Thời gian ủ bệnh của Covid-19
Theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 mới nhất được Bộ Y tế ban hành, thời gian ủ bệnh từ 2-14 ngày, trung bình 5-7 ngày.
Triệu chứng khởi phát Covid-19
Triệu chứng hay gặp là sốt, ho khan, mệt mỏi và đau cơ. Có thể bị đau họng, nghẹt mũi, chảy nước mũi, đau đầu, ho có đờm, nôn và tiêu chảy. Một số trường hợp có biểu hiện rối loạn khứu giác hoặc tê lưỡi.
Diễn biến đối với người mắc Covid-19
Theo Bộ Y tế, hơn 80% bệnh nhân chỉ sốt nhẹ, ho, mệt mỏi, không bị viêm phổi, thường tự hồi phục sau khoảng một tuần. Một số trường hợp không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng nào.
Gần 20% bệnh nhân diễn biến nặng, thời gian trung bình từ khi có triệu chứng ban đầu tới khi diễn biến nặng thường khoảng 5-8 ngày.
Các biểu hiện nặng gồm viêm phổi, viêm phổi nặng cần nhập viện... Trong đó khoảng 5% cần điều trị tại các đơn vị hồi sức tích cực với các biểu hiện hô hấp cấp (thở nhanh, khó thở, tím tái, ...), hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển, rối loạn đông máu, tổn thương vi mạch gây huyết khối và tắc mạch, viêm cơ tim, sốc nhiễm trùng, suy chức năng các cơ quan bao gồm tổn thương thận và tổn thương cơ tim, dẫn đến tử vong.
Nguy cơ tử vong xảy ra nhiều ở người cao tuổi, người suy giảm miễn dịch và mắc bệnh mạn tính kèm theo.
Sau bao lâu sẽ hồi phục?
Thông thường, sau giai đoạn toàn phát 7-10 ngày, nếu không có hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển, bệnh nhân sẽ hết sốt, các dấu hiệu lâm sàng dần trở lại bình thường và khỏi bệnh
Ở trẻ em triệu chứng lâm sàng khác gì người lớn?
Ở trẻ em, đa số biểu hiện lâm sàng nhẹ hơn người lớn hoặc không có triệu chứng. Các dấu hiệu thường gặp ở trẻ em là sốt và ho, hoặc các biểu hiện viêm phổi nặng dẫn tới tử vong. Một số trẻ có tổn thương viêm đa cơ quan giống bệnh Kawasaski: sốt; ban đỏ hoặc xung huyết giác mạc, hoặc phù nề niêm mạc miệng, bàn tay, chân; suy tuần hoàn; biểu hiện tổn thương chức năng tim và tăng men tim; rối loạn tiêu hóa; rối loạn đông máu và tăng các chỉ số viêm cấp.
Phụ nữ mang thai mắc Covid-19 có triệu chứng gì khác?
Hiện chưa có bằng chứng khác biệt về biểu hiện lâm sàng của Covid-19 ở phụ nữ mang thai.
Cần chuẩn bị những gì khi cách ly F0 tại nhà?
Theo hướng dẫn Sở Y tế TP HCM, người bệnh nên chuẩn bị nhiệt kế đo thân nhiệt. Nếu có điều kiện nên trang bị thêm máy đo nồng độ oxy trong máu tại nhà. Ngoài ra, theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Quốc gia Viện Nghiên Cứu Y khoa Woolcock Việt Nam, nên chuẩn bị thuốc hạ sốt, dung dịch bù nước oresol cho người bệnh, các quạt gió để tăng thông khí tại nhà, dung dịch sát khuẩn để vệ sinh các bề mặt phòng lây nhiễm tại gia đình...
F0 nên làm gì trong thời gian theo dõi tại nhà?
Theo bác sĩ Thu Anh, người bệnh nên tự cách ly trong phòng riêng, mở cửa sổ để tăng thông gió, đeo khẩu trang. Uống nhiều nước, uống oresol để bù nước. Tập thể dục nhẹ nhàng. Xem các chương trình giải trí, thư giãn. Ghi lại ngày đầu tiên xuất hiện triệu chứng. Khi nằm ngủ hay nghỉ ngơi, có thể nằm nghiêng hoặc nằm sấp nếu tư thế này làm cho bạn thấy dễ chịu.
Ngoài ra nên đo nhịp thở bằng cách đặt bàn tay lên ngực, thư giãn, thở đều và đếm số lần lồng ngực nhô lên trong một phút. Nếu số lần lồng ngực nhô lên nhiều hơn 24 lần thì cần liên hệ nhân viên y tế hoặc hotline để được hỗ trợ đưa đến bệnh viện. Sử dụng thiết bị kiểm tra độ bão hòa oxy để kiểm tra ít nhất 3-4 lần mỗi ngày.
Khi nào cần đưa đi cấp cứu?
Theo bác sĩ Thu Anh, nếu có 9 dấu hiệu sau cần gọi cấp cứu đưa ngay đến bệnh viện điều trị Covid-19 hoặc bệnh viện gần nhất.
Các dấu hiệu cần chú ý gồm: Độ bão hòa oxy trong máu dưới 94%, nhịp thở nhiều hơn 24 lần mỗi phút; đau ngực, cảm giác thắt ngực, khó thở khi vận động; không thể nói đầy đủ câu, bị lẫn lộn về thời gian và địa điểm, da xanh, môi nhợt; không tự đi, không tự cầm nắm, ăn uống được hoặc lạnh đầu ngón tay, ngón chân.
Ý kiến ()