Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 02:28 (GMT +7)
Những hiện vật khảo cổ có giá trị ở Yên Tử
Chủ nhật, 26/03/2023 | 06:46:45 [GMT +7] A A
Yên Tử là một quần thể di tích lịch sử, văn hóa tâm linh còn lưu những dấu tích văn hóa thời Lý, Trần và các dấu ấn lịch sử, văn hóa, văn minh qua các thời đại. Hệ thống chùa, am, tháp, tượng, bia ký và nhiều hiện vật phong phú là những di sản văn hóa vật thể vô giá.
Ông Lê Tiến Dũng, Trưởng Ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử, cho biết: Với sự hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi của các cấp, ban, ngành, thời gian qua, Ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích. Trong đó, đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động Ban Quản lý đã dập, dịch 101 văn bia, tổ chức nghiên cứu, sưu tầm và lưu giữ 803 hiện vật có giá trị văn hoá vật thể vô cùng phong phú, trong đó có 770 hiện vật đã được lập hồ sơ dưới dạng miêu tả, chụp ảnh, đánh số hiện vật.
Những hiện vật này đã gắn liền với tiến trình lịch sử và sự phát triển của Thiền phái Trúc Lâm và Phật hoàng Trần Nhân Tông. Việc nghiên cứu, sưu tầm hiện vật đã phục vụ cho công tác nghiên cứu, trưng bày, tuyên truyền, quảng bá, bảo tồn và phát huy các giá trị của khu di tích Yên Tử.
Ngoài ra, Ban Quản lý đã phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam, Viện Bảo tồn di tích, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tiến hành 12 đợt nghiên cứu, khai quật khảo cổ học trong khu vực di tích, phát hiện nhiều di vật, tách lập được hệ thống bản vẽ mặt bằng của các điểm di tích, giúp giải mã nhiều vấn đề về khoa học, lịch sử, văn hoá liên quan đến danh nhân, di tích và không gian quy hoạch tổng thể khu di tích Yên Tử hiện tại và tương lai.
Đầu tiên là đợt nghiên cứu từ những năm 70 của thế kỷ trước đã tập trung điều tra thu thập các tư liệu về di tích, di vật hiện còn trên mặt đất. Sau đó, vào những năm 2001, 2002, trước khi tiến hành trùng tu, tôn tạo chùa Lân, chùa Hoa Yên, Viện Khảo cổ học đã tiến hành khai quật nghiên cứu khảo cổ học tại hai di tích này và đã phát hiện được các dấu tích kiến trúc sớm có niên đại thời Trần, Lê, Nguyễn cùng với nhiều di vật có giá trị cao trong nghiên cứu khoa học.
Đợt nghiên cứu năm 2007, Viện Khảo cổ học phối hợp với Sở Văn hóa - Thông tin (nay là Sở Văn hóa - Thể thao), Ban Quản lý di tích - danh thắng Yên Tử (nay là Ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử) tập trung điều tra và thám sát hệ thống các loại hình di tích nhằm đánh giá tiềm năng khảo cổ và giá trị lịch sử văn hóa các di tích. Trên cơ sở đó, đưa ra những kiến nghị kịp thời cho việc bảo vệ và phát huy giá trị khu di tích. Tại các di tích như chùa Lân, vườn tháp Tổ, chùa Hoa Yên, am Thiền Định, chùa Vân Tiêu, am Hoa, am Dược, chùa Giải Oan, chùa Cầm Thực, khu vực An Kỳ Sinh, chùa Đồng, chùa Quỳnh Lâm, di tích Thái Lăng... đều xuất lộ các di tích và khá nhiều loại hình di vật khảo cổ.
Cùng với đó, Ban tiếp tục phối hợp thực hiện các công trình bảo tồn và phát huy giá trị Yên Tử, trong đó có việc triển khai thi công đúc dựng Bảo tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông, tôn tạo chùa Bảo Sái, trùng tu chùa Một Mái; tiếp tục sưu tầm, tập hợp, bảo quản cổ vật, hiện lưu giữ 803 hiện vật có giá trị; tổ chức nhiều hoạt động văn hóa - tín ngưỡng, tôn giáo tại Yên Tử hằng năm; cung cấp tư liệu phục vụ việc lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Quần thể Di tích danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là Di sản thế giới.
Theo Tiến sĩ Bùi Văn Hiếu (Viện Khảo cổ học), những bằng chứng khảo cổ học cho thấy, Yên Tử không chỉ là công quả của thời Trần mà là của nhiều thời đại với một tầng văn hóa dày gần 1.000 năm lịch sử. Đây là một trong những giá trị nổi bật của Quần thể di tích danh thắng Yên Tử.
Tiến sĩ Lê Thị Liên (Hội Khảo cổ học Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Quốc tế về di sản văn hóa dưới nước của UNESCO) cho rằng, cần tiếp tục tổ chức khai quật tại các di tích nếu tập hợp được những tư liệu ấy, "nhặt nhạnh" những gì còn lại để khôi phục nên một bức tranh về di sản. Bức tranh đó, vì nhiều lý do khác nhau trước đây, như chiến tranh, thiên tai và cả sự phát triển của xã hội đã bị mờ đi, thậm chí vỡ đi, rất cần chúng ta thu nhặt, hàn gắn, trùng tu lại cho rõ rệt hơn.
Phạm Học
- Lễ hội đền Bà Triệu nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
- Thêm 14 di sản ghi vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia
- Festival “Về miền Quan họ -2023”- Kết nối tinh hoa các di sản văn hóa phi vật thể
- Đề xuất Chính phủ xem xét trình Quốc hội cho phép sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa
- Phát huy giá trị di sản văn hóa nhà Trần trong thời đại mới
Liên kết website
Ý kiến ()