Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 17:49 (GMT +7)
Nhớ một thời làm báo Quảng Ninh
Thứ 3, 21/06/2022 | 14:25:15 [GMT +7] A A
Thời ấy, mỗi người đến với Báo Quảng Ninh bằng một con đường khác nhau, nhưng đều đã có chung biết bao kỷ niệm vơi đầy trong sự yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Khó, khổ thì ai cũng thấy nhưng vẫn có những niềm vui rất ấn tượng, không thể nào quên. Ký ức ấy luôn được trân trọng và là động lực để bước tiếp dù là ở công việc và cương vị công tác nào… Đó là tâm sự của những người đã một thời làm Báo Quảng Ninh hiện đang sinh sống tại Hà Nội.
Câu chuyện tình cờ, ông Vũ Ngọc Cầm, phóng viên Báo Quảng Ninh đã nghỉ hưu đang sinh sống tại Hà Nội, gặp tôi để tìm hiểu lại câu chuyện của hơn 20 năm về trước mà ông vẫn đang day dứt để viết truyện ngắn. Ông khoe năm nay ông đã 74 tuổi nhưng vẫn bắt nhịp công nghệ 4.0, vẫn viết tiểu thuyết, truyện ngắn về những vấn đề xã hội lưu giữ được từ thời còn làm báo. Ông vẫn thường đọc báo Quảng Ninh hàng ngày. Ông biết, Trung tâm Truyền thông tỉnh ngày nay là mô hình trung tâm truyền thông đa phương tiện và ông rất tự hào về tờ báo Quảng Ninh, nơi ông đã từng làm việc.
Tôi biết ông Vũ Ngọc Cầm ở Báo Quảng Ninh trước đây nổi tiếng là một cây vợt bóng bàn xuất sắc. Ông đã giành được nhiều huy chương Vàng đơn nam và cả đôi nam tại Giải bóng bàn do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức dù tại Hà Nội hay ở các tỉnh nhân dịp kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6 hằng năm. Ngồi ôn lại chuyện cũ, ông kể những ngày cuối xuân Nhâm Dần, khi dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát, những người đã một thời làm Báo Quảng Ninh hiện đang sinh sống tại Thủ đô đã có buổi hội ngộ đáng nhớ trong điều kiện bình thường mới, cùng nhau ôn lại những câu chuyện về nghề nghiệp, kỷ niệm trong những ngày làm Báo Quảng Ninh.
Câu chuyện bắt đầu từ ông Doãn Minh, quê ở Trà Cổ, Móng Cái, là nhân viên Bưu điện Móng Cái ngày ấy và là CTV của Báo Hải Ninh. Năm 1963, khi hợp nhất tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng thành tỉnh Quảng Ninh, ông vẫn tích cực cộng tác với Báo Quảng Ninh, năm 1965 thì ông được chuyển ngành về làm báo. Theo ông Minh thì môi trường làm báo giúp ông mở rộng tầm nhìn, tuy chưa được đào tạo làm báo, song vốn kiên trì tìm hiểu, cho nên ông biết rất nhiều nghề, từ đánh cá, trồng cây cho đến cả xây dựng. Với mong muốn học hỏi những cái mới, năm 1978, ông xin chuyển vào nhà in TP Hồ Chí Minh làm việc…
Rồi ông Huy Học, khi ông còn là cán bộ tiểu ban tuyên huấn Trung đoàn 43 đã tham gia làm thông tín viên của Báo Quảng Ninh. Sau chiến tranh biên giới, ông xin chuyển ngành về Báo Quảng Ninh, tuy đã được tiếp nhận, nhưng ông lại muốn về quê nên đã xin chuyển về Báo Hà Sơn Bình ngày ấy (sau này tách tỉnh ra là Báo Hà Tây và nay sáp nhập vào là Báo Hà Nội mới). Ông rất trân trọng tình cảm mà cán bộ, phóng viên Báo Quảng Ninh ngày ấy đã giúp đỡ ông, để từ một cán bộ quân đội trở thành nhà báo làm việc trong cơ quan báo Đảng tỉnh.
Khác với ông Học, ông Trần Thanh Hải về báo năm 1981, sau đó chuyển đến một số cơ quan khác. Năm 1988, ông được học lớp Đại học báo chí 1 của tỉnh và về công tác tại Cục Thuế tỉnh, thường xuyên tuyên truyền về chính sách thuế trên báo… Còn ông Huy Thắng thì đang trợ giảng môn triết học tại Trường Đảng tỉnh ở Quảng Yên, được điều động về báo. Ông tự hào sáng ngày 17/2/1979, khi quân xâm lược nổ phát súng đầu tiên trên biên giới thì ông đang ở núi U Bò, huyện Hải Ninh (nay là TP Móng Cái), ông là một trong số những phóng viên đầu tiên có mặt trên biên giới. Đến năm 1982, ông chuyển về Báo Hà Sơn Bình, năm 1988, ông ra nước ngoài làm ăn sinh sống. Nay ông đang ở Cộng hòa Liên bang Đức và đang làm Tổng Biên tập Báo Việt Đức, tờ báo kết nối thời sự trong nước với kiều bào…
Ông Nguyễn Hùng, công tác tại báo từ năm 1981, đến năm 1999 chuyển lên Hà Nội làm Tổng Biên tập Tạp chí Than - Khoáng sản Việt Nam. Ông Nguyễn Hùng khẳng định, thời gian làm báo Đảng ở Vùng mỏ chính là nơi ông đã được rèn luyện và đúc rút kinh nghiệm quý để làm báo sau này.
Người “trẻ” nhất trong buổi gặp gỡ đó là ông Trần Giang Nam, sinh năm 1958. Năm 1981, sau khi tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông thực hiện nghĩa vụ quân sự tại Đặc khu Quảng Ninh cho đến năm 1984 xuất ngũ về công tác tại Viện Ngôn ngữ và tiếng dân tộc, Ủy ban Khoa học Nhà nước (nay là Viện Ngôn ngữ học, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam). Bởi yêu cô giáo Quảng Ninh, năm 1985, ông xin chuyển về Báo Quảng Ninh làm việc. Ông tự hào đã làm việc với 4 Tổng Biên tập của báo, từ ông Nguyễn Huy Trợ, Nguyễn Viết Khai, Lê Toán cho đến ông Nguyễn Chí Thiết. Năm 2004, ông xin chuyển lên Hà Nội làm Thư ký tòa soạn Tạp chí Than - Khoáng sản Việt Nam thay bà Nguyễn Thị Kim Phượng nghỉ hưu. Bà Kim Phượng cũng nguyên là phóng viên Báo Quảng Ninh trước khi về Tạp chí…
Đến nay, Trung tâm Truyền thông tỉnh đã trở thành một cơ quan báo chí mạnh của cả nước với sự trưởng thành vượt bậc cả về số lượng và chất lượng, nội dung và hình thức, cũng như sự lớn mạnh của đội ngũ những người làm Báo Quảng Ninh. Lời tâm sự của những người đã một thời làm Báo Quảng Ninh cho thấy, họ luôn hướng về vùng Đông Bắc, về ngôi nhà chung Báo Quảng Ninh ngày ấy - hôm nay, nơi họ đã lưu giữ nhiều kỷ niệm, cùng được học hỏi, luyện rèn và từ đó đi tới mọi vùng, miền đất nước…
Xuân Quảng
Liên kết website
Ý kiến ()