Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 04:17 (GMT +7)
Những bông hoa trong sự nghiệp "trồng người"
Thứ 2, 02/11/2020 | 12:20:51 [GMT +7] A A
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Người từng nói: "Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức, tài là văn hóa, chuyên môn, đức là chính trị. Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức... Thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu, nhất là đối với trẻ con. Trách nhiệm đó rất là vẻ vang, quan trọng". Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những năm qua các thế hệ nhà giáo tại Quảng Ninh đã dành nhiều công sức, trí tuệ và niềm đam mê, nhiệt huyết cho sự nghiệp "trồng người". Đồng thời, thực hiện nghiêm túc, sáng tạo cuộc vận động "Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo". Nhiều thầy cô đã trở thành những tấm gương sáng, được học trò, đồng nghiệp nể phục, yêu mến.
Cô giáo Tô Thị Miên, giáo viên tại điểm trường Bản Buông, Trường PTDTBT TH&THCS Hà Lâu, xã Hà Lâu, huyện Tiên Yên (thứ 2, trái sang) tới nhà vận động học sinh ra lớp. |
"Người mẹ thứ hai" của học trò vùng cao
Đều đặn các ngày trong tuần, cô giáo Tô Thị Miên, giáo viên tại điểm trường Bản Buông, Trường PTDTBT TH&THCS Hà Lâu (xã Hà Lâu, huyện Tiên Yên) phải vượt hơn 40 cây số từ nhà (thị trấn Tiên Yên) đến điểm trường để dạy học. Điểm trường Bản Buông được biết đến là điểm trường khó khăn, xa điểm chính nhất ở xã Hà Lâu. Trên cung đường đó, đoạn từ điểm trường chính đến điểm trường lẻ dài hơn chục cây số rất khó đi, đường nhỏ, dốc cao, uốn lượn và phải vượt qua nhiều con suối. Để kịp thời gian dạy học, hằng ngày cô giáo Miên phải đi từ lúc 5h.
Những hôm phải trực nội trú tại điểm trường chính, 21h cô Miên mới từ trường đi xe máy về nhà. Thời tiết khô ráo thì khá thuận lợi. Nhưng vào ngày mưa, đường trơn trượt, dễ sạt lở, con đường từ trường về nhà là cả một hành trình đầy khó khăn, vất vả với cô giáo Miên và các đồng nghiệp.
Nhận xét về cô giáo Miên, Hiệu trưởng Trường PTDTBT TH&THCS Hà Lâu Nguyễn Thị Kim Xuyên chia sẻ: Cô Miên có bề dày kinh nghiệm trong công tác giảng dạy. Trước khi lên Hà Lâu, cô đã từng công tác tại nhiều điểm trường vùng cao, vùng khó khác của huyện. Cô Miên không ngại khó, ngại khổ và rất tâm huyết, yêu nghề, mến học trò. Trong quá trình giảng dạy tại trường, thấy học sinh vùng cao thiếu thốn, cô thường xuyên tặng đồ dùng, sách vở cho các em. Những tối trực tại trường, cô như người mẹ thứ hai của học sinh, chỉ bảo lời ăn, tiếng nói, rèn chữ, luyện đọc, thậm chí tắm rửa, gội đầu, giặt giũ cho những học sinh mới chập chững vào lớp 1.
Cô giáo Tô Thị Miên rèn chữ cho học sinh lớp 1 ở nội trú tại Trường PTDTBT TH&THCS Hà Lâu. |
Tính đến thời điểm hiện tại, cô giáo Miên có tới 22 năm được phân công giảng dạy lớp 1. Trong gần 4 năm công tác tại xã Hà Lâu, cô Miên luôn có nhiều cách làm hiệu quả để thu hút học sinh lên lớp đạt 100%, kết quả học tập của học sinh được nâng lên rõ rệt, đảm bảo phổ cập giáo dục đúng độ tuổi.
Cô giáo Miên tâm sự: Điều mà tôi vẫn trăn trở là làm sao để những học sinh nghèo không phải bỏ học, làm sao để chất lượng dạy và học của trường ngày càng được nâng lên. Vì thế, năm học 2020-2021, năm đầu tiên thay SGK lớp 1, tôi đã chủ động nghiên cứu giảng dạy trên phần mềm của bộ sách Cách Diều, đồng thời đề xuất nhà trường lắp wifi để phục vụ giảng dạy cho học sinh theo chương trình mới.
Học sinh Trường PTDTBT TH&THCS Hà Lâu (xã Hà Lâu, huyện Tiên Yên) tập viết. |
Gắn bó với học sinh vùng biển
Giống như cô Miên, thầy giáo Dương Văn Hùng, Tổ trưởng Tổ vật lý, Trường THPT Minh Hà (xã Cẩm La, TX Quảng Yên) cũng được nhiều giáo viên, học sinh, phụ huynh của trường yêu mến, tin tưởng. Trưởng thành từ mái trường THPT Minh Hà, sau khi tốt nghiệp đại học, thầy Hùng trở về nơi mình đã từng học tập để cống hiến cho sự nghiệp "trồng người", dìu dắt học sinh miền biển, sông nước nơi đây thành tài.
Thầy giáo Hùng bộc bạch: Gia đình các học sinh của Trường THPT Minh Hà đa số làm nghề biển, nên việc học tập của con em gần như phó mặc cho các thầy, cô giáo. Với những học sinh có bố mẹ thường xuyên đi biển dài ngày, vào các buổi tối, tôi thường đến nhà giúp các em giải những bài tập khó.
Vũ Đình Hoan, học sinh lớp 10, Trường THPT Minh Hà, chia sẻ: Em rất yêu quý thầy Hùng. Bố mẹ em đi biển 1 tháng mới về một lần, ông bà đã cao tuổi, không thể dạy em học. Vì thế, thầy Hùng thường xuyên qua nhà hướng dẫn em những phương pháp học bài cho hiệu quả.
Thầy giáo Dương Văn Hùng, Tổ trưởng Tổ vật lý, Trường THPT Minh Hà (TX Quảng Yên) đến nhà phụ đạo cho học sinh. |
Theo cô giáo Bùi Thị Ngọc Bách, Hiệu trưởng Trường THPT Minh Hà, thầy Dương Văn Hùng là người rất tâm huyết và quý mến học trò. Thầy giáo Hùng luôn đưa ra phương hướng đúng đắn nhất cho từng học trò để phấn đấu thực hiện. Nhiều năm gần đây, thầy giáo Hùng đều đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp cơ sở. Các năm 2014, 2018, thầy Hùng đã đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp tỉnh.
Với sự dẫn dắt của thầy giáo Hùng, chất lượng đại trà, mũi nhọn môn vật lý tại Trường THPT Minh Hà tăng theo từng năm. Trường có nhiều học sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn vật lý. Đáng chú ý, năm 2019, Trường còn có 1 học sinh do thầy Hùng trực tiếp ôn luyện, giảng dạy đoạt giải khuyến khích quốc gia môn vật lý.
Khi thầy, cô là tấm gương sáng
Cô Miên, thầy Hùng chỉ là 2 trong số 30 nhà giáo tiêu biểu được Sở GD&ĐT đề xuất khen thưởng tại Lễ tri ân các nhà giáo nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) tới đây tại Thủ đô Hà Nội do Bộ GD&ĐT tổ chức. Thực tế, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều nhà giáo tiêu biểu, đang ngày đêm âm thầm cống hiến cho sự nghiệp GD&ĐT, như các thầy, cô: Nguyễn Thị Xuân, Trường Tiểu học thị trấn Cô Tô (huyện Cô Tô); Chu Tiến Nghị, Trường THCS Vô Ngại (huyện Bình Liêu); Trần Thị Hà, Trường THCS Mạo Khê I (TX Đông Triều); Vũ Thị Minh Sợi, Trường Tiểu học Kim Đồng (huyện Vân Đồn)...
Thầy giáo Dương Văn Hùng hướng dẫn học sinh thực hành môn vật lý. |
Bà Đoàn Thị Thu Hiền, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Quảng Ninh, cho biết: Thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” do Công đoàn Giáo dục Việt Nam phát động từ năm 2008, đội ngũ nhà giáo của tỉnh thường xuyên đưa ra các giải pháp đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới cách thức quản lý, nhằm tạo hiệu quả cao nhất, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của đơn vị, của ngành. Nhiều giáo viên đã chủ động khắc phục khó khăn, có kế hoạch tự học, cùng ý chí vươn lên rèn luyện kỹ năng, phương pháp tự học, tự nghiên cứu để chiếm lĩnh tri thức khoa học, công nghệ và nghệ thuật sư phạm. Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có hơn 97% giáo viên thường xuyên sử dụng công nghệ, thông tin trong quá trình giảng dạy và nghiên cứu tài liệu phục vụ cho hoạt động giáo dục.
12 năm qua, toàn tỉnh đã có hơn 40.000 đề tài nghiên cứu và sáng kiến kinh nghiệm của các nhà giáo được phổ biến tới đồng nghiệp, được hội đồng khoa học từ cấp cơ sở đến cấp ngành đánh giá, xếp loại. Tỉnh cũng có trên 12.000 giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp cơ sở và hơn 3.000 giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.
Tiết giảng dạy của thầy giáo Dương Văn Hùng, Tổ trưởng Tổ vật lý, Trường THPT Minh Hà (TX Quảng Yên). |
Theo đó, Công đoàn ngành đã vận động cán bộ, giáo viên nâng cao tinh thần trách nhiệm với học sinh. Mỗi thầy, cô giáo tự nguyện phụ đạo học sinh yếu kém ít nhất 2 tiết/tuần không nhận tiền thù lao để khắc phục số học sinh "ngồi nhầm lớp"; quan tâm, chăm sóc, giáo dục đạo đức học sinh, động viên học sinh chuyên cần, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học; nâng cao trách nhiệm trong việc đánh giá, xếp loại học sinh và thực hiện các mùa thi nghiêm túc. Vì vậy, hằng năm tỷ lệ học sinh bỏ học giảm; tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT tăng.
Sau 12 năm thực hiện cuộc vận động, đội ngũ nhà giáo của tỉnh đã được quan tâm, chế độ chính sách cơ bản được thực hiện đầy đủ, qua đó tạo được sự yên tâm công tác. 100% giáo viên tích cực tham gia các cuộc tập huấn do ngành, đơn vị tổ chức vào dịp hè các năm học. Toàn ngành đã có hơn 300 cán bộ, nhà giáo được tạo điều kiện tham gia các lớp bồi dưỡng tại nước ngoài theo chương trình của tỉnh và của ngành Giáo dục.
Giáo viên Trường Mầm non Việt Dân (TX Đông Triều) dạy trẻ trồng rau thủy canh tại trường học. |
"Giáo viên - Nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý" là câu mà ai trong chúng ta đều nghe qua ít nhất một lần. Câu nói đó cho thấy, các nhà giáo luôn giữ vị trí, vai trò đặc biệt trong sự nghiệp "trồng người". Tin rằng, thời gian tới, cán bộ, nhà giáo của tỉnh sẽ tiếp tục nỗ lực, cố gắng, để trở thành những tấm gương sáng cho các thế hệ học trò noi theo.
Lan Anh - Thu Trang
Liên kết website
Ý kiến ()