Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 28/11/2024 08:29 (GMT +7)
Những con số mừng mà lo...
Chủ nhật, 16/12/2012 | 08:54:40 [GMT +7] A A
Theo số liệu từ Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, nếu như năm 2000, lượng khách du lịch quốc tế đến Quảng Ninh mới chỉ đạt trên 544.000 lượt khách (bằng 25,4% so với lượng khách của cả nước), thì năm 2011 trong tổng số 6,2 triệu lượt khách, có 2,3 triệu lượt khách quốc tế. Tổng doanh thu toàn ngành Du lịch đạt 3.400 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2010. Còn trong năm 2012, mặc dù là một năm khó khăn chung của ngành du lịch thế giới nói chung, của Việt Nam nói riêng, nhưng lượng khách du lịch đến Quảng Ninh vẫn tăng, chắc chắn mục tiêu 7 triệu lượt khách, trong đó có 2,2 triệu khách quốc tế, là hoàn toàn có thể đạt được.
Khách du lịch, nhất là khách quốc tế, đến với Quảng Ninh, với Hạ Long ngày một tăng, năm sau nhiều hơn năm trước, là điều rất đáng mừng. Tất nhiên rồi! Bởi nó cho thấy ngành du lịch tỉnh nhà đang ngày một ăn nên làm ra; doanh thu tăng cao hơn, giải quyết việc làm được cho nhiều lao động địa phương hơn v.v.. Và cũng cho thấy Quảng Ninh, nhất là Hạ Long, đang được thế giới biết đến nhiều hơn, trở thành một địa chỉ quen thuộc, hấp dẫn du khách gần xa…
Thế nhưng, những con số đáng mừng ấy, nếu nhìn ở một góc độ khác, lại khiến chúng ta không khỏi lo ngại. Tại Hội thảo “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - Tầm nhìn mới” (diễn ra tại Hạ Long dịp cuối tháng 7 vừa qua), chính Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn đã phát biểu, nhận định: Vịnh Hạ Long được biết đến bởi rất nhiều danh hiệu tầm cỡ thế giới, nhưng thực trạng khai thác, hoạt động du lịch lại chẳng khác gì 15 năm về trước. “Chúng ta đã chứng kiến hệ thống rừng ngập mặn vốn là hàng rào bảo vệ cho Hạ Long ở ven bờ hầu như bị huỷ hoại hoàn toàn, các rạn san hô cũng đã suy kiệt dần… Đó là thực tế xót xa và không thể chối cãi của 15 năm bảo tồn và phát triển Vịnh Hạ Long!” - Ông Tuấn nhấn mạnh.
Nói như vậy không phải là quá đáng! Bởi cái giá của sự phát triển du lịch đối với việc bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long là không thể đo đếm được. Cho dù vài ba năm trở lại đây, tỉnh và ngành du lịch đã có nhiều nỗ lực để giảm thiểu những tác động tiêu cực đến môi trường Vịnh Hạ Long, song không thể phủ nhận là những nỗ lực ấy vẫn chưa tương xứng, chưa tạo được sự cân bằng giữa bảo tồn và phát huy giá trị Di sản; dường như giữa hai vế “bảo tồn” và “phát huy” thì vế sau vẫn “nặng” hơn vế trước. Mà minh chứng rõ nhất là sự chênh lệch giữa một bên là đầu tư cho công tác quảng bá (cho dù đây là một việc rất cần thiết, nên làm) và một bên là đầu tư cho công tác bảo vệ, gìn giữ cái vốn quý “trời cho” này. Thậm chí, không phải không có những người còn có nhận thức cho rằng, nếu nói nhiều về sự ô nhiễm môi trường Vịnh Hạ Long, sẽ làm mất đi “hình ảnh đẹp” về Hạ Long, là làm “giảm danh tiếng” của Hạ Long trên trường quốc tế(?). Suy nghĩ như vậy thực chẳng khác gì khi ai đó chê nhà mình bẩn thỉu thì thay vì dọn dẹp cho sạch sẽ thì lại lo tìm cách “che đậy” lại!
Vậy nên mới nói những con số về tốc độ phát triển du lịch ngày càng tăng thật đáng mừng; nhưng nếu cùng với đó mà không có những biện pháp thực sự hữu hiệu để bảo tồn những giá trị vốn có của Di sản, thì chính đây lại là những con số đáng lo...
Trung Luận
Liên kết website
Ý kiến ()