Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 31/10/2024 07:29 (GMT +7)
Những lưu ý để bổ sung vitamin A cho trẻ đúng cách
Thứ 4, 30/11/2022 | 19:14:32 [GMT +7] A A
Vitamin A là một trong 3 loại vi chất (iod, vitamin A, sắt) mà trẻ em Việt Nam thường bị thiếu hụt, dẫn đến sức đề kháng kém, chậm phát triển và dễ mắc các bệnh lý nguy hiểm. Vậy cách bổ sung loại vitamin này cho trẻ thế nào cho phù hợp?
Vitamin A rất quan trọng cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ em. Vi chất này đóng một vai trò quan trọng đối với thị giác và sự phát triển của xương, giúp bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng. Ngoài ra, dưỡng chất này cũng thúc đẩy sức khỏe và sự tăng trưởng của các tế bào và các mô trong cơ thể, đặc biệt là tóc, móng tay và da. Thiếu Vitamin A khiến trẻ giảm sức đề kháng, dễ nhiễm trùng nặng, đặc biệt là sởi, tiêu chảy và viêm đường hô hấp… dẫn tới tăng nguy cơ mắc bệnh và tử vong.
Để chẩn đoán tình trạng thiếu vitamin A ở trẻ, có thể dựa trên một số biểu hiện lâm sàng ở mắt như:
- Quáng gà: Trẻ gặp khó khăn khi nhìn trong điều kiện ánh sáng yếu, cuối cùng sẽ dẫn đến mù hoàn toàn vào ban đêm.
- Xerophthalmia: Tình trạng này còn gọi là thoái hóa giác mạc. Mắt có thể rất khô và đóng vảy, gây hỏng giác mạc và võng mạc.
- Nhiễm trùng: Trẻ bị thiếu vitamin A có thể thường xuyên gặp phải những lo lắng về sức khỏe vì cơ thể không có khả năng miễn dịch chống lại nhiễm trùng.
- Vệt bitot (đốm mù mờ): Đây là tình trạng tích tụ chất sừng trong mắt, gây ra hiện tượng mờ mắt.
- Kích ứng da: Những người bị thiếu vitamin A có thể gặp các vấn đề về da như khô, ngứa và tróc vảy.
- Keratomalacia (chứng nhiễm giác mạc): Đây là chứng rối loạn về mắt khiến lớp giác mạc bị khô. Giác mạc là lớp trong trước mống mắt và đồng tử.
- Thấp còi: Thiếu vitamin A có thể làm chậm sự phát triển hoặc khiến trẻ không phát triển xương, còi cọc, thấp hơn bạn bè đồng trang lứa.
Trẻ cần bổ sung vitamin A liều cao như thế nào?
+ Trẻ 6 – <12 tháng tuổi: 100.000 đơn vị vitamin A mỗi 6 tháng.
+ Trẻ từ 12 đến 36 tháng: 200.000 đơn vị vitamin A mỗi 6 tháng.
+Trẻ từ 37 đến 60 tháng: 200.000 đơn vị vitamin A mỗi 6 tháng. Theo khuyến cáo của Bộ Y tế Việt Nam, nên uống vitamin A cho trẻ từ 6 đến 36 tháng với liều bổ sung 2 lần/năm, cụ thể là vào ngày mùng 1-2 của tháng 6 (đợt 1) hoặc ngày mùng 1-2 của tháng 12 (đợt 2) hàng năm.
Lưu ý khi bổ sung vitamin A cho trẻ
- Không tự ý cho trẻ uống bổ sung vitamin A liều cao (loại có hàm lượng từ 100.000 đến 200.000 đơn vị quốc tế) vì có thể dẫn đến nguy cơ ngộ độc vitamin A do quá liều.
- Sau khi uống vitamin A, một số trẻ có thể bị nôn, ói hoặc đi ngoài phân lỏng. Đây là phản ứng tự nhiên của cơ thể nên mẹ không cần quá lo lắng, trẻ sẽ tự điều chỉnh và hết các dấu hiệu trên sau khi uống vài ngày.
- Những tác dụng phụ của vitamin A không nhiều và rất ít trẻ gặp phải nên mẹ không nên quá lo lắng mà không cho con uống Vitamin A. Thiếu vitamin A không chỉ khiến trẻ mắc biến chứng về mắt mà còn làm cho bé biếng ăn, chậm tăng trưởng về chiều cao và cân nặng, sức đề kháng yếu, dễ mắc các bệnh hô hấp, tiêu hóa, da và thời gian bị bệnh kéo dài…
- Theo khuyến cáo của Viện Y học Hoa Kỳ, trẻ em từ 1 đến 3 tuổi không nên bổ sung quá 2.000 IU/ngày và trẻ từ 4 đến 8 tuổi không nên uống nhiều hơn 3.000 IU/ ngày. Việc hấp thụ quá nhiều vitamin A trong cơ thể sẽ khiến trẻ gặp phải các hiện tượng như nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn ói, thiếu sự phối hợp vận động và nhìn mờ.
Trong trường hợp nặng, dùng quá liều vitamin A sẽ gây bệnh về gan, loãng xương hoặc một số rối loạn thần kinh trung ương. Mặc dù vitamin A là một vi chất thiết yếu đối với sự phát triển của trẻ, tuy nhiên cha mẹ chỉ nên bổ sung cho con theo đúng liều lượng khuyến cáo. Tránh để trẻ hấp thu quá ít hoặc quá nhiều nhằm phòng ngừa các tác dụng phụ nghiêm trọng.
Theo phunuvietnam.vn
Liên kết website
Ý kiến ()