Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 00:26 (GMT +7)
Những khẩu súng thần công phát hiện ở Quảng Ninh
Chủ nhật, 05/12/2021 | 15:23:49 [GMT +7] A A
Những năm qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện được một số súng thần công. Những súng thần công này được giới sưu tập súng thần công trong và ngoài nước đánh giá khá cao.
Theo lịch sử, súng thần công xuất hiện đầu tiên ở Việt Nam từ thời nhà Hồ. Con trai Hồ Quý Ly là Hồ Nguyên Trừng là người sản xuất súng rất giỏi. Đạn của súng thần công và pháo cổ có hai loại, thời kỳ đầu sử dụng đạn đá, thường dùng để phá vỡ tàu hoặc tường thành. Về sau dùng đạn nổ (bên trong đạn có thuốc nổ) nên có sức sát thương lớn hơn. Cấu tạo khẩu súng gồm nòng súng lớn dần về phía đuôi, quanh vành miệng có đai dày, trên thân có nhiều vành đai. Lỗ tra ngòi nằm trên thân súng, có một rãnh cắt ngang đuôi súng khớp với bộ phận ở bệ súng, giữ cho nòng súng không bị giật khi bắn, đuôi súng có núm nhỏ hình khối tròn.
Quảng Ninh là địa bàn phát hiện nhiều súng thần công. Đầu tiên là 2 khẩu súng thần công được phát hiện ở Đầm Hà năm 2003 với hiện trạng bị đứt quai. Theo giới chuyên môn, 2 khẩu súng này chứng tỏ đã được sử dụng nhiều lần và có thể bị đứt quai trong một lần tác chiến nào đó.
Tiếp đến là 2 súng thần công phát hiện ở khu vực gần bến phà Hòn Gai vào năm 2004 khi công nhân tiến hành cải tạo, nâng cấp kè. 2 khẩu súng nằm ở độ sâu từ 2,5-3m, kích thước khá lớn.
Năm 2007, nhân dân lại phát hiện thêm 1 súng thần công tại xã Ngọc Vừng (Vân Đồn). Khẩu súng này được sản xuất tại Tây Ban Nha, vào năm 1870, chất liệu làm từ đồng nguyên chất, bởi vậy khả năng chống rỉ rất tốt.
Đầu năm 2008, một gia đình ở xã Yên Giang (TX Quảng Yên), trong khi đào ao đã phát hiện 1 súng thần công, được xác định thuộc thời nhà Nguyễn, súng còn khá nguyên vẹn. Vị trí khẩu súng nằm ngay bên cạnh con đường vào di tích bãi cọc Bạch Đằng, thời Pháp nơi đây là cảng chuyên chở nguyên vật liệu cho Nhà máy kẽm Quảng Yên.
Vào năm 2017, đơn vị thi công dự án nước sạch khi đào rãnh ở thôn Sơn Hào (xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn) đã phát hiện một súng thần công bằng sắt đặc có chiều dài 1,2m, chiều rộng lòng 40cm, nặng 4 tạ. Trên thân khẩu súng thần công có dòng chữ Hán “Minh Mệnh thập bát niên tạo”. Căn cứ vào đó có thể biết được khẩu súng được đúc năm Minh Mệnh thứ 18 (tức năm 1837). Hiện nay, 7 khẩu súng thần công nói trên đang được Bảo tàng Quảng Ninh bảo quản và trưng bày.
Gần đây nhất vào sáng 25/10/2021, đơn vị thi công tuyến đường thoát nước tại khu 6, phố Trần Khánh Dư, phường Quảng Yên (TX Quảng Yên), đã phát hiện 1 khẩu súng thần công. Súng có chất liệu bằng gang, dài 1,53m. Điểm nối giữa thân và chuôi súng có 2 quai đối xứng đúc liền vào thân, mỗi quai dài 9cm. Đường kính đầu nòng súng không loe là 17cm, đường kính đuôi súng là 25cm. Gần đuôi súng có lỗ ngòi để nhét dây dẫn lửa. Ngay sau đó súng thần công đã được giao cho Ban Quản lý Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Bạch Đằng đưa về Bảo tàng Bạch Đằng.
Đa phần súng thần công được tìm thấy cho đến thời điểm này ở Quảng Ninh đều sản xuất vào thời Nguyễn. Theo tư liệu của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, thời Nguyễn, súng thần công được đúc bằng đồng, sắt hoặc gang và có nhiều loại, nhiều kiểu từ lớn tới nhỏ với 4 cấp bậc từ thấp tới cao: Tướng quân, trung tướng quân, đại tướng quân và thượng tướng quân. Loại đại tướng quân và thượng tướng quân thường được đặt những tên như: Ngự chế thần uy phá địch thượng tướng quân, Bảo quốc an dân đại tướng quân…
Theo Đại Nam thực lục, triều đình nhà Nguyễn trang bị cho tỉnh Quảng Yên 30 khẩu súng lớn, 2 đại luân xa bằng đồng, 4 khẩu tích sơn bằng đồng, 12 khẩu quá sơn bằng đồng, 12 khẩu hồng y bằng gang. Trong lịch sử, các triều đình phong kiến đều quan tâm bố trí quân đội để bảo vệ vùng đất Quảng Ninh. Các đồn binh đều được trang bị các súng thần công, có các súng thần công trên mặt đất, lại còn có súng thần công được gắn trên các thương thuyền. Trong đồn Tĩnh Hải ở thôn Vựng xã Ngọc Vừng có pháo đài, đặt 4 khẩu súng, 2 khẩu thần công có đài lửa và có trạm canh vật liệu xây dựng đồn là đá và đất. Những khẩu súng thần công này là uy lực khiến giặc biển khiếp sợ và cũng là vũ khí chủ lực để sẵn sàng chống giặc ngoại xâm.
Huỳnh Đăng
Liên kết website
Ý kiến ()