Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 09:18 (GMT +7)
Những di vật đá ở chùa Bắc Mã
Chủ nhật, 12/09/2021 | 08:06:17 [GMT +7] A A
Trong quá trình khai quật và khảo sát, các nhà khoa học đã tìm thấy ở chùa Bắc Mã khá nhiều các mảnh bát, đĩa, tượng, gạch, ngói có niên đại từ thế kỷ X-XIV. Trong đó, đáng chú ý là rất nhiều hiện vật bằng đá.
Chùa Bắc Mã có tên chữ là Phúc Chí tự (nghĩa là chùa hướng tới cái phúc), ở xã Bình Dương, TX Đông Triều, là một trong những chùa am của Thiền phái Trúc Lâm, được Đệ nhị tổ Pháp Loa xây dựng năm 1327 làm nơi tu học của tăng sinh trong quá trình tu học tại Quỳnh Lâm viện.
Còn theo văn bia tại chùa Quỳnh Lâm, địa điểm chùa Bắc Mã có thể được xây dựng từ thế kỷ XIII và nằm trong hệ thống các chùa tháp thuộc dòng thiền phái Trúc Lâm do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập. Các chùa như Bắc Mã được coi như các địa điểm vệ tinh cho chùa Quỳnh Lâm, nhằm tiếp nhận sư sãi và là nơi tu tập thêm cho họ.
Chùa Bắc Mã được xây dựng trong một khuôn viên có diện tích tới ba mẫu đất. Theo các văn bia còn lưu giữ, chùa Bắc Mã đã qua nhiều lần trùng tu tôn tạo. Trải qua thời gian và chiến tranh, chùa Bắc Mã không còn giữ được nguyên vẹn như trước. Tuy nhiên, một số hiện vật như tảng kê chân cột bằng đá xanh, rồng đá, bia đá, tháp vẫn còn giữ lại được. Nghệ thuật chạm khắc trên các di vật đá ở chùa Bắc Mã được kết hợp một cách khéo léo nghệ thuật của các thời Trần, Lê Trung Hưng và Nguyễn.
Chạm khắc đá thể hiện nét điêu khắc thời Trần qua tượng những con rồng đá được đặt ở bậc lên xuống ngôi chùa. Bố cục rồng gọn, đường nét rất sinh động khoẻ khoắn, thân rồng có hình tròn lẳn, mập mạp, múp dần về phía sau đuôi, uốn khúc nhẹ. Điêu khắc đá thời Lê Trung Hưng được thể hiện rõ ở các bia đá với hình hai con rồng chầu mặt trời, các nét chạm khắc mạch lạc, hai bên khung dọc theo thân bia là hoa lá mềm mại, cách điệu biểu hiện điêu khắc thời Lê.
Sau khi thám sát, thăm dò, mở hố khai quật, các nhà khảo cổ đã tìm ra những vết tích kiến trúc chùa xưa khá rõ ràng. Trong đó, trong lòng vết tích kiến trúc toà đại đình còn có 2 hàng móng trụ với 9 móng trụ chiều Bắc - Nam, có khoảng cách tính từ tim móng trụ ngắn nhất là 2,6m, dài nhất là 3,1m, phù hợp với diện tích của các gian.
Trước mặt chùa qua một vườn bia tháp là một mặt hồ rộng hình bán nguyệt. Chùa Bắc Mã là một tòa kiến trúc toàn vẹn và đẹp đẽ, trước cửa tiền đường được bố trí ba bậc lên xuống phân đều khoảng cách bằng bốn con rồng chạm tinh tế. Nghệ thuật chạm khắc trên đá ở chùa Bắc Mã được thể hiện khá tinh xảo ở các hiện vật còn lại (bia đá, con rồng, tháp…) thể hiện tinh hoa nghệ thuật điêu khắc thời Trần, Hậu Lê, Nguyễn.
Điêu khắc đá thời Hậu Lê được thể hiện rõ ở các bia đá với hình hai con rồng chầu mặt nhật. Tiêu biểu nhất là tấm bia được lập năm 1733 có tên là "Trùng tu Phúc Chí thiền tự bi ký" (bia ghi chép về việc trùng tu chùa Phúc Chí). Có niên đại sớm hơn là bia "Trùng tu Phúc Chí" được lập vào thời Lê, niên hiệu Hoàng Định (1600-1619). Một số bia đá khác đã mờ, chưa rõ niên đại.
Hiện vật đá phổ biến nhất ở chùa là chân tảng kê chân cột làm bằng đá xanh. Đây là chân tảng đá kê cột được giữ lại sau các lần trùng tu với nhiều niên đại khác nhau từ thời Lê đến đời Nguyễn, khoảng thế kỷ XVIII, thế kỷ XIX.
Hiện còn nhiều thống đá, cối đá giã gạo chưa được kiểm kê, phân loại, trưng bày. Có lẽ nhiều cối đá trong số này đã được sử dụng để giã gạo nuôi nghĩa quân Đệ tứ chiến khu. Bên cạnh đó có một chiếc nghiên mực bằng đá đã mẻ một góc từng được nhà sư Võ Giác Thuyên, người tham gia xây dựng Chiến khu Đông Triều sử dụng.
Là công trình kiến trúc rất có giá trị từ thời Trần, chùa Bắc Mã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia theo Quyết định số 2379QĐ/BT ngày 5/9/1994 của Bộ Văn hóa - Thông tin.
Huỳnh Đăng
Liên kết website
Ý kiến ()