Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 28/11/2024 23:51 (GMT +7)
Những con số
Chủ nhật, 03/11/2013 | 02:42:38 [GMT +7] A A
Trong các văn bản báo cáo tìm hiểu, nghiên cứu, đánh giá v.v. về một vấn đề gì đó, thường người ta vẫn đưa ra những số liệu, những con số để chứng minh. Điều này cũng dễ hiểu, bởi các con số vốn mang tính khách quan, chỉ bản thân nó thôi đôi khi cũng đã có tính thuyết phục hơn cả những lý lẽ tràng giang đại hải. Có con số mang tính tổng kết, giúp người ta nhìn nhận đúng đắn những kết quả làm được trong một quãng thời gian, một chặng đường; có con số mang tính dự báo, giúp người ta định hướng đúng hơn, sáng suốt hơn, phù hợp với thực tiễn, với quy luật phát triển của thực tiễn v.v..
Đó là nói về những con số là kết quả của một quá trình tổng hợp, thống kê có cơ sở khoa học. Nhưng trên thực tế không phải lúc nào cũng như vậy! Loại trừ những trường hợp người ta cố tình bóp méo, làm sai lệch các con số, ngay cả khi những con số là đúng, là chính xác vẫn có lúc không phản ánh đúng bản chất sự việc. Ở một thôn nọ, năm trước có hai hộ thuộc diện nghèo, năm sau bớt đi một hộ. Và khi báo cáo thành tích cuối năm, ông trưởng thôn chỉ ghi “có 50% số hộ nghèo đã vươn lên thoát nghèo...”. Đây là con số chính xác, không sai, nhưng không phản ánh đúng bản chất thực tế, bởi con số tỷ lệ phần trăm phải được tính trên một diện rộng, với một số lượng các cá thể là đối tượng thống kê đủ lớn. Hiện tượng này vẫn thường xảy ra, như khi thống kê số lượng tai nạn giao thông trong tháng, trong quý v.v. ở các địa phương, cơ sở chẳng hạn...
Lại có những con số khiến người ta băn khoăn… Ở một cuộc thi với quy mô cấp tỉnh mới đây, Ban tổ chức thông báo, chỉ trong vòng chưa đầy một năm kể từ ngày phát động, đã có hơn 200.000 người tham gia dự thi, bằng 1/5 dân số của tỉnh. Nghĩa là cứ 5 người dân Quảng Ninh (kể cả trẻ em, cụ già v.v.) thì có 1 người tham gia cuộc thi này. Liệu có cuộc thi nào, cho dù là được vận động, triển khai sâu rộng đến thế nào đi nữa, mà đạt được điều đó? Còn nếu số lượng bài thi gửi đến Ban tổ chức đúng là như thế thì… kể cũng hơi lạ! Nói điều này không phải để phủ nhận những kết quả rất đáng ghi nhận của cuộc thi. Trong số hơn 200.000 bài dự thi, chắc chắn có nhiều bài tâm huyết, công phu và nghiêm túc, đáng trân trọng ghi nhận. Nhưng đó lại là chuyện khác, ở đây chỉ xin lạm bàn nhân nói đến chuyện về các con số mà thôi!
Chỉ còn thời gian ngắn nữa thôi là kết thúc năm 2013. Vào dịp này, các cơ quan, đơn vị, ban, ngành, địa phương v.v. đang chuẩn bị tổng kết năm; trong đó hiển nhiên không thể thiếu những con số… Nên cũng xin “cầm đèn chạy trước ô tô”, lạm bàn đôi điều vậy!
Trung Luận
Liên kết website
Ý kiến ()