Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 21:28 (GMT +7)
Những câu hỏi chưa lời đáp sau vụ rơi máy bay ‘chở tù binh Ukraine’
Thứ 5, 25/01/2024 | 17:05:26 [GMT +7] A A
Hiện vẫn chưa rõ lý do tại sao một máy bay vận tải quân sự của Nga lại rơi ở khu vực Belgorod gần biên giới Ukraine ngày 24/1.
Có thể máy bay này bị tên lửa bắn hạ hoặc gặp trục trặc kỹ thuật thảm khốc nào đó. Tuy nhiên, theo nhà chức trách Nga, tất cả 74 người trên máy bay đều thiệt mạng.
Tuyên bố trái chiều của hai bên
Theo kênh CNN, có những hình ảnh đầu tiên về hiện trường vụ rơi máy bay nhưng không đủ để đưa ra kết luận. Có một video ghi lại những giây cuối cùng của chiếc máy bay khi lao xuống đất và phát nổ.
Tuy nhiên, phía Nga đã tuyên bố rằng tên lửa của Ukraine gây ra vụ rơi máy bay và chính Ukraine đã giết chết 65 quân nhân của chính họ, cùng với 6 thành viên phi hành đoàn và 3 nhân viên Nga trên máy bay Ilyushin Il-76.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, chiếc máy bay đã bị phá hủy bởi hệ thống tên lửa phòng không được triển khai tại khu vực Liptsy thuộc vùng Kharkov của Ukraine, cách nơi máy bay rơi khoảng 80 km. Bộ này nói rằng thiết bị radar đã phát hiện ra các vụ phóng.
Bộ Quốc phòng Nga cũng tuyên bố: “Lãnh đạo Ukraine biết rất rõ rằng hôm nay binh sĩ Ukraine sẽ được vận chuyển bằng máy bay vận tải quân sự đến sân bay Belgorod để trao đổi”. Cụ thể là tại trạm kiểm soát Kolotilovka ở biên giới Nga với khu vực Sumy của Ukraine.
Đáp lại, bộ chỉ huy quân sự Ukraine cho biết họ coi máy bay quân sự của Nga đang bay về phía Belgorod là mục tiêu hợp pháp nhưng không thừa nhận mình đã bắn vào một máy bay vận tải của Nga.
Khoảng cách 80km từ Liptsy đến địa điểm rơi máy bay nằm ngoài tầm bắn của hầu hết các hệ thống tên lửa đất đối không của Ukraine.
Một quan chức tình báo quốc phòng Ukraine đã xác nhận rằng có một cuộc trao đổi tù binh dự kiến diễn ra vào ngày 24/1, nhưng người này không thừa nhận biết chi tiết về hậu cần của phía Nga trong cuộc trao đổi. Một nguồn tin quân sự khác của Ukraine khẳng định rằng chiếc máy bay rơi chở tên lửa Nga chứ không phải tù binh.
Video khoảnh khắc máy bay Nga rơi và bốc cháy (nguồn: RT):
Những câu hỏi chưa lời đáp
Vì vậy, một câu hỏi đặt ra là liệu Ukraine có thực sự biết về thời gian và lộ trình của chiếc máy bay mà Nga nói là đang đưa tù binh đến địa điểm trao đổi hay không. Hơn nữa, liệu thông tin đó có được chuyển đến các đơn vị Ukraine ở tiền tuyến giáp Belgorod hay không.
Ông Andrey Kartapolov, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng thuộc Hạ viện Nga, đã đưa ra một cáo buộc quan trọng khi tuyên bố rằng tên lửa được bắn từ hệ thống Patriot do Mỹ sản xuất hoặc hệ thống IRIS-T do Đức sản xuất và đã được cung cấp cho Ukraine, nhưng không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào.
Ukraine đã cam kết không sử dụng vũ khí do nước ngoài cung cấp để tấn công lãnh thổ Nga và nếu cáo buộc trên đúng sự thật thì Ukraine đã vi phạm cam kết đó. Theo kênh CNN, trong mọi trường hợp, hệ thống IRIS-T sẽ không có tầm bắn để tấn công máy bay Ilyushin từ lãnh thổ gần nhất do Ukraine kiếm soát, nhưng một hệ thống Patriot được triển khai gần biên giới Nga sẽ có thể bắn trúng máy bay.
Một số nhà quan sát cũng chỉ ra rằng hệ thống phòng thủ tên lửa Nga trong khu vực đã được đặt trong tình trạng báo động cao ngày 24/1 và một chiếc máy bay không người lái của Ukraine đã bị bắn hạ ngay trước khi máy bay rơi. Tuy nhiên, Thống đốc Belgorod cho biết sự việc đã xảy ra ở một địa điểm ở phía Tây thành phố này, nghĩa là cách địa điểm nơi máy bay Il-76 gặp nạn ít nhất 60 km.
Một yếu tố khó hiểu khác là theo tuyên bố của Nga, chỉ có ba nhân viên người Nga đi cùng 65 tù binh Ukraine trên máy bay (ngoài phi hành đoàn). Một người từng là tù binh Ukraine tên là Maksym Kolesnikov viết trong một bài đăng trên mạng xã hội X ngày 24/1 rằng khi mình được đưa đi bằng máy bay từ Bryansk đến Belgorod, có khoảng 20 quân cảnh trông coi 50 tù binh.
Vì vậy, thảm họa rơi máy bay này có nhiều khía cạnh chính trị và vẫn còn rất nhiều câu hỏi chưa được giải đáp. Vụ việc nhanh chóng trở thành một giai đoạn khác trong cuộc chiến thông tin thường xuyên xảy ra trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.
Ngày 24/1, ông Dmytro Lubinets, thanh tra viên nhân quyền của Ukraine, nói: “Chiến tranh thông tin không kém phần quan trọng so với chiến đấu ở mặt trận”.
Trong thực tế, cả Nga và Ukraine đều bác bỏ cáo buộc và chỉ trích lẫn nhau. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã bác bỏ cáo buộc lực lượng này bắn rơi máy bay Nga. Còn phía Nga chỉ trích Ukraine coi thường mạng sống tù binh của chính mình.
CNN nhận định rằng một máy bay quân sự cỡ lớn của Nga và không có hệ thống phòng thủ tên lửa đang bay về Belgorod sẽ là mục tiêu hấp dẫn và có giá trị đối với Ukraine. Hướng Belgorod vốn là mục tiêu tấn công thường xuyên của máy bay không người lái Ukraine. Do đó, đây sẽ là một chuyến bay có rủi ro đáng kể, trừ khi Ukraine được thông báo về mục đích chuyến bay như Nga đã tuyên bố.
Nhìn chung, máy bay Il-76 của Nga nằm ngoài tầm bắn của tên lửa Ukraine và đây có thể lần đầu tiên kể từ chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine gần hai năm trước, một trong số các máy bay này bị bắn hạ.
Ukraine đã mở rộng phạm vi và tần suất các cuộc tấn công Nga bằng máy bay không người lái, tên lửa và hoạt động phá hoại. Đầu tháng này, quân đội Ukraine tuyên bố đã bắn hạ một trong những máy bay phát hiện sớm thuộc dạng tân tiến nhất của Nga là A-50 trên biển Azov. Không có bằng chứng nào về mảnh vỡ và Bộ Quốc phòng Nga chưa phản hồi về tuyên bố này. Một số nhà phân tích cho rằng Ukraine có thể đã dùng khẩu đội Patriot để thực hiện cuộc tấn công đó, nhưng chưa có xác nhận. Tên lửa Patriot thường có tầm bắn dưới 160km.
Đối với Ukraine, vào thời điểm chiến trường đang bế tắc, việc tấn công các căn cứ, tàu, máy bay và cơ sở hạ tầng của Nga nằm ngoài biên giới đã trở thành một cách khác để làm gián đoạn cỗ máy quân sự của đối phương.
Nhưng nếu có bằng chứng xác nhận tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga, thì thay vào đó, vụ bắn rơi máy bay nói trên lại là một sai lầm khủng khiếp.
Theo TTXVN
Liên kết website
Ý kiến ()