Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 08:28 (GMT +7)
Cộng đồng chung tay giữ gìn di sản văn hóa
Thứ 2, 05/07/2021 | 12:28:38 [GMT +7] A A
Với 22 dân tộc anh em cùng sinh sống, tỉnh Quảng Ninh hoàn toàn có thể tự hào với bề dày của di sản văn hóa phi vật thể - kết tinh của những lễ hội, phong tục, tập quán, tri thức dân gian của mỗi dân tộc được lưu truyền qua nhiều thế hệ tại địa phương. Việc giữ gìn, phát huy di sản chỉ thực sự có hiệu quả khi vai trò chung tay của cộng đồng được phát huy.
Ở huyện vùng cao Bình Liêu, đồng bào dân tộc Tày (chiếm gần 59% dân số của toàn huyện) vẫn còn lưu giữ được nhiều phong tục văn hóa đặc sắc. Trong đó phải kể tới những làn điệu hát then đã gắn liền với đời sống tinh thần của người dân nơi đây qua rất nhiều thế hệ. Đến nay, hát then không chỉ riêng có trong các nghi lễ cổ truyền để cúng bái tổ tiên, cúng giải hạn, cầu phúc lộc... mà còn được nhiều tác giả dân gian đặt lời mới để ca ngợi quê hương, đất nước, con người trong thời kỳ đổi mới. Thậm chí là những lời giao duyên được đông đảo thanh niên nam, nữ hát trong mỗi dịp lễ tết, hội hè, đón xuân mới... để trao gửi tâm tình, kết bạn gần xa.
Nghệ nhân dân gian Hoàng Thị Viên (xã Tình Húc, huyện Bình Liêu) là một trong những hạt nhân của phong trào lưu giữ văn hóa hát then tại địa phương. Nhắc đến bà Viên là phải kể tới những đóng góp quan trọng trong suốt nhiều năm qua. Từ năm 2001, bà đã tham gia thành lập CLB hát then, đàn tính đầu tiên trong toàn huyện, sau đó tiếp tục là “giảng viên” truyền dạy kỹ thuật hát, múa, đánh đàn tính cho nhiều người trong vùng, nhất là trẻ em.
Ngoài việc dày công sưu tầm, khôi phục các làn điệu then cổ, bà Viên còn sáng tác mới 15 bài hát then; tham gia nhiều hoạt động liên hoan văn nghệ dân gian tại địa phương và cấp tỉnh, cấp quốc gia... Nhờ đó, năm 2018, bà Viên được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian Việt Nam. Từ nỗ lực của bà Viên, tình yêu văn hóa dân tộc đang được tiếp tục lan tỏa tới nhiều thế hệ trẻ, sức sống của nghệ thuật hát then, đàn tính cũng càng được bồi đắp.
Ngoài hát then của dân tộc Tày, tỉnh Quảng Ninh hiện có tới gần 360 di sản văn hóa phi vật thể. Trong đó có 6 di sản cấp quốc gia (lễ hội Tiên Công, lễ hội đền Cửa Ông, lễ hội truyền thống đình Trà Cổ, lễ hội truyền thống đình Quan Lạn, hát nhà tơ - hát múa cửa đình và hát then) cùng 76 lễ hội dân gian. Đây là những giá trị quý báu được đúc kết từ tri thức, kinh nghiệm, kỹ năng của người dân tại mỗi địa phương để lưu truyền cho đời sau. Do đó, việc bảo vệ và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể, yếu tố quan trọng nhất là được thực hành, được truyền đạt thường xuyên, bởi chủ thể là những người dân trong cộng đồng.
Vai trò của cộng đồng trong chung tay giữ gìn di sản văn hóa phi vật thể, trước hết là chủ động thực hành, truyền dạy di sản của dân tộc, địa phương mình thông qua việc thành lập, tham gia sinh hoạt văn hóa, văn nghệ ở các CLB tại địa bàn cư trú. Nhiều mô hình như vậy đã được thành lập, với nòng cốt là những nghệ nhân dân gian, tâm huyết với truyền thống dân tộc, như: CLB hát then, đàn tính huyện Bình Liêu, CLB hát đúm TX Quảng Yên, CLB hát nhà tơ, hát múa cửa đình huyện Đầm Hà... Ngành văn hóa và giáo dục cũng có sự phối hợp để đưa hoạt động tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa dân gian vào trong các nhà trường.
Cùng với đó, khi người dân hiểu đầy đủ, chính xác về vai trò, quyền trong bảo vệ di sản của chính dân tộc, địa phương mình, thì các chính sách bảo tồn, phục dựng, phát huy di sản văn hóa... cũng sẽ được thực hiện có hiệu quả hơn. Cụ thể là, vừa tích cực cung cấp thông tin cho các cơ quan nghiên cứu về văn hóa, vừa chủ động tham gia thảo luận, xây dựng các dự án, biện pháp sưu tầm, phục dựng, bảo vệ di sản. Đơn cử như tháng 12/2020 vừa qua, UBND huyện Ba Chẽ đã lần đầu tiên tổ chức lễ hội Bàn Vương - là kết quả của quá trình đầy công phu để phục dựng lại một nghi lễ quan trọng của dân tộc Dao.
Hoàng Giang
Liên kết website
Ý kiến ()