Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 21/11/2024 23:04 (GMT +7)
Những cam kết của lãnh đạo các sở, ngành đã được triển khai thực hiện
Thứ 4, 16/07/2014 | 06:39:13 [GMT +7] A A
Trong phiên chất vấn, trả lời chất vấn tại kỳ họp thường kỳ cuối năm ngoái (kỳ họp thứ 11) của HĐND tỉnh khoá XII, các đại biểu chất vấn, trả lời chất vấn nhiều vấn đề cử tri quan tâm. Nội dung trả lời chất vấn đã được thể hiện đúng trọng tâm, nêu ra các giải pháp và có lộ trình thực hiện, tạo được sự đồng tình cao trong nhân dân. HĐND tỉnh đã ra Nghị quyết số 124/NQ-HĐND (NQ 124) ngày 13-12-2013 về chất vấn và trả lời chất vấn; trong đó chỉ rõ những nhiệm vụ trọng tâm mà các sở, ngành, địa phương phải thực hiện. Đến nay, nhiều vấn đề đã được thực hiện có hiệu quả.
Trường Đoàn Thị Điểm (TP Hạ Long) là mô hình xã hội hoá đầu tư giáo dục hiệu quả. Ảnh: Bể bơi, sân vận động của Trường Đoàn Thị Điểm. |
Điển hình như ở lĩnh vực y tế, trong NQ124, HĐND tỉnh yêu cầu Sở Y tế tăng cường thanh tra chuyên ngành và vai trò quản lý nhà nước đối với hoạt động của các cơ sở hành nghề y tế, y dược tư nhân trên địa bàn; xử lý nghiêm các cơ sở nếu để xảy ra sai phạm, kiên quyết chấm dứt hoạt động đối với những cơ sở không đủ điều kiện, xử lý nghiêm cơ sở vi phạm quy định của nhà nước. Thực hiện nội dung này, nhằm tăng cường công tác quản lý hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Y tế triển khai đồng bộ các giải pháp, gồm: Niêm yết công khai danh sách các cơ sở hành nghề y tư nhân đã được cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; thời gian hoạt động, giá dịch vụ, phạm vi hoạt động chuyên môn và danh sách người hành nghề... trên Cổng thông tin điện tử thành phần Sở Y tế. Cùng với đó, Sở Y tế đã phối hợp với UBND các địa phương tăng cường công tác quản lý trong hành nghề y, dược tư nhân; chỉ đạo thủ trưởng các đơn vị y tế tích cực quản lý người lao động của đơn vị có hành nghề y tế tư nhân; chỉ đạo các trạm y tế đẩy mạnh quản lý các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn... Cùng với đó, Sở Y tế đã duy trì đều và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tất cả các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm. Nhờ đó, đến nay hoạt động y, dược trên địa bàn đã đi vào nền nếp hơn.
Đối với lĩnh vực giáo dục, trong NQ124, HĐND tỉnh yêu cầu ngành Giáo dục cần đánh giá thực hiện Đề án hoạt động của các trường ngoài công lập; xem xét có cơ chế, chính sách tháo gỡ một số khó khăn đối với học sinh, giáo viên và chủ đầu tư trường ngoài công lập hiện nay (hỗ trợ học phí, trang thiết bị dạy học, chi phí đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, chi phí quản lý, phụ cấp thâm niên cho nhà giáo, chính sách ưu tiên về đất, nhà ở...) nhằm thực hiện tốt chủ trương xã hội hoá trong lĩnh vực giáo dục. Thực hiện nghị quyết này, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở GD-ĐT rà soát, đánh giá tình hình tổ chức, hoạt động của các trường ngoài công lập trên địa bàn tỉnh và việc thực hiện một số cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hoá giáo dục.
Theo báo cáo của Sở GD-ĐT, những năm qua, công tác xã hội hoá giáo dục luôn được tỉnh quan tâm. Ngoài các cơ chế, chính sách của Trung ương, tỉnh đã ban hành một số cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hoá, hỗ trợ các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Cùng với sự nỗ lực của các chủ đầu tư và đội ngũ nhà giáo, học sinh, sự quan tâm ủng hộ của nhân dân và xã hội, các trường ngoài công lập đã phát triển cả về số lượng và chất lượng, góp phần vào sự nghiệp phát triển giáo dục của tỉnh.
Những kết quả đạt được đến nay là: Về quy mô trường, lớp, học sinh, trên địa bàn tỉnh hiện có 38 trường ngoài công lập, gồm 15 trường mầm non, 23 trường phổ thông (có 21 trường có cấp THPT). Cùng với đó, hệ thống các trường ngoài công lập của tỉnh cũng có bước phát triển nhanh chóng; quy mô trường, lớp, học sinh hằng năm đều tăng. Năm học 2013-2014, toàn tỉnh có 12.807 trẻ mầm non tư thục, chiếm 20,1% tổng số trẻ đang học mầm non trong toàn tỉnh, có 16.426 học sinh phổ thông ngoài công lập, trong đó THPT là 14.499 học sinh, chiếm 35,2% tổng số học sinh THPT toàn tỉnh. So với các địa phương trong cả nước, Quảng Ninh là tỉnh có số lượng trường, lớp, học sinh ngoài công lập chiếm tỷ lệ cao, đặc biệt là cấp THPT. Đa số các trường đáp ứng được yêu cầu cơ bản để tổ chức hoạt động giáo dục.
Chất lượng giáo dục được chú trọng, từng bước nâng lên, hàng năm, kết quả thi tốt nghiệp cao và ổn định. Một số trường đã quan tâm triển khai đổi mới phương pháp dạy học, tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, liên kết với một số trường để mời giáo viên có năng lực tham gia đào tạo môn mũi nhọn, tổ chức các hoạt động ngoại khoá, giáo dục kỹ năng sống, giáo dục thể chất, xây dựng nhà ăn, khu nhà nội trú cho giáo viên, học sinh, đầu tư phương tiện đưa đón học sinh... Đến nay đã có 3 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các trường ngoài công lập đã được quan tâm phát triển cả về số và chất lượng. Toàn tỉnh hiện có 1.598 cán bộ quản lý và giáo viên cơ hữu, hầu hết đạt chuẩn và trên chuẩn. Đa số các trường vận dụng thang bảng lương của Nhà nước để làm căn cứ tính chế độ tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp khác cho cán bộ, giáo viên, nhân viên; hỗ trợ giáo viên đi đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ nghiệp vụ sư phạm; nhiều trường đã có chế độ riêng để thu hút, ưu đãi cán bộ, giáo viên...
Thực hiện NQ124 về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khoá XII, những vấn đề trong các lĩnh vực: Lao động - thương binh và xã hội; công tác thanh, kiểm tra, giải quyết kiến nghị của công dân; việc đầu tư, xây dựng... cũng được các sở, ngành hữu quan và các địa phương trong tỉnh triển khai một cách tích cực, đáp ứng được mong mỏi của đông đảo của cử tri trong tỉnh.
Quang Minh
Liên kết website
Ý kiến ()