Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 06:57 (GMT +7)
Như những đóa hoa mãi ngát hương
Thứ 2, 06/03/2023 | 07:48:40 [GMT +7] A A
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vị thế của phụ nữ trong quá trình phát triển của đất nước. Bác từng nói: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”... Thấm nhuần lời dạy của Người, phụ nữ Quảng Ninh đã và đang phát huy vai trò quan trọng trong mọi lĩnh vực, giữ gìn văn hóa truyền thống, nỗ lực cống hiến cho đời những giá trị đáng trân trọng.
Đầu tàu trong chuyển đổi số
Dù đã gần trưa, nhưng trong căn phòng của Hội LHPN TP Móng Cái, chị Hà Thị Mai, Chủ tịch Hội LHPN thành phố, vẫn miệt mài truy cập, duyệt các nội dung, chỉ đạo đăng tải thông tin trên fanpage Hội LHPN TP Móng Cái.
Trong câu chuyện, chúng tôi được biết chị Mai mới chỉ gắn bó với công tác hội từ năm 2020, nhưng gần 3 năm đó lại là thời điểm dịch Covid-19 diễn ra phức tạp. Bằng sự nhiệt huyết, đam mê và quyết tâm, chị Mai đã không ngừng sáng tạo, chủ động đề xuất, triển khai hiệu quả nhiều mô hình hay, cách làm tốt, sát với thực tiễn cuộc sống và đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác hội.
Xuất phát từ thực tiễn, ngay từ những ngày đầu nhận nhiệm vụ chị Mai đã chỉ đạo thành lập fanpage Hội LHPN TP Móng Cái. Fanpage được lập từ năm 2021, chỉ sau 28 ngày ra mắt đã thu hút 15.000 người tiếp cận và 5.000 lượt tương tác.
Chị Mai chia sẻ: Fanpage của hội ngoài đăng các thông tin, bài viết thông thường, chúng tôi có ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), ứng dụng MC trí tuệ nhân tạo, phim trường ảo, trường quay 3D vào xây dựng bản tin phụ nữ Móng Cái, góp phần tăng sức hút và lượt tương tác của người xem đối với các thông tin tuyên truyền của hội.
Để đổi mới nội dung hoạt động của fanpage, chị Mai còn chỉ đạo tổ chức các cuộc thi trực tuyến có sức lan tỏa đông đảo tới cộng đồng như cuộc thi vun đắp giá trị gia đình Việt qua ảnh, liên hoan dân vũ... Đồng thời, tổ chức hiệu quả các chương trình hội thảo, đào tạo, tập huấn trực tuyến bởi các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ số tới hội viên phụ nữ trong địa bàn toàn thành phố. Đến nay, 100 chi, tổ phụ nữ đều có nhóm zalo riêng để thông tin tuyên truyền nhanh chóng, thuận tiện và thông suốt. Khi triển khai các nhiệm vụ đột xuất, Hội LHPN thành phố đã kịp thời tổ chức họp trực tuyến thông qua phần mềm Zoom và TranS hiệu quả, thiết thực, nhanh chóng.
Bà Nguyễn Thị Đang (khu 2, phường Trần Phú) nhận xét: Tôi thấy các thông tin về hoạt động của hội, của thành phố và tỉnh đều được Hội LHPN thành phố cập nhật liên tục qua fanpage, zalo… Qua đó, các hội viên nắm bắt được thông tin nhanh chóng, kịp thời, chính xác, từ đó, nâng cao nhận thức, chung tay xây dựng tổ chức hội vững mạnh, thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương.
Chia sẻ với phóng viên, Chủ tịch Hội LHPN TP Móng Cái Hà Thị Mai cho biết: Gắn bó với hội, bất cứ lúc nào tôi cũng trăn trở, tìm tòi, suy nghĩ để mỗi năm các hội phụ nữ trên địa bàn thành phố đều triển khai sáng tạo ít nhất một vài mô hình hoạt động tiêu biểu. Từ đó, mỗi người phụ nữ không chỉ làm tốt vai trò là người giữ tổ ấm, mà còn đóng góp tích cực cho xã hội.
Với những nỗ lực, sáng tạo, cống hiến, chị Mai đã được tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Nổi bật là bằng khen của UBND tỉnh với thành tích xuất sắc trong công tác nhân dịp kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam (năm 2020); bằng khen của Hội LHPN tỉnh vì đã có thành tích xuất sắc trong tham gia phòng chống dịch Covid-19 (năm 2020); bằng khen của Hội LHPN tỉnh với thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội, giai đoạn 2016-2021...
Người nặng lòng với trẻ khuyết tật
Không giống như các cơ sở giáo dục khác, trong căn nhà 3 tầng nằm trên trục đường chính ở phường Giếng Đáy, TP Hạ Long của Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Hoa Sao, người ta chỉ thường nghe thấy tiếng khóc, tiếng cười, tiếng quát vô cớ của những đứa trẻ. Đó là nơi chị Bùi Kiều Chinh, Giám đốc trung tâm cùng các thầy, cô giáo đang từng ngày kiên nhẫn truyền dạy con chữ, giúp các em hòa nhập với cuộc sống.
Chị Chinh tốt nghiệp chuyên ngành Giáo dục đặc biệt của Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương năm 2008. Và bắt đầu từ đó, bằng tâm huyết của mình chị đã dành nhiều thời gian tìm tòi, nghiên cứu, xây dựng chương trình đào tạo cho học sinh khuyết tật. Đến khi có đủ kinh nghiệm, kiến thức và hiểu biết, năm 2018 chị quyết định thành lập Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập Hoa Sao. Đây là một trong số ít đơn vị chuyên hỗ trợ hoà nhập, đánh giá và can thiệp cho trẻ khuyết tật từ 1 đến 18 tuổi được thành lập trên địa bàn Quảng Ninh.
Vừa dẫn phóng viên đi thăm trung tâm, chị Chinh vừa chia sẻ: Dạy một trẻ nhỏ bình thường đã khó, dạy trẻ khuyết tật, không làm chủ được ý thức, không điều khiển được hành vi của mình càng khó gấp bội lần. Mỗi trẻ khuyết tật có một biểu hiện khác nhau, nên có lúc phải mềm mỏng, cũng có những lúc phải nghiêm khắc. Do đó, mỗi giáo viên có giáo án riêng cho từng học sinh theo các giai đoạn. Không chỉ dạy dỗ, điều trị, giáo viên ở đây còn chăm sóc từ vệ sinh cá nhân, ăn uống... cho các con. Chỉ cần mình có đủ tình yêu thương thì chắc chắn các con sẽ không phụ lòng.
Thật không khó để cảm nhận được sự vất vả, nhọc nhằn của những người gắn bó với trẻ khuyết tật như chị Chinh. Thế nhưng cũng không khó để nhận thấy tình yêu nghề, yêu trẻ, yêu cả những khiếm khuyết, cùng hy vọng các con sẽ tiến bộ mỗi ngày để hòa nhập với cuộc sống bình thường như bao trẻ khác của chị Chinh.
Hằng năm, chị Chinh đã hỗ trợ can thiệp sớm cho 100-150 trẻ có rối loạn phát triển tại cơ sở, nhờ đó nhiều trẻ đã có sự thay đổi tích cực. Điển hình như cậu bé N.A.K (7 tuổi) bị hội chứng tự kỷ thể nặng với hành vi khóc cười vô cớ, kém tương tác với giáo viên, không biết biểu hiện cảm xúc. Sau gần 1 năm gắn bó với trung tâm, giờ đây K đã có thể điều khiển cảm xúc, tương tác với giáo viên, hòa nhập với các bạn tại trung tâm.
Nhằm tạo điều kiện cho cha mẹ đồng hành cùng con trong quá trình can thiệp tại trung tâm, chị Chinh đã sử dụng diện tích đất của gia đình xây dựng phòng ở, hỗ trợ chỗ ở cho phụ huynh học sinh. Bằng kiến thức, kinh nghiệm và tình yêu của mình, chị Chinh còn tích cực tham gia giảng dạy tại các lớp tập huấn nâng cao nhận thức cho người dân về việc chăm sóc người khuyết tật do các sở, ngành, địa phương tổ chức. Phối hợp cùng đoàn công tác của mạng lưới liên kết giáo dục đặc biệt Việt Nam đi đánh giá, tư vấn, hỗ trợ tập huấn cho giáo viên và phụ huynh ở một số địa bàn trên cả nước; tham gia vào công tác đào tạo cho các học viên học lớp chứng chỉ về công tác chăm sóc và giáo dục trẻ khuyết tật tại Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương… Bên cạnh đó, chị còn tham gia thực hiện một số dự án của Viện Tâm lý giáo dục như: Những đứa trẻ hạnh phúc, số hoá bộ công cụ đánh giá rối loạn phát triển và rối nhiễu tâm lý…
Hiện chị Chinh đã hoàn thành chương trình cao học chuyên ngành giáo dục đặc biệt. Từ 2022 đến nay chị còn đảm nhận chức vụ Phó Viện trưởng Viện Tâm lý giáo dục, Phó Chủ tịch mạng lưới liên kết giáo dục đặc biệt Việt Nam (Hội Người khuyết tật Việt Nam).
Dù ở mỗi vị trí, công việc, hoàn cảnh khác nhau, song những người phụ nữ Quảng Ninh vẫn đang ngày ngày tận tụy với công việc, giữ hơi ấm cho gia đình, cống hiến cho xã hội. Tiêu biểu trong đó phải nhắc đến những cái tên như: Nguyễn Thị Bích Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Đào tạo nghề và dịch vụ thẩm mỹ Bích Hòa - top 100 phong cách doanh nhân 2015; Nguyễn Thị Thu Thủy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hạ Long (được trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước năm học 2020-2021); Đặng Thị Thúy, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh (được trao danh hiệu Trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu toàn tỉnh lần thứ 2)...x
Và chắc chắn, phụ nữ Quảng Ninh sẽ vượt qua những thách thức, khó khăn, để tiếp tục phát huy lợi thế, tài năng và khả năng sáng tạo của mình trong mọi lĩnh vực, khẳng định vị thế của người phụ nữ trong xã hội, góp phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng tỉnh Quảng Ninh ngày càng văn minh, giàu đẹp, hạnh phúc.
Cao Quỳnh - Lan Anh
Liên kết website
Ý kiến ()