Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 15/11/2024 06:20 (GMT +7)
Những điều nên tránh khi tự làm test nhanh COVID-19 tại nhà
Thứ 4, 16/02/2022 | 08:01:20 [GMT +7] A A
Sau đây là một số sai lầm cần tránh khi bạn thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên virus SARS-CoV-2 tại nhà. Điều nên tránh khi tự xét nghiệm nhanh COVID-19 tại nhà.
1. Bảo quản sai nhiệt độ
Bộ dụng cụ test nhanh nên được bảo quản ở nhiệt độ 2-30ºC, tránh ánh nắng trực tiếp. Bảo quản ở nhiệt độ cao hơn có thể khiến protein trong các thử nghiệm bị biến tính - những thay đổi vĩnh viễn đối với cấu trúc protein. Không đóng băng sản phẩm để tránh làm hỏng các thành phần của nó.
2. Sử dụng trực tiếp ngay sau khi lấy ra từ tủ lạnh
Chất thử sẽ không hoạt động tốt ở nhiệt độ lạnh. Bộ sinh phẩm xét nghiệm nên được để ở nhiệt độ phòng từ 15-30ºC trước khi xét nghiệm khoảng 30 phút.
3. Sử dụng sản phẩm hết hạn
Luôn kiểm tra hạn sử dụng trước khi sử dụng. Các sản phẩm hết hạn có thể chứa các chất thử sinh học hoặc hóa học đã hết tác dụng hoặc bị biến tính.
4. Mở sản phẩm quá sớm
Không mở khay thử ra khỏi túi đựng cho đến khi bạn sẵn sàng bắt đầu thực hiện xét nghiệm. Mở sớm mà không sử dụng có thể dẫn đến kết quả dương tính giả.
5. Thực hiện test quá sớm hoặc quá muộn sau khi phơi nhiễm
Một nghiên cứu (vẫn chưa được các chuyên gia xem xét) cho thấy test nhanh kháng nguyên không thể phát hiện ra SARS-CoV-2 cho đến ít nhất 2 ngày sau khi tiếp xúc. Phải mất trung bình ba ngày mới phát hiện ra kết quả dương tính. Nó cũng không thể phát hiện ra virus khi tiếp xúc đã quá lâu.
6. Làm nhiễm bẩn sản phẩm
Không chạm vào đầu tăm bông bằng ngón tay của bạn và không để nó tiếp xúc với các bề mặt khác.
7. Lấy mẫu sai góc và độ sâu
Khi đưa que lấy mẫu vào mũi, bạn có thể thực hiện sai góc hoặc chưa đạt được đúng độ sâu. Vì vậy, thay vì đưa tăm bông đi thẳng lên trên, hãy cố gắng đi theo chiều ngang và nhẹ nhàng đưa vào mũi sâu khoảng 2-3 cm. Sau đó xoay nhẹ que lấy mẫu vào thành mũi theo đúng số lần mà xét nghiệm của bạn khuyến nghị.
8. Tiếp tục xét nghiệm với mẫu bị lẫn máu
Máu trên que lấy mẫu sẽ cho bạn một kết quả không chính xác. Bỏ xét nghiệm và làm lại xét nghiệm khác khi máu đã ngừng chảy, hoặc chỉ lấy mẫu ở bên không chảy máu. Không sử dụng xét nghiệm yêu cầu ngoáy mũi nếu bạn dễ bị chảy máu mũi. Thay vào đó, hãy sử dụng xét nghiệm nước bọt.
9. Ăn, uống, nhai kẹo cao su, đánh răng hoặc hút thuốc trước khi xét nghiệm nước bọt
Những điều này có thể đưa ra một kết quả không chính xác. Vì vậy, hãy đợi 30 phút trước khi lấy mẫu nước bọt.
10. Thêm quá nhiều hoặc quá ít giọt dung dịch đệm
Thêm đúng số giọt theo hướng dẫn sử dụng trên bộ kit sẽ đảm bảo chất lỏng di chuyển trên bề mặt thử nghiệm trong một thời gian cụ thể.
11. Đọc kết quả quá sớm hoặc quá muộn
Đọc kết quả tại thời điểm được đề cập trong hướng dẫn. Đọc kết quả xét nghiệm quá sớm có khả năng cho bạn kết quả âm tính giả và quá muộn có thể cho bạn kết quả dương tính giả.
12. Vứt bộ dụng cụ không đúng cách
Bịt kín bất kỳ thành phần nào của bộ dụng cụ tiếp xúc với mẫu nước mũi hoặc nước bọt của bạn (tăm bông, hộp đựng, chất thử, thiết bị thử nghiệm,...) trong túi nhựa và vứt vào thùng rác.
Theo suckhoedoisong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()