Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 17:29 (GMT +7)
Những điều cần biết về bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng
Thứ 4, 14/08/2013 | 09:28:20 [GMT +7] A A
Hỏi: Công việc của tôi thường xuyên gặp gỡ khách hàng nên cũng không tránh khỏi uống rượu, bia. Tôi thường hay đau vùng thượng vị, sau lan khắp bụng, bụng cứng. Xin hỏi bác sỹ có phải đó là dấu hiệu của bệnh xuất huyết dạ dày? Nếu bị xuất huyết dạ dày tôi phải chữa trị như thế nào? (Trần Thu Trang, Móng Cái)
Hình ảnh loét dạ dày qua nội soi |
Trả lời
Xuất huyết dạ dày – hành tá tràng chiếm khoảng 50% số trường hợp xuất huyết đường tiêu hóa trên và là một trong các biến chứng của viêm loét dạ dày – hành tá tràng. Biểu hiện của bệnh tùy thuộc vào mức độ chảy máu nhưng thường gặp là có đau vùng thượng vị hoặc đã có tiền sử viêm lét dạ dày- hành tá tràng, đột nhiên xuất hiện nôn ra máu, đại tiện phân đen, toàn thân có biểu hiện thiếu máu như da xanh, niêm mạc nhợt, mạch nhanh, huyết áp có thể tụt.
Mức độ nặng có thể có dấu hiệu bệnh nhân choáng, ngất hoặc bị ngã thậm chí sốc mất máu. Viêm loét dạ dày - hành tá tràng là bệnh cấp hoặc mãn tính tại niêm mạc dạ dày – tá tràng thường do một hoặc một số nguyên nhân gây ra.
Bạn nên đi khám bệnh để được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, dự phòng biến chứng có thể sảy ra.
1. Nguyên nhân gây bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng
Hình ảnh dạ dày bình thường Hình ảnh viêm niêm mạc dạ dày qua nội soi |
Bệnh viêm loét dạ dày là một bệnh rất phổ biến trong xã hội hiện nay. Nguyên nhân gây bệnh viêm loét dạ dày – hành tá tràng thì rất nhiều, nhưng chúng ta có thể tổng kết lại trong một số nguyên nhân chính như sau:
Do chế độ ăn, uống
+ Ăn quá nhiều chất kích thích, thức ăn quá chua, quá cay, quá nóng
+ Ăn nhiều chất béo
+ Chế độ ăn thiếu dinh dưỡng kéo dài
+ Uống nhiều rượu, nghiện thuốc lá
+ Ăn vội vàng, nhai không kỹ
+ Rối loạn giờ giấc ăn uống thường xuyên: ăn không đúng bữa, không đúng giờ, ăn quá khuya, lúc ăn thì quá no, lúc thì nhịn đói quá lâu.
Do thuốc & các hóa chất: thường gặp là acid, bụi kim loại, các loại thuốc giảm đau, kháng viêm, corticoid…
Do nhiễm trùng: đặc biệt trong thời đại ngày nay tình hình nhiễm Helicobacter Pylori (HP) rất được các bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa quan tâm, đây là một loại vi khuẩn gam âm, có hình xoắn, là nguyên nhân thường gặp gây ra các bệnh lý ở dạ dày tá tràng.
Do nguyên nhân thần kinh: viêm loét dạ dày thường hay gặp ở những người hay lo lắng, sợ hãi, làm việc quá căng thẳng, gặp ở người sống ở thành thị nhiều hơn ở nông thôn, gặp ở người làm việc trí óc nhiều hơn ở người làm việc chân tay.
Do nguyên nhân nội tiết: đái tháo đường, hạ đường huyết, hội chứng cushing, xơ gan…
2. Chuẩn đoán
Chẩn đoán xác định
- Đau bụng vùng thượng vị có tính chu kỳ.
- Nội soi ống mềm đường tiêu hóa trên được coi là phương pháp chẩn đoán chính xác nhất, có nhiều ưu điểm hơn so với chụp X- quang dạ dày – hành tá tràng. Hiện nay Bệnh viện đa khoa tỉnh đã áp dụng phương pháp nội soi không đau để giảm sự khó chịu cho bệnh nhân.
Chẩn đoán biến chứng
Tùy từng trường hợp cụ thể và các dấu hiệu kèm theo, thầy thuốc sẽ chỉ định thăm khám và các xét nghiệm phù hợp để chẩn đoán các biến chứng có thể gặp như xuất huyết dạ dày – hành tá tràng; thủng dạ dày – hành tá tràng; hẹp môn vị; rò vào các tạng xung quanh...
3. Điều trị bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng
- Mục tiêu của điều trị viêm loét dạ dày, hành tá tràng là làm liền ổ loét, giảm đau và ngăn ngừa biến chứng.
- Nguyên tắc điều trị là không dùng phối hợp các thuốc cùng cơ chế. Điều trị nội khoa là chủ yếu. Chỉ phẫu thuật khi điều trị nội khoa không có kết quả hoặc có biến chứng có chỉ định phẫu thuật.
- Thời gian điều trị từ 4 – 8 tuần/đợt điều trị, có thể kéo dài tùy thuộc từng trường hợp cụ thể.
- Nên kiểm tra nội soi lại sau mỗi đợt điều trị để có đánh giá chính xác tình trạng bệnh.
- Hiện nay, có rất nhiều loại thuốc điều trị viêm loét dạ dày – tá tràng với mục đích điều trị như sau
Giảm yếu tố gây loét.
- Dùng thuốc ức chế bài tiết acid clohydric và pepsin như nhóm ức chế thụ thể Histamin H2 như Cimetidin/Ranitidin/Famotidin/Nizatadin. Nhóm ức chế bơm proton như Omeprazl/ Lansoprazol/ Pantoprazol/ Rabeprazol/ Esomeprazol.
- Dùng thuốc trung hoà acid clohydric đã được bài tiết vào dạ dày – tá tràng là các thuốc có chứa nhôm, calci hoặc magnesi hydroxit.
Tăng cường yếu tố bảo vệ niêm mạc.
- Sucrafat: băng bó ổ loét, ngăn ngừa sự khuyếch tán ngược của ion H+.
- Bismuth: Vừa có tác dụng bảo vệ niêm mạc dày dày, vừa diệt H.pylori.
- Misoprostol có tác dụng bảo vệ niêm mạc dạ dày, tăng bài tiết dịch nhầy.
Diệt trừ Helicobacter pylori.
- Dùng các kháng sinh diệt H.pylori như Amoxicillin/ Metronidazol/ tinidazol/ Clarithromycin/ Bismuth...
Chế độ ăn
Ngoài việc dùng thuốc điều trị, đối với các bệnh nhân loét dạ dày – tá tràng, chế độ ăn là một phần của các yêu cầu điều trị và một chế độ ăn đúng cũng góp phần tích cực vào kết quả điều trị. Bệnh nhân cần tránh ăn các thức ăn dễ gây kích thích niêm mạc như rượu, các chất gia vị nóng như ớt, hạt tiêu, các chất có nhiều chất chua, chát… Không hút thuốc lá, thuốc lào.
Chế độ làm việc và yếu tố thần kinh, tâm lý
- Bệnh nhân viêm loét dạ dày – tá tràng cần chú ý chế độ làm việc hợp lý, tránh làm việc gắng sức, tránh căng thẳng thần kinh, tránh Stress tâm lý.
Cần lưu ý khám lại sau mỗi đợt điều trị, bác sĩ sẽ đánh giá kết quả điều trị để tư vấn cho bạn một cách hiệu quả nhất.
Ths.Bs. Trịnh Văn Mạnh
Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh
Mọi thắc mắc của độc giả về vấn đề sức khỏe có thể gửi vào địa chỉ email: baoquangninh@gmail.com hoặc trinhmanhqnsyt@gmail.com
Độc giả cũng có thể liên hệ trực tiếp theo số điện thoại 0333.829235 để được giải đáp.
Liên kết website
Ý kiến ()