Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 06:58 (GMT +7)
Kỷ niệm 60 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng G.Titov thăm Vịnh Hạ Long và đặt tên đảo Titov, 22/1 (1962-2022) Nhớ mãi năm ấy Bác về thăm…
Thứ 7, 22/01/2022 | 07:29:38 [GMT +7] A A
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhiều lần về thăm và dành cho nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh một tình cảm đặc biệt sâu sắc. Một trong số đó là sự kiện ngày 22/1/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng German Titov (1935-2000), Phi công vũ trụ, Anh hùng Liên Xô, Anh hùng Việt Nam, Anh hùng Cộng hòa Mông Cổ, Anh hùng Cộng hòa Bulgari, Giải thưởng Lenin đã về thăm khu Hồng Quảng, thăm Vịnh Hạ Long. Chính tại chuyến đi này, Bác đã đặt tên cho 1 hòn đảo trên Vịnh Hạ Long là đảo Titov. Qua đó, góp phần tô thắm thêm tình hữu nghị giữa hai nước Việt - Xô trước đây và nay là Việt - Nga.
German Stepanovich Titov sinh ngày 11/9/1935 ở làng Verkhneye Zhilino ở Altai Krai là một vùng thuộc Liên bang Nga và đi học tại trường hàng không quân sự Stalingrad. Sau khi tốt nghiệp ngành phi công không quân, ông được chọn đào tạo phi hành gia vũ trụ vào năm 1960.
Ngày 6 và 7/8/1961, German Titov bay trên con tàu vũ trụ Vostok 2, trở thành nhà du hành vũ trụ số 2, sau Yuri Gagarin bay vòng quanh trái đất. Ông là người đầu tiên quay quanh trái đất nhiều lần (tổng cộng 17 lần), là người đầu tiên lái tàu vũ trụ và ở hơn một ngày trên vũ trụ. Đầu năm 1962, Anh hùng du hành vũ trụ Liên xô German Titov được Trung ương Đảng, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Chủ tịch Hồ Chí Minh mời sang thăm Việt Nam.
Nhà du hành vũ trụ 26 tuổi này được lãnh đạo và nhân dân Việt Nam đón tiếp hết sức nồng hậu, chân tình. Thủ tướng Phạm Văn Đồng ra đón, tặng hoa, ôm hôn thắm thiết German Titov và cùng với nhà du hành vũ trụ đứng trên xe mui trần đi qua nhiều con phố thủ đô Hà Nội giữa rừng người vẫy cờ Liên Xô, cờ Việt Nam và giương cao ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ảnh German Titov reo hò chào đón.
Bác Hồ đã tiếp, nói chuyện thân mật với German Titov tại Phủ Chủ tịch. Tối 21/1/1962, tại cuộc chiêu đãi trọng thể chào mừng Anh hùng, phi công vũ trụ, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Đảng và Nhà nước Việt Nam trao tặng German Titov danh hiệu Anh hùng Lao động Việt Nam.
Ngày 22/1/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng German Titov đáp máy bay về thăm khu mỏ Hồng Quảng và thăm Vịnh Hạ Long trong sự chào đón nồng nhiệt của nhân dân khu Hồng Quảng. Đoàn đã đi tham quan Vịnh Hạ Long bằng tàu của hải quân có tên gọi là Hải Lâm. Trên tàu, Bác và nhà du hành ngồi bên nhau, Bác làm “hướng dẫn viên du lịch” cho vị sứ giả của đất nước Xô-viết anh em. Có lúc German Titov cầm lái và Bác Hồ đóng vai một người hoa tiêu. Có lúc German Titov say sưa đứng bên mạn tàu bấm máy quay phim ghi lại những hình ảnh biển đảo Vịnh Hạ Long tuyệt đẹp. Khi tàu gần đến một hòn đảo có bãi cát vàng, Bác Hồ đề nghị German Titov và những người cùng đi lên đảo ngắm cảnh, nghỉ ngơi. Từ con tàu Hải quân, Bác Hồ cùng German Titov và hai người nữa đi trên một chiếc xuồng vào đảo. Trong lúc nghỉ ăn trưa trên đảo, trong bầu không khí đầm ấm, Bác nói với mọi người rằng để ghi nhớ chuyến thăm của German Titov tới Vịnh Hạ Long và biểu thị tình hữu nghị hai nước Việt - Xô, Bác đề nghị lấy tên Titov đặt cho đảo. Mọi người có mặt lúc đó đều vui vẻ, đồng tình...
Chiều hôm ấy (22/1/1962), một cuộc mít tinh đã được tổ chức tại sân vận động Hòn Gai để chào mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh và German Titov trong sự tham dự của rất đông cán bộ, các tầng lớp nhân dân khu Hồng Quảng. Báo Vùng Mỏ (tiền thân của Báo Quảng Ninh ngày nay) số ra ngày 27/1/1962 đã đăng toàn văn bài phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Theo đó, tại cuộc mít tinh, Bác đã nói về thành quả xây dựng chủ nghĩa xã hội của Liên Xô, quá trình nhân dân Liên Xô phải "thắt lưng, buộc bụng" thế nào để xây dựng nước nhà để Liên Xô bây giờ thành một nước cộng sản. Rồi Bác nói đến sự cần thiết phải thi đua tăng gia, sản xuất, thực hành tiết kiệm: "Nhận lời mời của Trung ương Đảng, của Chính phủ, của Bác, rồi Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Chính phủ Liên Xô nhận để đồng chí Titov sang đây thăm chúng ta, thăm bà con ở đây. Thế là một vinh hạnh. Đồng chí đưa sang cho chúng ta tình đoàn kết ruột thịt anh em giữa nhân dân Liên Xô với nhân dân ta... Đồng thời, đưa đến cho chúng ta một không khí thi đua quyết thắng, làm tròn nhiệm vụ và vượt mức kế hoạch. Tất cả các cô, các chú ở đây, tất cả công nhân, nông dân, cán bộ, bộ đội có dám nói với Bác, với đồng chí Titov với các đồng chí khác là: Chúng tôi nhất định hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước năm nay. Có dám không?". Tất cả đều đồng thanh: Có! "Nếu các cô, các chú đã hứa chẳng những với Bác, với đồng chí Titov, với tất cả các đồng chí ở đây, thì đã hứa là phải làm. Đơn vị nào tốt nhất, hợp tác xã nông nghiệp nào tốt nhất, nhà máy nào tốt nhất, ca nào tốt nhất thì sẽ báo cáo với Bác, Bác đồng ý với đồng chí Titov, kíp ấy, hợp tác xã ấy, nhà máy ấy sẽ được gọi là nhà máy Titov, hợp tác xã Titov hay ca, kíp Titov".
Được biết, ngay sau đó, một phong trào thi đua giành danh hiệu Titov đã diễn ra sôi nổi trên khắp các công trường, nhà máy, xí nghiệp, hợp tác xã... ở Vùng mỏ mang lại những hiệu quả tích cực trong việc hoàn thành kế hoạch năm.
Chuyến thăm Vịnh Hạ Long năm 1962 cũng để lại trong German Titov những dấu ấn không thể phai mờ về cảnh đẹp thiên nhiên của Vịnh Hạ Long cũng như tình cảm nồng hậu của con người Việt Nam, Quảng Ninh. Ông đã tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh cuốn sách “700000 kilômét trong vũ trụ”, kèm theo bức chân dung mình. Trên trang đầu cuốn sánh là lưu bút của tác giả với lời đề tặng: “Kính tặng Bác Hồ với lòng biết ơn. German Titov. 24/01/62”. Cuốn sách hiện nằm trên giá sách phòng làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở tầng 2 của nhà sàn Bác Hồ bên cạnh lăng của Người.
German Titov đã trở lại thăm Việt Nam vào các năm sau đó để thắt chặt hơn tình đoàn kết hữu nghị Việt - Xô trên cương vị Chủ tịch Hội hữu nghị Xô - Việt. Năm 1999, German Titov trở lại Vịnh Hạ Long và thăm lại hòn đảo xinh đẹp mang tên mình, ôn lại những kỷ niệm sâu sắc trong chuyến thăm Vịnh với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong ngày trở lại ấy, German Titov được đưa đến bên tấm bia ghi sự kiện đảo được đặt tên ông. Và tại đây, người anh hùng phi công vũ trụ đã run run ghi nắn nót từng nét chữ vào sổ lưu niệm của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long với nội dung “Cảm ơn số phận đã cho tôi có dịp trở lại hòn đảo nhỏ xinh đẹp này! German Titov”. Trước khi rời hòn đảo mang tên mình, German Titov nói với vị lãnh đạo TP Hạ Long dẫn đoàn hôm ấy rằng: “Sau gần 40 năm trở lại, tôi rất xúc động với tình cảm trước sau như một của người dân Việt Nam, các bạn vẫn còn nhớ đến tôi”.
Năm 2000, German Titov qua đời. Năm 2006, bà Tamara đã có chuyến thăm Việt Nam, có dịp đến thăm đảo Titov. Bà đã bật khóc, xúc động trước tình cảm mà người Việt Nam dành cho gia đình bà. Đặc biệt, ngày 14/9/2015, bà Tamara cùng con gái Tachiana đã có dịp thăm lại Hạ Long, tham dự lễ khánh thành tượng đài German Titov trên đảo Titov.
60 năm đã trôi qua, tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh hay chính là nhân dân Việt Nam với Anh hùng du hành vũ trụ Liên xô German Titov là minh chứng cho sự đoàn kết, gắn bó, và là nhịp cầu nối hữu nghị keo sơn bền chặt giữa hai đất nước Việt - Xô và nay là Việt - Nga.
Nguyễn Dung
Liên kết website
Ý kiến ()