ban Công nghiệp, Đài Tiếng nói Việt Nam. Một thời gian ngắn sau, ông được chuyển sang làm biên tập viên âm nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam. Tại đây, ông đã có nhiều chuyến đi thực tế tới các công - nông - lâm trường - xí nghiệp và chiến trường trên cả nước. Nhạc sĩ Văn Dung là tác giả của nhiều ca khúc cổ vũ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, như: “Tiến về Khe Sanh”, “Đường Trường Sơn xe anh qua”, “Bài ca Đường 9 chiến thắng”… Ông có nhiều ca khúc về các ngành nghề, vùng miền: “Vinh quang công nhân Việt Nam”, “Hương lúa chiêm xuân”, “Tình ca đất mỏ”, “Chiều xa thành phố cảng”… Ông cũng là tác giả bài hát “Hành khúc thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh”. Ca khúc được biết đến nhiều nhất của nhạc sĩ Văn Dung là “Những bông hoa trong vườn Bác”, được ông viết năm 1977. Ông còn có nhiều ca khúc viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, như: “Tên Người sáng niềm tin”, “Tôi vẫn nghe sóng hát tên Người”, “Pác Bó nơi còn ấm tình Bác”, “Tiếng Người nói ngày ấy”… |
Nhạc sĩ Xuân Nhật
Liên kết website
Ý kiến ()