Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 22:57 (GMT +7)
Những ca khúc Việt bước ra thế giới
Thứ 6, 31/05/2024 | 08:00:35 [GMT +7] A A
Sức lan tỏa của những ca khúc Việt với khán giả quốc tế mở ra hy vọng đưa nhạc Việt tiếp cận thị trường âm nhạc thế giới một cách bài bản, chuyên nghiệp.
Công thức chung để tiếp cận khán giả quốc tế
Những ngày qua, bài hát “Vũ trụ có anh” của Phương Mỹ Chi được người Thái Lan yêu thích, chia sẻ rầm rộ, được dịch ra nhiều thứ tiếng để phục vụ nhu cầu tìm hiểu của khán giả quốc tế.
Trước đó, nhạc Việt chứng kiến “See tình” gây sốt tại nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ. Nhiều người nổi tiếng, từ ca sĩ, diễn viên đến vận động viên cũng tham gia trào lưu nhảy trên nền giai điệu này. Bản hit của Hoàng Thùy Linh còn được phát trong các chương trình truyền hình ăn khách của Trung Quốc, mang vào màn múa lân ở Malaysia, phát trên chương trình âm nhạc cuối năm ở Hàn Quốc...
“Hai phút hơn”, “Dễ đến dễ đi” cũng là những bài hát phủ sóng mạnh mẽ ở Hàn Quốc, Trung Quốc và trên mạng xã hội. “Dễ đến dễ đi” còn được chuyển ngữ thành “Đôi mắt em tựa ánh sao” bản tiếng Trung, do Cúc Tịnh Y và Hầu Minh Hạo thể hiện. Ca khúc “Ghen Cô Vy” với vũ đạo vui nhộn và giai điệu bắt tai cũng thành hiện tượng trong đợt dịch COVID-19, xuất hiện trên sóng chương trình truyền hình Mỹ.
Từ những điểm sáng này, có thể thấy những mẫu số chung của các ca khúc Việt đã chinh phục khán giả thế giới. Hầu hết nhạc Việt “viral” (lên xu hướng, gây bão mạng xã hội) đều là nhạc remix. “Hai phút hơn”, “See tình”, “Tình bạn diệu kỳ”, “Ngây thơ”... đều nổi tiếng ở Hàn Quốc, Trung Quốc nhờ phát hành phiên bản phối mới thêm chất liệu EDM, điệp khúc ít lời hát hơn, giai điệu sôi động hơn.
Ca khúc EDM “Ngẫu hứng” cũng từng tạo cơn sốt trên nền tảng Douyin của Trung Quốc, “Dạ vũ” đạt hàng trăm triệu lượt xem sử dụng điệp khúc không lời... đều cho thấy lợi thế của dòng nhạc điện tử, remix khi tiếp cận khán giả thế giới. Ca khúc muốn được khán giả quốc tế đón nhận phải bắt tai ngay từ những giây đầu tiên, giai điệu lôi cuốn, dễ nhớ.
Bên cạnh đó, phần lời cũng phải dễ thuộc, dễ phát âm, xóa nhòa rào cản ngôn ngữ. Sản phẩm âm nhạc cũng cần một đòn bẩy là các điệu nhảy, cử chỉ sinh động, vui tươi.
Hiệu ứng từ khán giả quốc tế đã giúp nhạc Việt được lan tỏa rộng hơn.
Cần nhiều nỗ lực để nâng tầm nhạc Việt
Trước đây, khi các nền tảng mạng xã hội chưa phát triển, việc quảng bá các ca khúc đến thị trường quốc tế gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi kinh phí lớn. Nghệ sĩ muốn “xuất khẩu” âm nhạc đối mặt với nhiều rào cản, rủi ro lại cao.
Nhờ các nền tảng số và công nghệ phát triển, nghệ sĩ Việt có cơ hội phát hành rộng rãi sản phẩm, tận dụng nhiều hình thức giải trí như nghe, nhìn, video ngắn, cover, thử thách (challenge) để đa dạng hóa cách tiếp cận khán giả.
Dù đã có nhiều tín hiệu khả quan, nhưng để phát triển công nghiệp văn hóa, thu về lợi nhuận, duy trì sức hút là cả một con đường dài và đòi hỏi nhiều nỗ lực. Bởi lẽ, không thể vì một số ca khúc bất ngờ viral - phần nhiều là nhờ may mắn - mà khẳng định nhạc Việt đã nâng tầm, có vị thế.
Trên thực tế, không ít khán giả Việt và quốc tế nghe nhạc chỉ lẩm bẩm hát theo vài ba câu trong các đoạn nhạc được cắt ra chứ không thuộc cả bài, thậm chí còn không biết tên bài hát, ngôn ngữ ca sĩ hát hay tên ca sĩ.
Sau khi có một sản phẩm tạo tiếng vang, nghệ sĩ Việt phải tiếp tục giải quyết bài toán làm sao để chứng minh được sức hút lâu dài, xây dựng hình ảnh, thu hút khán giả tìm hiểu và theo dõi chính họ và sau đó là âm nhạc, văn hóa Việt Nam.
Như ca sĩ Phương Mỹ Chi đã chia sẻ với Lao Động: “Hiện tại, sự phát triển của mạng xã hội và truyền thông là không thể phủ nhận. Tất nhiên, nghệ sĩ nào cũng muốn sản phẩm của mình chạm đến trái tim của khán giả. Không thể phủ nhận những con số đều biết nói và phần nào phản ánh chất lượng và sự đón nhận của khán giả trên các nền tảng âm nhạc số. Tôi mong muốn tạo ra những giá trị lâu dài hơn, khán giả sẽ nghe và yêu thích các ca khúc đó, sau nhiều năm nghe lại họ vẫn nhớ, vẫn hát theo”.
Theo Laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()