Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 06/01/2025 10:12 (GMT +7)
Những kỷ vật của đại biểu Quốc hội khóa I Lê Văn Cơ
Chủ nhật, 23/05/2021 | 09:50:43 [GMT +7] A A
Là một đại biểu Quốc hội hết lòng vì nhân dân, bác sĩ Lê Văn Cơ không còn nữa nhưng đã để lại tiếng thơm ở vùng đất Quảng Yên nơi ông đã sinh sống phần lớn thời gian cuộc đời mình. Những kỷ vật mà Đại biểu Quốc hội Lê Văn Cơ còn để lại phần nào nói lên cuộc đời, tính cách và những đóng góp của ông với nhân dân và người bệnh.
Cách đây 75 năm, ngày 6/1/1946, đã diễn ra cuộc tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc dân đại hội - Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Quốc hội đầu tiên hay Quốc hội khoá I gồm có 403 đại biểu, trong đó khu Hồng Quảng có 3 đại biểu được bầu là Lê Văn Cơ, Trịnh Tam Tỉnh và Trần Danh Tuyên. Bác sĩ Lê Văn Cơ đã trúng cử với số phiếu cao nhất, nhiều phiếu hơn 2 đại biểu Trần Danh Tuyên và Trịnh Tam Tỉnh.
Không chỉ làm tròn phận sự của người đại biểu nhân dân trong suốt 14 năm, bác sĩ Lê Văn Cơ còn tham gia kháng chiến và cứu chữa bệnh cho mọi người. Hoà bình lập lại, bác sĩ Lê Văn Cơ là Vụ phó Vụ Chữa bệnh của Bộ Y tế. Khi nghỉ hưu, cụ Lê Văn Cơ không ở lại Hà Nội mà trở về sống tại căn nhà của mình ở Quảng Yên cho đến năm 1980 thì qua đời. Hiện, ngôi nhà của vị đại biểu Quốc hội khoá đầu tiên ở năm xưa vẫn còn tại TX Quảng Yên với rất nhiều kỷ vật của cụ lúc sinh thời cũng như khi làm đại biểu Quốc hội.
Chị Chu Thị Thu, công chức văn hóa xã hội của UBND phường Quảng Yên (TX Quảng Yên), dẫn chúng tôi sang thăm căn nhà của bác sĩ Cơ. Căn nhà đã xuống cấp nhiều. Một thời gian dài sau khi bác sĩ Lê Văn Cơ mất, ông Lê Văn Lập là con trai bác sĩ Lê Văn Cơ đã thừa kế gia sản và duy tu ngôi nhà cho đến gần đây Lập lên Hà Nội ở với con cái. Tuy diện tích đất và ngôi nhà đã được sang nhượng cho người khác nhưng người chủ nhân mới vẫn giữ nguyên hiện trạng như khi xưa, gần như không sửa chữa, thay mới.
Ngôi nhà quay mặt ra đường, sau nhà có khoảng sân nhỏ, có vườn cây, bể nước, dãy nhà bếp. Ngôi nhà được xây bằng gạch đỏ, tường rất dày, trát vữa vôi, gồm 2 tầng. Toàn bộ ngói lợp nhà và bếp được nhập từ Pháp về. Ngói lợp còn rõ chữ tiếng Pháp “Marseillaise Acier”.Trần nhà đã bong tróc nhiều để lộ ra những miếng đan bằng tre, gỗ, không có cốt sắt. Mặt sàn tầng 1 của ngôi nhà, nền lát gạch hoa thời Pháp. Tầng 1 có phòng làm việc, phòng tiếp khách, phòng bếp, nơi nghỉ ngơi, lò sưởi kiểu Pháp. Trong gian bếp vẫn còn chiếc chạn gỗ lim. Trong chạn gỗ, còn nguyên vỏ hai chai rượu nhãn hiệu Hennessy, 1 bộ phin pha cà phê bằng nhôm với cốc thuỷ tinh sản xuất bên Pháp. Hệ thống đường ống nước trong nhà và bếp có từ thời Pháp dù đã hoen rỉ, đứt gãy.
Cầu thang và cả sàn tầng hai ngôi nhà đều làm bằng gỗ lim. Trên tầng có chiếc bàn vuông vốn là bàn làm việc của cụ Cơ ngày xưa. Trên tầng 2 có nhiều kỷ vật của cụ Cơ được mua từ bên Pháp. Hiện còn những chiếc valy kiểu Pháp, một chiếc hòm gỗ màu xanh đã phai nhạt có những chữ Pháp "Masse De Fils" còn khá rõ. Cạnh đó có những chiếc móc treo quần áo bằng mây, cốc chén, một chiếc đồng hồ kiểu Pháp, nhiều cặp kính cũng mang những thương hiệu của Pháp.
Đặc biệt, còn có rất nhiều kỷ vật ghi nhận những thành tích của bác sĩ Lê Văn Cơ. Đó là những Huân chương Lao Động hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến, Kỷ niệm chương kháng chiến, huy chương chiến sĩ thi đua ái quốc, huy hiệu Bác Hồ, huy hiệu kháng chiến, huy hiệu đại biểu Quốc hội, Kỷ niệm chương của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Huy hiệu phụ lão 3 giỏi và nhiều huy hiệu kỷ niệm chương của ngành Y tế. Có một chiếc huy hiệu của Pháp trên mặt ghi 3 chữ WWH được viết rất cách điệu. Đặc biệt, trong hồ sơ còn giữ được giấy mời vào năm 1958 của Bộ Y tế mời bác sĩ Lê Văn Cơ, lúc đó đang là Phó Giám đốc Vụ Chữa bệnh, đến nhận Huân chương Lao Động hạng Nhì.
Ngôi nhà và những kỷ vật của bác sĩ, đại biểu Quốc hội khoá I Lê Văn Cơ ở Quảng Yên không chỉ thể hiện ký ức của một con người, một gia đình mà còn là hiện vật quý về một vị đại biểu Quốc hội đầu tiên, có giá trị lịch sử cần được ngành văn hóa quan tâm, nghiên cứu, bảo tồn, lưu giữ. Ông Lê Hoàng Lộc, Phó Chủ tịch UBND phường Quảng Yên (TX Quảng Yên), nhận định: Việc tìm hiểu về cuộc đời và di sản của bác sĩ Lê Văn Cơ, đại biểu Quốc hội đầu tiên rất có ý nghĩa trong dịp bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026.
Huỳnh Đăng
Liên kết website
Ý kiến ()