La bàn côn trùng
Một số côn trùng, ví dụ kiến và ong, điều hướng bằng thị giác dựa trên cường độ và sự phân cực của ánh sáng mặt trời. Chúng sử dụng vị trí mặt trời làm điểm tham chiếu. Chuyên gia Evripidis Gkanias tại Đại học Edinburgh cùng đồng nghiệp đã sao chép cấu trúc mắt của chúng để tạo ra mẫu la bàn có khả năng ước tính vị trí mặt trời, kể cả trong những ngày nhiều mây. Nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Communications Engineering.
La bàn thông thường dựa vào từ trường khá yếu của Trái Đất để điều hướng. Chúng dễ bị rối loạn do yếu tố nhiễu từ các thiết bị điện tử. Gkanias cho biết, nguyên mẫu của la bàn côn trùng đã hoạt động tốt."Với nguồn tài trợ thích hợp, nó có thể dễ dàng được chuyển đổi thành một sản phẩm nhỏ gọn và nhẹ hơn", ông nói. Khi cải tiến thêm, la bàn côn trùng có thể hoạt động trên bất cứ hành tinh nào quan sát được nguồn ánh sáng thiên thể lớn.
Lưới thu nước
Tơ nhân tạo lấy cảm hứng từ tơ nhện chân lông vũ với khả năng thu thập nước sạch từ sương sớm có thể đóng vai trò quan trọng ở những vùng khan hiếm nước. Tơ của nhện chân lông vũ có các nút thắt tinh vi cho phép những giọt nước lớn khác thường di chuyển và tích tụ trên mạng nhện. Khi vật liệu này được sản xuất hàng loạt, lượng nước thu thập có thể đủ nhiều để ứng dụng thực tế, theo Yongmei Zheng, đồng tác giả của nghiên cứu công bố trên tạp chí Advanced Function Materials.
Dây leo cứu hỏa
Nhóm nhà khoa học tại Đại học California Santa Barbara tạo ra robot bơm hơi có thể phát triển theo hướng ánh sáng hoặc nhiệt, giống như cách dây leo bò lên tường hoặc vươn dài dưới mặt đất rừng. Robot hình ống dài khoảng 2 m có thể tự điều hướng bằng cách sử dụng các túi chứa đầy chất lỏng thay vì dùng những thiết bị điện tử đắt tiền.
Theo nhóm nghiên cứu, mẫu robot mới có thể tìm thấy các điểm nóng và cung cấp chất chữa cháy."Những robot này hoạt động chậm và phù hợp để chữa các đám cháy âm ỉ như đám cháy than bùn, vốn có thể là nguồn phát thải carbon lớn", đồng tác giả Charles Xiao nói. Tuy nhiên, trước khi ứng dụng thực tế, chúng cần được cải tiến để tăng khả năng chịu nhiệt và nhanh nhẹn hơn.
Mạch điện kombucha
Nhóm nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm Tin học Sáng tạo thuộc Đại học West of England tìm ra cách sử dụng những miếng kombucha - sinh ra từ nấm men và vi khuẩn trong quá trình lên men món trà nổi tiếng này - để tạo ra "thiết bị điện tử kombucha". Họ in mạch điện lên những miếng kombucha khô, từ đó thắp sáng các đèn LED nhỏ.
Miếng kombucha khô sở hữu những đặc tính giống vải, thậm chí là da. Nhưng chúng mang tính bền vững và có khả năng phân hủy sinh học, có thể ngâm trong nước nhiều ngày mà không hỏng.
Thiết bị đeo làm từ kombucha có thể tích hợp thêm cảm biến và thiết bị điện tử, ứng dụng làm máy theo dõi nhịp tim hoặc bước chân, theo giám đốc phòng thí nghiệm Andrew Adamatzky, tác giả chính của nghiên cứu. Miếng kombucha nhẹ hơn, rẻ hơn và mềm dẻo hơn nhựa, nhưng độ bền chắc và việc sản xuất hàng loạt vẫn là những trở ngại lớn cần vượt qua.
Robot có vảy
Tê tê là động vật có vú với cơ thể mềm, được vảy cứng bao phủ và sẽ cuộn tròn thành quả bóng để tự bảo vệ mình trước kẻ săn mồi. Theo nghiên cứu mới trên tạp chí Nature Communications, một robot nhỏ có thể ứng dụng thiết kế tương tự cho lĩnh vực y tế. Robot sẽ cuộn tròn, lăn qua đường tiêu hóa, sau đó duỗi ra và cung cấp thuốc hoặc giúp cầm máu ở những nơi khó tiếp cận trong cơ thể người.
Ren Hao Soon, chuyên gia tại Viện Hệ thống Thông minh Max Planck, tác giả nghiên cứu, tình cờ nhìn thấy tê tê khi đang xem video trên mạng và thấy con vật rất phù hợp. Ông cần một vật liệu mềm không gây hại bên trong cơ thể người nhưng có những ưu điểm của vật liệu cứng như dẫn điện, và cấu tạo độc đáo của tê tê rất lý tưởng. Mẫu robot tí hon này vẫn đang ở giai đoạn phát triển ban đầu, nhưng trong tương lai, nó có thể được chế tạo với giá chỉ 11 USD.
Ý kiến ()