Tất cả chuyên mục

Hiện nay, tình trạng mù chữ, tái mù chữ trên địa bàn tỉnh, nhất là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa vẫn còn xảy ra, tạo thêm khoảng cách chênh lệch giữa các vùng, miền. Thực trạng ấy đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương phải vào cuộc mạnh mẽ hơn, tránh hình thức, phối hợp chặt chẽ bằng những phương án, giải pháp cụ thể, phù hợp với từng đối tượng.
Ở nơi người dân "nghèo" con chữ
Men theo con đường làng còn mới màu bê tông, chúng tôi đến bản Nà Nhái (xã Vô Ngại, huyện Bình Liêu). Những ngôi nhà được đắp bằng đất, mái ngói lụp xụp đúng như những gì anh trưởng bản giới thiệu cho chúng tôi trên đường vào bản "một trong những bản nghèo nhất của xã...". Cái nghèo ấy không chỉ ở những ngôi nhà, mà còn “nghèo” ở cái chữ, ở nhận thức của một bộ phận người dân nơi đây.
Bước vào một ngôi nhà nằm phía sâu trong làng, chúng tôi thấy căn nhà đất chỉ khoảng 10m2, đủ kê một chiếc giường và một cái bàn uống nước. Trong nhà có một người phụ nữ đang ru con ngủ. Đó là chị Phùn Ủng Múi (sn 1984), người dân tộc Dao. Theo thói quen, chúng tôi đưa thẻ nhà báo và giới thiệu, nhưng chị Múi chỉ cười cười, rồi bảo: "Mình không biết cái chữ đâu à". Nhìn đứa bé khoảng mấy tháng tuổi đang nằm cuộn trong chăn, tôi tò mò: “Không biết chữ thì giấy khai sinh của cháu, chị chưa làm ạ?”. Chị Phùn Ủng Múi lại cười, ngượng ngùng nói: “Vẫn làm chứ, không biết ký tên thì mình điểm chỉ. Nhiều giấy tờ mình vẫn làm vậy. Nhiều lần lên xã làm thủ tục, không biết chữ cứ phải hỏi đi, hỏi lại, cán bộ cũng thấy khó chịu, mà mình thì cũng thấy xấu hổ. Nhưng rồi cũng quen, không biết chữ thì làm thế nào được. Đành chịu vậy!”.
Anh Tằng Sao Khìn, Bí thư kiêm Trưởng bản Nà Nhái, khảo sát khả năng đọc chữ của chị Phùn Ủng Múi (trái) và chị Phùn Nhì Múi. |
Thấy nhà chị Phùn Ủng Múi đông người, chị Phùn Nhì Múi (SN 1984), nhà ở kế bên địu con sang chơi. Vừa địu con, chị Múi vừa hí hoáy với chiếc điện thoại cảm ứng trên tay. Nhìn những động tác sử dụng điện thoại thành thục ấy ai ngờ chị Nhì Múi cũng không biết chữ. Chị Múi chia sẻ: “Danh bạ trên điện thoại tôi đều nhờ người khác lưu hộ. Nhìn mặt chữ nhiều cũng quen, muốn gọi ai là cứ tìm những chữ quen đã lưu trên máy rồi gọi. Các ứng dụng trên máy như chụp ảnh, quay phim... tôi đều sử dụng được, nhưng riêng nhắn tin thì đành chịu. Có biết chữ đâu mà nhắn tin".
Vì không biết chữ, những người như chị Phùn Ủng Múi, chị Phùn Nhì Múi đã có nhiều "sáng kiến" để ký tên khi thực hiện các giao dịch hành chính. Ví dụ như trước khi đi lên xã làm thủ tục hành chính hay đi lấy thuốc ở trạm xá, đi họp phụ huynh cho con, các chị nhờ người biết chữ lưu tên mình vào điện thoại, khi cần mở ra rồi căn cứ các chữ để "vẽ" lại. Trước kia không có điện thoại, các chị phải nhờ người viết sẵn tên mình vào cánh tay để bắt chước ký.
Chị Phùn Nhì Múi và chị Phùn Ủng Múi đều là những thanh niên trẻ, đã từng được cầm chứng chỉ tốt nghiệp lớp xóa mù chữ, nhưng hiện các chị đều tái mù chữ. Trao đổi với chúng tôi, anh Tằng Sao Khìn, Bí thư kiêm Trưởng bản Nà Nhái, cho biết: "Bản hiện có trên 330 khẩu, thì có khoảng 40 người không biết chữ, trong đó tầm tuổi từ 35-40 chiếm khá nhiều. Trong các buổi họp thôn, hầu hết cán bộ thôn phải nói tiếng dân tộc Dao. Mỗi lần có đoàn của xã vào họp, nhiều câu tôi đều phải dịch từ tiếng Việt sang tiếng dân tộc thì bà con mới hiểu. Cứ mỗi lần như vậy, tôi lại thấy mình giống phiên dịch viên".
Theo thống kê của Phòng GD&ĐT huyện Bình Liêu, tính đến tháng 6/2017, toàn huyện có 4,43% số người ở độ tuổi 15-60 chưa biết chữ và tái mù chữ... Không chỉ ở Bình Liêu, hiện nhiều địa phương khác trong tỉnh, như Quảng Yên, Ba Chẽ, Đầm Hà… còn tình trạng mù chữ và tái mù chữ. Theo số liệu thống kê, đến hết năm 2016 tổng số dân từ 15 đến 60 tuổi là 843.211 người; trong đó, mù chữ mức độ 1 (chưa hoàn thành chương trình lớp 3) là 9.034 người, mù chữ mức độ 2 (chưa hoàn thành chương trình lớp 5) là 18.570 người; số tái mù chữ là 1.011 người.
Để xóa mù bền vững
Tìm hiểu chúng tôi được biết, nguyên nhân dẫn tới mù chữ, tái mù chữ, trước hết là do hầu hết các địa phương chỉ mở các lớp xoá mù chữ với thời gian ngắn từ 2-3 tháng. Với một số người tuổi đã cao, trình độ, khả năng tiếp nhận còn hạn chế, lại không được thực hành thường xuyên, nên nhanh chóng quên con chữ. Chị Phùn Tài Múi (thôn Nà Nhái, xã Vô Ngại), tâm sự: "Tôi học lớp xóa mù chữ do Phòng GD&ĐT huyện tổ chức cách đây khoảng 2 năm. Lớp học từ 7 giờ đến 9 giờ tối, nhưng do đi làm suốt, nên đi học cũng không được thường xuyên, lại không được thực hành nhiều, giờ tôi cũng quên hết rồi".
Bên cạnh đó, sự phối hợp thực hiện giữa các ban, ngành, đoàn thể, địa phương chưa thực sự chặt chẽ, thường xuyên. Hầu hết ban chỉ đạo công tác xóa mù chữ ở các cơ sở hoạt động chưa mạnh, chưa phát huy hết vai trò trách nhiệm của mình, chủ yếu giao phó cho các nhà trường. Ở các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, đời sống của nhân dân khó khăn, trình độ dân trí còn thấp, địa bàn rộng, dân cư thưa thớt, đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa lũ huy động học sinh ra lớp cũng như duy trì sĩ số còn nhiều bất cập…
Lớp học xóa mù chữ tại thôn Khe Tiền (xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu), tháng 7/2017. |
Trong những năm qua, thực hiện công tác xoá mù chữ, chống tái mù chữ, ngành GD&ĐT tỉnh là đơn vị thường trực tham mưu với UBND tỉnh đưa ra nhiều phương án, giải pháp thiết thực, cụ thể. Sở và các ngành chức năng rất nỗ lực trong việc thực hiện Đề án “Xóa mù chữ đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh. Cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương, ban chỉ đạo công tác xóa mù chữ đã chủ động xây dựng kế hoạch từng năm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, huy động học sinh, học viên ra lớp xóa mù chữ nhằm phấn đấu giữ vững và nâng cao chất lượng, tỷ lệ đạt xóa mù chữ. Cùng với đó, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các trường, nhất là tại các điểm trường, mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy, nhằm nâng cao chất lượng dạy và học.
Đồng thời, thực hiện bồi dưỡng nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, có các giải pháp để nâng cao chất lượng dạy, học và giáo dục theo mục tiêu của từng cấp học và chương trình đổi mới giáo dục phổ thông. Các đơn vị, địa phương cũng quan tâm nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng, tổ chức tốt các hoạt động giáo dục của trung tâm trên các lĩnh vực văn hoá, thể thao, y tế, pháp luật, phục vụ lao động sản xuất..., nhằm nâng cao trình độ văn hóa, khoa học kỹ thuật trong nhân dân. Huy động nguồn lực trong dân và các tổ chức xã hội, xây dựng quỹ khuyến học, kịp thời hỗ trợ học sinh nghèo, học sinh khó khăn vươn lên trong học tập.
Việc biết chữ và học chữ có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của cá nhân, gia đình và cộng đồng. Chị Phùn Ủng Múi chia sẻ: “Không biết chữ xấu hổ lắm, vì vậy bây giờ nếu được đi học thì mừng lắm. Tôi sẽ cố gắng chăm chỉ đi học. Có cái chữ thì mới biết được nhiều thứ, tiếp xúc được nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, từ đó mới vươn lên thoát nghèo được”.
Để công tác xóa mù chữ bền vững, thời gian tới các cấp, ngành, địa phương cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa, góp phần nâng cao trình độ dân trí, nhất là ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số…, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.
Trúc Linh - Nguyễn Dung
[links()]
Ý kiến (0)