Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 08:31 (GMT +7)
Những “bông hồng” trên tuyến đầu
Chủ nhật, 17/10/2021 | 14:06:17 [GMT +7] A A
Gần 2 năm, cả nước kiên cường chiến đấu với dịch Covid-19 cũng là từng ấy thời gian ghi nhận biết bao cống hiến, hy sinh thầm lặng của những lực lượng trên tuyến đầu chống dịch. Và lấp lánh trong đó, những nỗ lực của các nữ y bác sĩ - “những bông hồng thép” dũng cảm, sẵn sàng gác lại niềm riêng để chiến đấu với niềm tin quyết thắng cùng cả nước đẩy lùi dịch bệnh sẽ mãi là điều đẹp đẽ, đáng nhớ trong trái tim mỗi người dân Vùng mỏ.
Những ngày vừa qua, trên mạng xã hội lan truyền thật nhiều hình ảnh xúc động về những lá đơn xin tình nguyện tiếp tục tham gia chống dịch tại TP Hồ Chí Minh. Trong số đó, có lá đơn của bác sĩ Nguyễn Thị Hạnh (SN 1985), Khoa Nội Thận - Tiết niệu - Hô hấp, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí.
Đã hơn 3 tháng, từ ngày 12/7/2021, cùng đoàn 74 y bác sĩ tình nguyện Quảng Ninh lên đường vào chia lửa cùng tâm dịch TP Hồ Chí Minh, đến nay, khi tình hình dịch tại TP Hồ Chí Minh dần được kiểm soát, 2/3 đoàn đã trở về Quảng Ninh, bác sĩ Hạnh cùng với 22 y bác sĩ trong đoàn tiếp tục xin ở lại hỗ trợ địa phương chống dịch đến khi dịch được kiểm soát hoàn toàn.
Gia đình nhỏ của chị Hạnh có 2 con nhỏ 10 tuổi và 4 tuổi. Những ngày chị xa nhà, việc chăm sóc các con và chăm lo nhà cửa đều nhờ một tay chồng. Dẫu vất vả, khó khăn nhưng được sự ủng hộ tuyệt đối của chồng và các con, chị Hạnh lại có thêm động lực bám trụ, kiên cường với trách nhiệm, sứ mệnh nghề nghiệp của mình.
Thời gian 3 tháng không dài nhưng đủ lưu lại những kỷ niệm, ký ức không thể quên trong cuộc đời gắn bó với nghề Y của chị Hạnh. Sẽ là dối lòng nếu nói từ thâm tâm không lo lắng ngay cả khoảng thời gian chính chị trở thành F0, nhưng chị đã biến những lo lắng ấy thành động lực vượt qua hiểm nguy, thêm cố gắng, nỗ lực để tự khỏi bệnh, và tiếp tục cứu chữa bệnh nhân.
Chia sẻ về việc xin tình nguyện ở lại TP Hồ Chí Minh lần này, chị Hạnh cho biết: Trải qua 3 tháng làm việc, chúng tôi cũng đã quen với vất vả, với áp lực công việc, sinh hoạt tại đây, hơn nữa cũng hiểu được tâm lý bệnh nhân nên việc theo dõi điều trị sẽ thuận lợi hơn khi các đồng nghiệp được bổ sung mới vào sẽ cần thời gian bắt nhịp từ đầu. Sài Gòn đang dần khỏe lại, chúng tôi cũng sẽ sớm trở về đoàn tụ với gia đình.
Chẳng tính toán thiệt hơn, sẵn sàng gánh vác thêm vất vả, gian nan, sự chân thành từ trái tim của các nữ y bác sĩ, chính minh chứng cho vẻ đẹp phẩm chất của phụ nữ Việt Nam cứ thế tỏa sáng thật đẹp và đáng tự hào biết bao.
Cũng như chị Hạnh, chị Hoàng Thị Lan Anh (SN 1983), cử nhân điều dưỡng Khoa Ngoại tổng hợp,Trung tâm Y tế TX Đông Triều cũng đã hơn nửa năm gắn bó với nhiệm vụ mới tại chốt kiểm soát phòng chống dịch Covid-19 cầu Vàng Chua (xã Bình Dương, TX Đông Triều). Cường độ công việc cao, vất vả song chưa bao giờ khiến những “bông hồng thép” nản lòng.
Nhiệm vụ chính của chị là kiểm tra người và phương tiện ra vào tỉnh, khai thác yếu tố dịch tễ hướng dẫn khai báo y tế, kiểm tra đo nhiệt độ. Mặc dù chia ca 8 tiếng song việc liên tục, tiếp xúc và giải thích hướng dẫn cho số lượng rất lớn người dân, đòi hỏi thể lực đặc biệt là giọng nói. Làm việc với cường độ cao có lúc khiến chị bị mất tiếng, khàn giọng, thậm chí tưởng như không nói được. Rồi những ngày nắng nóng như đổ lửa, khoác trên mình bộ đồ bảo hộ ngột ngạt khiến mồ hôi ướt đầm lưng áo. Hộp cơm cầm lên chưa kịp ăn đã đặt xuống vào những dịp cao điểm lượng người và phương tiện qua chốt tăng cao, hay những ca trực đêm tăng cường mệt nhoài... Vất vả nhiều, áp lực không ít song với chị Lan Anh đó đều là những kỷ niệm đẹp không bao giờ quên với nhiệm vụ đặc biệt nơi chốt kiểm soát phòng chống dịch.
Chị Lan Anh tâm sự: Tôi và chồng đi làm theo ca, anh cũng tham gia tổ chống dịch tại cơ quan, con gái lớn đi học bận rộn, rồi cũng tích cực tham gia công tác phòng chống dịch của Đoàn Thanh niên xã, con gái nhỏ nhờ ông bà chăm sóc. Cả nhà cùng đi làm, đi học, tham gia chống dịch có khi mấy ngày không nhìn thấy nhau. Nhưng gia đình luôn thấu hiểu, động viên nhau cùng cố gắng. Đó cũng là cách chúng tôi muốn góp một phần công sức nhỏ bé vào cuộc chiến chống dịch nhiều cam go này.
Chị Hạnh, chị Lan Anh chỉ là hai trong số rất nhiều những nữ y bác sĩ, các nữ chiến sĩ, công an, quân đội trên khắp mọi miền đất nước đã dũng cảm lao vào trận chiến với đại dịch như thế. Và chắc chắn không còn xa nữa, khi cơn bão Covid-19 qua đi, cuộc sống thường nhật trở lại họ sẽ được trở về quây quần bên mái ấm với niềm hạnh phúc giản dị là làm vợ, làm mẹ và tiếp tục cống hiến cho công việc, cho sự bình yên, hạnh phúc của nhân dân.
Duy Khoa
Liên kết website
Ý kiến ()