Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 11:14 (GMT +7)
Nhớ Tết Hà Cối xưa
Thứ 7, 10/02/2024 | 00:32:58 [GMT +7] A A
Tết Nguyên đán không chỉ là một cánh cửa thần kỳ đón chúng ta bước từ năm cũ sang năm mới mà còn là bước từ hoài niệm xa xưa với những nét đẹp cổ truyền được lưu giữ bền bỉ sang sự mới mẻ của cuộc sống thực tại sôi động nhiều biến đổi. Có lẽ vì thế, mà khi càng tới gần ngày trở về thăm Hải Hà dịp lễ lớn này, càng mừng cho quê hương đang không ngừng phát triển, lại càng thấy nhớ Tết Hà Cối xưa. Nhớ không gian văn hóa miền Đông, nhớ lời ăn tiếng nói mang đậm ngữ điệu Hà Cối, nhớ vật nhớ người, đến miếng ăn cũng là miếng nhớ. Đi qua vùng biển cả hoài niệm thì những con sóng nhớ cồn cào ấy vẫn luôn dội về ký ức mãi không thôi.
Thiêng liêng lễ Chạp mả
Hà Cối là một miền quê biên giới mang đậm bản sắc văn hóa vùng Đông Bắc của Tổ quốc - đôi khi chúng ta quen gọi là “văn hóa miền Đông”. Nhớ Tết Hà Cối xưa chính là nhớ về không gian văn hóa miền Đông đậm hương rừng vị biển và nhiều vẻ đẹp giao thoa vùng biên giới rất đặc trưng.
Hoạt động quan trọng đầu tiên của việc đón Tết cổ truyền là tổ chức lễ Chạp mả truyền thống. Tùy theo lệ tục của dòng họ mà người ta chọn ngày Chạp mả khác nhau, tầm từ trước Tết một tháng tới ngày 23 tháng Chạp. Đây không đơn giản chỉ là ngày con cháu dọn dẹp mộ phần tổ tiên sạch sẽ đẹp đẽ như trong ngày tảo mộ của tiết Thanh minh mà còn là ngày làm lễ trang trọng mời người thân đã khuất trở về ăn Tết cùng gia đình. Cũng không đơn giản là ngày cử người đại diện đến mộ thắp nén hương dâng lời mời ông bà về ăn Tết mà là một ngày lễ đại đoàn kết gia đình, dòng họ. Trong ngày này, con cháu xa gần đều gắng trở về quê hương cùng nhau làm cỗ sum vầy, chuẩn bị lễ lạt hương khói, cùng nhau chăm sóc mộ phần dòng họ, nhắc chuyện tổ tiên, dặn dò con cháu. Trong không khí tế lễ Chạp mả ngay tại khu lăng mộ dòng họ, ai cũng rưng rưng xúc động mỗi khi cụ trưởng họ cầm bó hương chia cho con cháu đi cắm khắp một vòng từng mộ phần, cụ đi tới đâu lại nhắc nhớ tới đó: Đây là mộ cụ tổ, đây là mộ ông chú, đây là mộ giai nhà này, gái nhà kia, năm ấy năm nọ, chuyện vui chuyện buồn… Cứ thế vừa kể chuyện vừa nhắc nhớ thứ bậc họ hàng, vừa bày tỏ nỗi nhớ nhung thương xót.
Người xưa vẫn nói: Có ngày này con cháu mới về gặp gỡ mà nhớ mặt nhau, nhớ người trong họ, nhớ ông bà, tổ tiên, nhớ quê cha đất tổ. Tết có thể bận bịu với các quan hệ cuộc sống gia đình mới, công việc mới mà không về quê ăn cỗ Tết Nguyên đán nhưng Chạp mả thì phải gắng về gặp mặt người thân, họ hàng và kính lễ với bề trên rồi cùng ăn cỗ tưng bừng như ngày hội đại đoàn kết dòng họ. Anh chị em họ hàng đông đúc cùng nhắc về một cội nguồn, thấy như chính mình là nhân vật truyền thuyết trong bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ. Chạp mả là một lễ lớn trong năm, chả trách người xưa đặt luôn tên tháng cuối năm là tháng Chạp. Tháng Chạp chính là tháng của nhung nhớ những gì đã qua, tôn kính những người đã khuất, tháng của xóa nhòa ranh giới quá khứ và thực tại, tháng kết thúc một năm cũ sắp qua nhưng cũng là tháng bắt đầu mở ra một lễ Tết đầu tiên và đặc trưng của người miền Đông - lễ Chạp mả - trước khi đón Tết ông Công ông Táo, làm lễ tất niên, đón giao thừa, thăm gặp chúc Tết họ hàng người thân, lễ hội du xuân… như nhiều nơi khác.
Người Hà Cối rất trọng lễ lạt cúng bái, thường lễ hội hóa những dịp cúng tế, làm cho ngày đó không chỉ trang trọng mà còn phải rôm rả, đông vui, có ăn có chơi, có khóc có cười, có mùi hương khói ảo diệu và cả mùi cỗ bàn linh đình rất đời thực, mà những lễ du xuân lại càng hòa quyện nét đẹp ảo và thực đó hơn hết. Hà Cối xưa từng có một ngôi miếu Quan Âm lớn nhất miền Đông, khắp nơi về tham gia lễ hội ở miếu này - nhất là lễ hội khai xuân với trò bắn pháo thăng thiên rồi thanh niên đua nhau cướp câu đối rơi xuống sau tiếng pháo nổ - khiến cho nơi này đã từng như một trung tâm tôn giáo - văn hóa của miền Đông vậy. Ven biển từ xa xưa đã có các đình làng lớn như đình My Sơn, đình Quang Lĩnh, đình Cái Tó… vào ngày hội đình thường tổ chức hát nhà tơ và lễ hội đua thuyền, sau này còn có thêm nhiều hoạt động sôi nổi khác nhưng đây vẫn là hai hoạt động văn hóa cộng đồng đặc trưng nhất.
Ngay cụ Đặng Thị Tự, nghệ nhân hát nhà tơ của Đầm Hà cũng từng kể ngày nhỏ thường theo người lớn sang Hà Cối hát nhà tơ trong các đình lớn. Nghe kể rằng những người hát nhà tơ giỏi giang của Hà Cối xưa thực sự là bậc thầy truyền dạy nghề hát xướng cho các nghệ nhân hát nhà tơ của Đầm Hà, Móng Cái, tiếc là chính Hà Cối sau này lại không có truyền nhân. Khi các cụ giỏi hát đã khuất núi thì mỗi lần Hà Cối lễ hội lại mời các phường hát huyện bên sang hát cùng cho đỡ nhớ nhung như lễ hội đình Quang Lĩnh thì thường mời người Vạn Ninh (Móng Cái) gần đó sang hát. Bến cảng Hải Hà giờ đã phát triển sang một tầm cao mới nhưng lễ hội truyền thống đua thuyền ven sông, ven biển vẫn giữ gìn và tổ chức đều đặn mỗi năm trong dịp hội đình My Sơn tầm 16 đến 20 tháng Giêng - một lễ hội gợi nhớ tài luyện quân đồng sức đồng lòng của ông cha ta vượt qua những thử thách của biển cả và chiến trận. Đôi khi người Hà Cối xưa vẫn bị coi là còn nhiều hủ tục, đồng bóng hay mê tín nhưng thực ra chỉ là một nét riêng trong tâm lý văn hóa vùng miền mà thôi! Ở nơi đầu sóng ngọn gió, ở nơi biên ải xa xôi, ở nơi đối mặt trước tiên với nhiều biến động lịch sử, làm sao không thể không trọng tâm lý về thăng hoa cảm xúc, về tụ hội sức mạnh, về đoàn kết dòng tộc và về kết nối truyền thống với tương lai?
Một miền văn hoá đặc sắc
Trong phạm vi gia đình, người Hà Cối xưa cũng chuẩn bị đón Tết như nhiều vùng miền khác với việc trang hoàng nhà cửa và không gian sống của mình. Hình ảnh cây đào ngày Tết gần như không giống nơi nào ngoài khu vực ven biên giới. Thay vì chặt cành đào cắm lọ trong nhà, người Hà Cối xưa trồng cây đào ngay gần cổng hay góc đẹp của sân vườn, cây đào mang ý niệm trừ tà ngay từ không gian bên ngoài căn nhà, Tết đến hoa nở tự nhiên ngoài trời như tươi cười đón khách bước qua cổng vào nhà chơi, có gì đó gần gũi với hình ảnh cây đào bên cổng của người Mông ở Tây Bắc. Sau năm 1979, khi người dân “kinh tế mới” đến Hà Cối xây dựng cuộc sống mới ở nơi này, góp thêm những nét văn hóa vùng miền mới đến đây, hẳn cũng đã có chút ngỡ ngàng ban đầu khi không thấy người Hà Cối bày lọ hoa ngày Tết như nhiều nơi khác. Không bày hoa không phải là thiếu tao nhã mà là cách chơi hoa khác với người miền xuôi mà thôi, họ chơi hoa tươi ngoài vườn chứ không ngắt nó vào trong nhà, cũng có đủ hoa hồng, hoa mào gà, hoa cúc, hoa thược dược… và hoa đào nhưng cố ý để ngoài vườn đón Tết.
Duy chỉ có hai loài này thường được chặt rời khỏi cành mang vào nhà trang hoàng không gian ngày Tết, đó là cành đào chuông và cành táo sai quả. Cũng bởi đó là hai loài để cao khó ngắm và nên cắt tỉa cho sang xuân đâm cành mới tươi tốt hơn. Tức là một cách chơi hoa thuận theo tự nhiên. Tính xa hơn nữa, từ trước khi có văn hóa trồng đào ta trong vườn thì người Hà Cối cũng như người miền Đông đã biết chơi đào Tết bằng đào chuông. Loài hoa này đặc biệt nhiều ở vùng ven biên - nơi địa thế cao, thoáng, mát lạnh, nhiều độ ẩm sương mù nhưng không dễ gì xuất hiện ở những vùng miền khác. Hoa đào chuông vốn là một loại đỗ quyên nhưng có thể vì gắn với tập tục trang hoàng không gian ngày Tết mà sau này được gọi như một loại đào. Cành hoa đào chuông chĩu chịt những chùm hoa như chùm chuông nhỏ, thoạt nhìn đã tưởng như nghe thấy trăm nghìn tiếng leng keng của chùm khánh giữa vùng tịch mịch hoang sơ, gợi ra ý niệm trừ ma diệt tà để cầu may, đặc biệt là cầu sự may mắn trong việc đông con, nhiều cháu.
Thêm nữa, trước khi có lệ bày cây quất ngày Tết thì người Hà Cối xưa bày cành hồng táo - loài táo này sai quả và khi chín đổ sang màu đỏ nâu đẹp mắt - khi xưa rất hợp khí hậu lạnh buốt của giá rét miền Đông, sau này không có nhiều cây hồng táo thì rung cành táo ta cũng vẫn với ý niệm cầu may và đông đúc con cái. Hẳn là vùng quê này, miền biên ải xa xôi hay vùng biển cả nhiều sóng to gió lớn, sự sinh tồn sống còn đã trở thành nếp hằn tâm lý văn hóa rõ nét.
Dọc các phố chính của thị trấn, trên khung cửa ván ghép dán phấp phới những tờ giấy điều đỏ rực cầu may. Người chưa quen mắt sẽ bảo nơi này cứ như một Chinatown (phố Trung - Hoa) giữa lòng đất Việt nhưng nếu thực sự hiểu Hà Cối, bạn có thể phân biệt được hình thức của những tờ giấy điều này đặc biệt khác so với những ngôi nhà của người dân gốc Hoa nơi khác. Bởi vì khi xưa người Hoa Hải Ninh có một nét văn hóa khá khác biệt với 5 nhóm gốc Hoa còn lại ở Việt Nam: Giấy điều dán dọc chứ không dán ngang và cũng không đề chữ gì lên đó hoặc chỉ ghi chữ Phúc giống như thú chơi treo tranh chữ Phúc - Lộc - Thọ của người Việt xưa nói chung. Chỉ khác người Kinh ở chỗ người Hoa Hà Cối dán nhiều giấy điều hơn, họ dán ở cửa nhà, cửa bếp và cả ở những thân cây lớn trong vườn hay một vài dụng cụ lao động chính của gia đình dựa bên tường bếp.
Văn hóa của người Hoa Hải Ninh xưa giao thoa đẹp đẽ với văn hóa bản địa Hà Cối qua nhiều thế kỷ nên cảm giác rất gần gũi, thân thiết không chỉ ở trong không gian sống mà còn trong ngữ điệu lời nói và nét đẹp văn hóa ẩm thực vùng miền. Sau này người Hoa di cư đi rồi, người Hà Cối vẫn giữ được những nét đẹp văn hóa giao thoa đó, bởi vậy mà ký ức về Tết xưa Hà Cối như vẫn được đánh thức đều đặn mỗi dịp Tết đến xuân về.
Những ai đã từng “ăn cỗ miền Đông” hẳn sẽ có chung một cảm nhận: Cỗ vừa to vừa ngon, vui say hết mình, thật ấn tượng với hương rừng vị biển và nét giao thoa văn hóa Hoa - Việt. Để có món khau nhục thì khi xưa người Hà Cối còn phải trồng cải thầu xôi từ sớm, thu hoạch, phơi phong, hong ráo, muối khô, sắt nhỏ để làm thứ gia vị thống xôi chính cho món khau nhục hương vị Đông Bắc. Đây vốn là món ăn của người Việt gốc Hoa nhưng rõ ràng gia vị đặc trưng món này lại là thứ rau cải đặc trưng của khí hậu lạnh vùng cao Hà Cối nên đậm hương vị bản địa rất thanh nhã chứ không phải mua sẵn gia vị nhập khẩu khá đậm cả mùi và vị như bây giờ. Để có món bánh chưng cơm lông thì người dân cũng phải chọn lá chít lót trong lá dong cho bánh dậy hương vị núi rừng hoang dã, cũng phải trồng cây cơm lông lấy lá ướp thịt tạo màu đỏ gợi ý niệm cầu may và cũng là tạo hương vị thơm thanh cho miếng nhân thịt ngấy mỡ của bánh.
Vào ngày Tết, người Hà Cối không kiêng ăn mực (nhiều nơi cho rằng mực có túi mực đen nên xui xẻo) bởi gốc gác người Kinh của Hà Cối xưa là làng My Sơn có đời sống thủy cơ, gắn liền với sông nước, biển cả. Mực là một thức ngon cùng với nhiều loài hải sản khác trở thành thực phẩm quá đỗi quen thuộc và gắn chặt với văn hóa ẩm thực Hà Cối, không loại trừ dùng trong ngày Tết. Nhiều nơi mâm cỗ là mâm bày các loại thịt, với Hà Cối, mâm cỗ không thể thiếu món ngon từ hải sản tươi sống, ít nhất cũng phải một món cá hay mực. Trong đó “món nhậu kinh điển” ngày Tết hẳn phải có cá mực nướng hoặc sá sùng rang. Có một lý giải khá vui trong việc chọn ăn ngan, ăn vịt trong dịp năm mới, người Hà Cối cho rằng chúng kêu “Pạc! Pạc!...” (đồng âm tiếng Hoa có nghĩa là bạc trong “vàng bạc”) nên ăn vào sẽ may mắn, phát tài, giàu sang phú quý…
Năm mới "Phát sồi!"
Lại nói đến ý niệm về sự phát tài, có khi không đâu thể hiện điều này bằng ngôn ngữ một cách hồn nhiên, mộc mạc và tha thiết như người Hà Cối. Nơi nơi gặp nhau là chúc Tết mạnh khỏe, thượng thọ, may mắn, thành đạt, còn người Hà Cối xưa thì hễ cứ gặp nhau là phải chúc nhau “Năm mới phát sồi!”, “Phát sồi! Phát tài! Phát lộc nha!”, “Năm nay làm ăn gấp 10 năm ngoái! Tiền vào như nước, tiền ra nhỏ giọt!”. “Phát sồi!” là kiểu người Kinh nói bồi tiếng Hoa Hải Ninh, nếu nói bằng tiếng Pạc-và thì là “Phát sồi!”, nếu nói bằng tiếng Ngái thì là “Phạt tsọi!”, có nghĩa là phát tài phát lộc, có nhiều tiền của.
Có thể vì miền đất này từ xa xưa đã là điểm lớn của giao thương đường biển nên nhận thức sắc bén về buôn bán, về đồng tiền trở thành một đặc điểm tính cách địa phương rất dễ nhận thấy, nội dung câu chuyện (cho dù là câu chuyện ngày Tết) thường là về tiền tài, được mất, lời lãi, hơn thua… nhưng người Hà Cối không bộc lộ nó một cách toan tính thô thiển mà rất hài hước vui vẻ. Sự hài hước trong cách nói thậm xưng, cách nhại nhau và pha trộn giữa tiếng các tộc người cùng chung sống trên vùng đất, tạo nên ngữ điệu hóm hỉnh dễ thương dễ mến, đã vậy còn phải nói rất to, rất nhấn mạnh từ ngữ, rất chau chuốt ngữ điệu… Thứ ấn tượng ngôn ngữ này thực không thể tả bằng văn viết mà phải nghe tận tai mới thấy thú vị!
Cách ăn nói hằng ngày và cách trò chuyện ngày Tết của người Hà Cối xưa có sự khác nhau rất xa. Ngày thường, thậm chí họ quen nói trống không, nhiều động từ mạnh và ăn nói ngắn gọn, đó có thể là ảnh hưởng từ chính đời sống ven biển với cách diễn đạt to, rõ, ngắn gọn, át tiếng sóng biển của ngư dân và từ chính cá tính thâm trầm, lặng lẽ, ít nói tiếng Việt của đồng bào miền núi. Người miền xuôi khi mới tiếp xúc, họ cho rằng ăn nói như vậy là thô cộc, trống không, thiếu lễ nghĩa, nhưng ngày lễ Tết người Hà Cối xưa lại ăn nói rất vần vè hoa mĩ, ngọt ngào cả trong nội dung lẫn ngữ điệu. Lời thăm hỏi nghe cũng mượt mà như một câu hát, lời cười đùa cũng luyến láy rất nhiều ngữ âm khác nhau, thậm chí rất hay kèm theo các từ đưa đẩy sau cùng, các từ đó gần như không có nghĩa nhưng chủ yếu thể hiện cảm xúc thông qua ngữ điệu: Nha, như, vơ, va, cơ lo, va lề, vẩy dư…
Ngôn ngữ Hà Cối không chỉ dùng 6 thanh điệu của người Việt mà còn quen dùng cả cách biến điệu của người Hoa, khiến cho thoạt nghe tưởng như là người Việt nói điệu, thực ra đó là một kiểu ngữ điệu địa phương, nơi tiếng Việt giao thoa nhiều với ngôn ngữ gốc Hoa vốn không phải là ngôn ngữ đơn âm mà là biến âm. Chả trách người Hà Cối rất yêu ca hát và thường hát rất hay. Đôi khi ở một vùng đất xa lạ, thoáng vô tình nghe thấy ai đó nói bằng giọng điệu Hà Cối, có thể khiến cho người xa quê không chỉ giật mình thảng thốt mà bồi hồi nhớ quê.
Đôi khi người Hà Cối xa quê không thể về tụ hội trong ngày lễ Chạp mả, đôi khi ngay đến người địa phương cũng không dễ gì mua được cành đào chuông bày Tết, đôi khi bản thân mỗi người đã không còn giữ nguyên giọng địa phương thế nhưng không thể nào không nhớ nhung và mong mỏi trở về quê hương để cảm nhận thoảng đâu đây vẫn nồng nàn những nét xưa Hà Cối.
Bùi Thị Mai Anh
Liên kết website
Ý kiến ()