Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 09:18 (GMT +7)
Những chiến sĩ kiên trung của Đảng
Thứ 2, 03/02/2020 | 08:44:52 [GMT +7] A A
Vùng mỏ Quảng Ninh đi vào lịch sử 90 năm vẻ vang của Đảng với vai trò là “cái nôi” của phong trào công nhân Việt Nam, là trường học đấu tranh cách mạng, nơi đào tạo, rèn luyện nhiều cán bộ Đảng qua các thời kỳ. Nhiều chiến sĩ cách mạng đã đến đây, đi vào nhà máy, hầm mỏ để tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản, vận động quần chúng, công nhân giác ngộ cách mạng, tham gia Công hội đỏ... và trở thành những nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, như Nguyễn Văn Cừ, Vũ Văn Hiếu, Nguyễn Đức Cảnh, Ngô Gia Tự, Hoàng Quốc Việt... Mảnh đất này cũng là nơi sinh ra anh hùng Đào Phúc Lộc (Hoàng Minh Đạo) - huyền thoại tình báo của Việt Nam.
Trong cuộc đời những chiến sĩ kiên trung của Đảng ấy, Quảng Ninh là vùng đất gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp của họ.
Đồng chí Nguyễn Văn Cừ - Nhà lãnh đạo xuất sắc, mẫu mực của Đảng
Đồng chí Nguyễn Văn Cừ (1912 - 1941), Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam giai đoạn 1938 - 1940. Ảnh: Tư liệu/TTXVN |
Đồng chí Nguyễn Văn Cừ sinh ngày 9/7/1912, trong một gia đình nhà nho nghèo, yêu nước ở xã Phù Khê, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh; là hậu duệ đời thứ 17 của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi. Kế thừa truyền thống yêu nước, hiếu học của dòng họ, phẩm chất cách mạng anh hùng, bất khuất, thông minh, trí tuệ đã hình thành rất sớm trong Nguyễn Văn Cừ từ tuổi thiếu niên. Đồng chí tham gia cách mạng từ năm 17 tuổi, khi còn đang học ở trường Bưởi.
Cuối năm 1928, Nguyễn Văn Cừ bí mật rời Bắc Ninh ra vùng mỏ Đông Bắc hoạt động. Tháng 6/1929, khi Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời, Nguyễn Văn Cừ trở thành một trong những đảng viên cộng sản đầu tiên của Đảng. Nguyễn Văn Cừ ra sức phấn đấu xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và ngay trong tháng 6/1929, Nguyễn Văn Cừ đã cùng các đồng chí đồng chí hướng thành lập được chi bộ Đảng ở Uông Bí - Vàng Danh (Quảng Ninh), bao gồm một số thợ lò, thợ máy và hội viên của Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội. Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, Nguyễn Văn Cừ trở thành Đảng viên của Đảng, giữ chức Bí thư Đặc khu ủy Hòn Gai - Uông Bí.
Trong lúc phong trào cách mạng ở vùng mỏ Đông Bắc đang dâng cao, thì ngày 15/2/1931, trên đường từ Cẩm Phả về Hòn Gai, Nguyễn Văn Cừ bị địch bắt. Địch chuyển Nguyễn Văn Cừ từ Hòn Gai về Hà Nội, giam ở Hỏa Lò. Tại nhà tù Hỏa Lò, không để rảnh rỗi thời gian, Nguyễn Văn Cừ lao vào học tập lý luận, chính trị một cách kiên trì, tự giác. Không thể khai thác được gì ở đồng chí Nguyễn Văn Cừ, thực dân Pháp buộc phải mang Nguyễn Văn Cừ ra toà xét xử, ngày 13/5/1931, Hội đồng đề hình Bắc Kỳ kết án Nguyễn Văn Cừ 20 năm biệt xứ và đày ra Côn Đảo.
Ở địa ngục trần gian này, Nguyễn Văn Cừ cùng với các đồng chí của mình tham gia vào nhiều cuộc đấu tranh chống chế độ hà khắc của nhà tù và đòi cải thiện đời sống; tham gia vào việc dịch một số tác phẩm kinh điển ra tiếng Việt và chép vào những tập giấy thuốc lá để phổ biến rộng rãi cho anh em khác. Chính những năm tháng tù đày khổ ải, Nguyễn Văn Cừ đã cùng đồng chí của mình biến nơi tù đày thành trường học cách mạng, thành nơi trui rèn ý chí, bản lĩnh người chiến sĩ cách mạng.
Năm 1936, ở Việt Nam và Pháp nổi lên phong trào đấu tranh đòi nhà cầm quyền Pháp thả các tù chính trị ở Đông Dương. Cuộc đấu tranh đã mang lại kết quả, ngày 29/9/1936, nhà cầm quyền Pháp ở Đông Dương buộc phải thả tự do cho một số tù chính trị, trong đó có Nguyễn Văn Cừ.
Tháng 3/1938, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ V, đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Trong khoảng thời gian 2 năm (1938 - 1940), Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã thể hiện tư chất của một lãnh tụ tài năng, sáng tạo. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí, Đảng ta đã kịp thời đề ra những chủ trương, đường lối đúng đắn, phát động cao trào đấu tranh cách mạng đòi dân sinh, dân chủ sục sôi trong cả nước. Chính những năm tháng là công nhân mỏ, hoạt động trong phong trào công nhân đã phần nào giúp đồng chí tự học hỏi, đúc rút kinh nghiệm thực tiễn từ những bài học thành công và thất bại; từ đó tổng kết, khái quát thành lý luận; lấy lý luận soi rọi vào thực tiễn; tạo nên phương pháp cách mạng rất sát hợp với cách mạng Việt Nam, góp phần vào thắng lợi của Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945
Đồng chí Vũ Văn Hiếu - Người Bí thư đầu tiên của Đặc khu uỷ Khu mỏ Quảng Ninh
Tượng chân dung đồng chí Vũ Văn Hiếu. |
Đồng chí Vũ Văn Hiếu sinh ngày 20/3/1907, quê quán: Ấp Văn Định, xã Quần Phương Thượng, tổng Quần Phương, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Tháng 10/1929, đồng chí được Chi bộ Đông Dương cộng sản Đảng ở Hòn Gai giao nhiệm vụ thử thách và đến tháng 11/1929 đồng chí trở thành người đảng viên cộng sản, bí danh là Sơn, sinh hoạt tại Chi bộ Hòn Gai và được giao nhiệm vụ xây dựng cơ sở ở Hà Tu - Núi Béo... Trong thời gian này đồng chí Vũ Văn Hiếu đã xây dựng được ở Hà Tu một số cơ sở trong công nhân mỏ, trong đó hạt nhân là những công nhân trung kiên như Phan Dương Chuyên, Vũ Đình Bối...
Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Ở khu mỏ cuối tháng 2/1930 đã thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam ở mỏ Mạo Khê, sau đó các Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam ở Hòn Gai, Cẩm Phả, Cửa Ông... cũng lần lượt được thành lập. Lúc này, đồng chí Vũ Văn Hiếu được phân công phụ trách công tác in ấn tài liệu, công tác kinh tế và trực tiếp phụ trách cơ sở ở Hà Tu của Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam Hòn Gai. Tháng 4/1930, Đảng uỷ mỏ Hòn Gai - Cẩm Phả và Đảng uỷ Uông Bí - Vàng Danh được thành lập; đồng chí Vũ Văn Hiếu làm Bí thư Đảng ủy mỏ Hòn Gai - Cẩm Phả. Đồng chí và Đảng ủy vừa thành lập đã bắt tay ngay vào việc chuẩn bị cho một cao trào đấu tranh mạnh mẽ trong toàn khu mỏ, mở đầu là cuộc bãi công ngày 8/4/1930 của công nhân nhà sàng Cửa Ông chống đuổi thợ, chống đánh đập, giảm giờ làm ca đêm, tăng tiền lương 20%. Cuối cùng bọn chủ mỏ phải chấp nhận tăng lương cho công nhân, cuộc đấu tranh thắng lợi đã cổ vũ phong trào công nhân toàn khu mỏ.
Đêm ngày 17/5/1930, mật thám Pháp đã bắt đồng chí Vũ Văn Hiếu và 4 đảng viên khác hoạt động ở Hòn Gai. Mặc dù bị bắt một cách bất ngờ nhưng đồng chí Vũ Văn Hiếu một mực không khai, không nhận một điều gì kẻ thù gán cho mình. Không có đủ chứng cứ bọn mật thám mỏ bắt buộc phải trả tự do cho đồng chí. Sau khi ra khỏi nhà giam, đồng chí Vũ Văn Hiếu bắt tay vào việc khôi phục cơ sở, gây dựng lại phong trào và cùng với đồng chí Nguyễn Công Hoà, được cấp trên điều từ Hải Phòng sang tham gia Đảng ủy Hòn Gai - Cẩm Phả, để gây dựng lại và phát triển phong trào. Tháng 9/1930, cấp trên quyết định tách Đảng ủy Hòn Gai - Cẩm Phả thành hai Đảng ủy, đồng chí Vũ Văn Hiếu được điều ra Cẩm Phả làm Bí thư Đảng ủy Cẩm Phả - Cửa Ông.
Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ nhất (tháng 10/1930) đã quyết định thành lập ở Khu mỏ một khu đặc biệt lấy tên là Đặc khu Đông Triều - Hòn Gai - Cẩm Phả; cuối tháng 10/1930, đồng chí Phạm Văn Ngọ là Xứ ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ trực tiếp chỉ đạo việc hình thành Đảng bộ Đặc khu ủy mỏ Đông Triều - Hòn Gai - Cẩm Phả và đồng chí Vũ Văn Hiếu được chỉ định làm Bí thư và đồng chí đã trở thành người Bí thư Đặc khu ủy đầu tiên của khu mỏ Quảng Ninh. Ngày 9/2/1931, đồng chí Vũ Văn Hiếu cùng một số đồng chí khác bị địch bắt ngay tại cơ quan Đảng uỷ Cẩm Phả - Cửa Ông và kết án đồng chí 20 năm tù cầm cố, đầy ra nhà lao Côn Đảo.
Lễ kết nạp đảng viên mới của Đảng bộ cơ quan Sở Thông tin và Truyền thông tại Tượng đài đồng chí Vũ Văn Hiếu (phường Bạch Đằng, TP Hạ Long). |
Tháng 11/1936, đồng chí Vũ Văn Hiếu được trả tự do, tuy nhiên, mật thám Pháp đã không cho đồng chí đặt chân trên đất mỏ, đồng chí phải trở lại Hà Nội. Đến đây đồng chí đã bắt liên lạc được với đồng chí Nguyễn Văn Cừ và một số đảng viên và hoạt động trong thành phố; đồng chí được phân công phụ trách công tác vận động công nhân ở Hà Nội và liên lạc với các tổ chức Đảng ở một số tỉnh miền Bắc và miền Trung. Cuối năm 1939, cách mạng Việt Nam đang đi vào giai đoạn dự bị cho một cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị Trung ương lần thứ 6 từ ngày 6 đến 8/11/1939 do đồng chí Nguyễn Văn Cừ chủ trì, lúc này đồng chí Vũ Văn Hiếu được giao nhiệm vụ phụ trách cơ quan Văn phòng Trung ương Đảng.
Đêm ngày 17 rạng ngày 18/1/1940, đồng chí Vũ Văn Hiếu bị mật thám Pháp bắt cùng các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn, Vũ Thiện Tấn, Phạm Chương, Phan Văn Voi... Tám tháng tra tấn ròng rã nhưng không khuất phục được các chiến sĩ cách mạng, giặc Pháp phải đưa đồng chí Vũ Văn Hiếu ra xét xử cùng với một số đồng chí khác. Đối với đồng chí Vũ Văn Hiếu, chúng không có đủ chứng cứ để kết vào loại trọng tội, tháng 9/1940, toà tiểu hình Sài Gòn xử và kết án đồng chí 5 năm tù lưu đày. Tháng 10/1940, toà án binh thường trực Sài Gòn lại đưa đồng chí ra xử tiếp, chúng lại kết án thêm 5 năm lưu đày cộng vào án cũ. Đầu năm 1941, đồng chí Vũ Văn Hiếu lại bị thực dân Pháp đày ra Côn Đảo lần thứ hai. Ra Côn Đảo một thời gian, đồng chí Vũ Văn Hiếu bị bệnh lao tái phát, hành hạ. Người chiến sĩ cộng sản Vũ Văn Hiếu đã trút hơi thở cuối cùng vào đầu năm 1943 khi mới 36 tuổi, tại nhà tù Côn Đảo.
Người Bí thư Đặc khu ủy đầu tiên của Khu mỏ Quảng Ninh đã hiến dâng trọn cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; là tấm gương sáng ngời về lòng trung thành vô hạn với lý tưởng cộng sản. Lẽ sống và phẩm chất cách mạng của đồng chí đã trở thành biểu tượng “Sống vì Đảng, mà chết cũng không rời Đảng” để chúng ta học tập, noi theo.
Trung tướng Hoàng Minh Đạo - Huyền thoại tình báo đất Mỏ
Bức ảnh của nhà tình báo Đào Phúc Lộc (tức Hoàng Minh Đạo) chụp năm 1968 tại vùng ven Sài Gòn, căn cứ Củ Chi – Hố Bò. Ảnh tư liệu |
Cuộc đời ngắn ngủi 46 năm của Đào Phúc Lộc - Hoàng Minh Đạo là cuộc đời của một chiến sĩ trung kiên. Tên tuổi và sự nghiệp của ông gắn liền với sự ra đời của ngành Tình báo quân sự Việt Nam. Ông được coi là người đầu tiên xây dựng nền móng cho sự thành lập và phát triển của ngành Tình báo quân sự Việt Nam ngay từ khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công.
Trung tướng Hoàng Minh Đạo - huyền thoại tình báo của Việt Nam sinh ra và lớn lên ở Quảng Ninh. Vùng mỏ - cái nôi của giai cấp công nhân Việt Nam đã hun đúc lòng yêu nước cho người con của quê hương để từ đó, Hoàng Minh Đạo sớm giác ngộ và đi theo cách mạng ngay từ những ngày phong trào đấu tranh 1936-1939 sục sôi khắp cả nước. Cho đến nay, cuộc đời và sự nghiệp của Tướng Hoàng Minh Đạo vẫn luôn là niềm tự hào của mỗi người dân Đất mỏ.
Anh hùng Đào Phúc Lộc sinh ra trong một dòng họ nổi tiếng về truyền thống yêu nước, dòng họ vinh dự được nhà chí sĩ Phan Bội Châu tặng đôi câu đối, đại ý: “... Lòng yêu nước thương dân của họ Đào như viên ngọc quý giữa đời thường. Phật ngồi trên toà sen sẽ phù hộ cho cả gia tộc...”. Khi mới tròn 13 tuổi, cùng với chị gái, cậu bé Lộc đã sớm giác ngộ, đi theo cách mạng và được sự dìu dắt, chỉ bảo của đồng chí Tô Hiệu. Căn nhà trọ của hai chị em trở thành điểm liên lạc tạm thời của cơ quan bí mật Khu ủy năm 1936 - 1939 tại Hải Phòng. Sớm phát hiện ra tố chất thông minh của người thanh niên trẻ tuổi, nhà cách mạng Tô Hiệu đã giác ngộ và kết nạp Đào Phúc Lộc vào Đảng Cộng sản Việt Nam khi mới 16 tuổi.
Đào Phúc Lộc cũng là người thành lập và là Bí thư Chi bộ Đảng đầu tiên của Móng Cái, mang tên Trần Hưng Đạo. Tiếp đó, năm 1943, Hoàng Minh Đạo tiếp tục chủ trì thành lập huyện bộ Việt Minh Móng Cái và trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng ở đây. Năm 1944, thực hiện chủ trương xây dựng lực lượng vũ trang, lập khu căn cứ, Hoàng Minh Đạo đã chỉ đạo mở rộng phong trào Việt Minh ra toàn tỉnh Hải Ninh (bao gồm cả tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương hiện nay); mở nhiều lớp huấn luyện chuẩn bị thành lập khu căn cứ Ba Chẽ. Với nhiệm vụ giữ đường giao thông của Đảng qua Móng Cái, tháng 2/1945, đồng chí Đào Phúc Lộc đã trực tiếp tổ chức an toàn chuyến đi của Đoàn đại biểu Tổng bộ Việt Minh do đồng chí Hoàng Quốc Việt dẫn đầu sang Quảng Tây (Trung Quốc).
Tên tuổi và sự nghiệp của Đào Phúc Lộc với bí danh Hoàng Minh Đạo, Năm Thu gắn liền với sự ra đời của ngành Tình báo quân sự. Ông chính là người đầu tiên xây dựng nền móng cho sự thành lập của ngành. Ngay khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Hoàng Minh Đạo nhận lệnh về Hà Nội. Ngày 25/10/1945, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái đã tuyên bố thành lập Phòng Tình báo Bộ Tổng tham mưu. Hoàng Minh Đạo được phân công là Trưởng phòng.
Bà Đào Thị Minh Vân (người ngồi xe lăn), con gái đầu của Anh hùng liệt sĩ Đào Phúc Lộc cùng các đại biểu tại hội thảo khoa học về nhà tình báo Đào Phúc Lộc do Trung tâm Nghiên cứu và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam tổ chức ngày 28/4/2018. |
Đồng thời, ông cũng là một trong những nhân vật chủ yếu sáng lập ra Ban địch tình Xứ ủy và ngành Binh vận vào thời điểm gay go ác liệt nhất của cuộc chiến đấu chống xâm lược Mỹ (1954-1955), trở thành một trong những mũi giáp công lợi hại của Cách mạng miền Nam. Ông đã từng giữ chức ủy viên thường vụ Khu ủy Sài Gòn Gia Định; Bí thư kiêm Chính ủy Phân khu 5; Bí thư Phân khu 1 Khu Sài Gòn Gia Định và Chính ủy lực lượng biệt động Sài Gòn.
Ông hy sinh vào một ngày mùa đông năm 1969 vì trúng phục kích của kẻ địch bên dòng sông Vàm Cỏ Đông. Vì lý do an ninh, tin ông hy sinh được giấu kín suốt một thời gian dài, khiến cho gia đình, người thân của ông đau đáu tìm kiếm. Và trong suốt 30 năm đó, dòng sông Vàm Cỏ đã ôm ấp, vỗ về người con Đất Mỏ yên nghỉ trong an bình.
Ngày 8/4/1998, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng tổ chức lễ truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh và truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sĩ Đào Phúc Lộc. Đây là Huân chương cao quý đầu tiên được trao tặng cho Anh hùng Đào Phúc Lộc trong số gần 2.000 Anh hùng Lực lượng vũ trang trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ và công cuộc xây dựng bảo vệ Tổ quốc. Cuộc đời hoạt động cùng những chiến công của nhà tình báo lỗi lạc Đào Phúc Lộc sau này còn được xây dựng thành kịch bản cho bộ phim mang tựa đề “Con đường sáng”.
Cát Tường (Tổng hợp)
Liên kết website
Ý kiến ()