Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 16:20 (GMT +7)
Những ngày u tối ở Ấn Độ đang lặp lại ở Nepal
Thứ 4, 12/05/2021 | 14:20:21 [GMT +7] A A
Những cảnh tượng đáng báo động từng xảy ra ở Ấn Độ đang lặp lại ở quốc gia láng giềng Nepal, khi dịch Covid-19 khiến hệ thống y tế của nước này kiệt quệ.
Thi thể nạn nhân Covid-19 đang được chuyển tới khu vực hỏa táng ở Kathmandu (Ảnh: Reuters). |
Sau khi dự một đám cưới vào giữa tháng 4 với gia đình, Dilli Raj Joshi bắt đầu bị đau đầu và sau đó là khó thở.
Gia đình đã đưa Joshi đến một bệnh viện, nơi anh được chẩn đoán mắc Covid-19 và viêm phổi. Khi tình trạng sức khỏe của Joshi xấu đi, các bác sĩ đề nghị chuyển anh đến một bệnh viện có giường điều trị tích cực và máy thở. Tuy vậy, dù gia đình vật lộn tìm kiếm suốt 3 ngày, họ vẫn không tìm được giường bệnh cho Joshi.
Ngày 6/5, Joshi qua đời. Anh chưa bao giờ nhận được sự chăm sóc y tế cần thiết để cứu lấy mạng sống của mình.
"Nếu chúng tôi tìm được một giường điều trị tích cực hoặc một máy thở, anh ấy có thể vẫn sống", Lekh Raj Joshi, em trai của Joshi, nói.
"Chúng tôi đã cố gắng hết sức, hỏi thăm cả các khu vực lân cận, gọi cho tất cả chính trị gia mà tôi biết nhưng vẫn không thể cứu được anh ấy", Lekh cho biết.
Các câu chuyện tương tự như vậy đã được đăng tải trên các phương tiện truyền thông Ấn Độ trong vài tuần qua, khi làn sóng Covid-19 thứ 2 khiến hệ thống y tế của nước này kiệt quệ. Nhưng câu chuyện lần này không xảy ra ở Ấn Độ. Joshi chết ở tây bắc Nepal.
Covid-19 càn quét Nepal
Quân đội Nepal chuyển thi thể nạn nhân Covid-19 trong mưa (Ảnh: Reuters). |
Theo Guardian, những cảnh tượng đáng báo động xảy ra tại Ấn Độ đang lặp lại trên khắp Nepal - quốc gia có tỷ lệ nghèo đói cao và có chung đường biên giới với 5 bang của Ấn Độ.
Khi Ấn Độ chống chọi với làn sóng Covid-19 thứ 2, hàng nghìn người tiếp tục tràn sang Nepal, trong đó có nhiều người được cho là đã mang theo virus và các biến chủng từng lây lan ở Ấn Độ. Dự kiến sẽ có thêm 400.000 lao động nhập cư quay trở lại, buộc giới chức Nepal phải vật lộn để sàng lọc và cách ly bắt buộc đối với nhóm người này.
Ở phía bắc Nepal, Trung Quốc ngày 10/5 tuyên bố sẽ thiết lập một "dải phân cách" trên đỉnh Everest để ngăn chặn sự lây lan Covid-19 từ những người leo núi. Khoảng 30 người gần đây đã được sơ tán khỏi đỉnh Everest ở Nepal sau khi xuất hiện các triệu chứng mắc Covid-19.
Nhiều người lo sợ rằng đã quá muộn cho Nepal để đối phó với làn sóng dịch bệnh. Tỷ lệ dương tính trong số các ca xét nghiệm Covid-19 của Nepal là 47% - một trong những tỷ lệ cao nhất trên thế giới. Các ca nhiễm đã tăng 1.200% trong những tuần gần đây.
Theo Reuters, tính đến ngày 12/5, Nepal ghi nhận hơn 413.000 ca nhiễm và hơn 4.000 ca tử vong vì Covid-19.
Cạn kiệt ôxy
Các bệnh nhân nằm chen chúc nhau bên cạnh các bình ôxy đặt trên sàn nhà do thiếu giường tại một bệnh viện ở Kathmandu, Nepal (Ảnh: Reuters). |
Tại thủ đô Kathmandu, các giường điều trị tích cực đã kín chỗ, còn các khoa điều trị bệnh nhân Covid-19 hoạt động hết công suất. Nhiều người đang chết vì không được cung cấp ôxy. Trên khắp Nepal, tình trạng thiếu ôxy ngày càng trầm trọng, một số thành phố thậm chí không còn ôxy tại bất kỳ bệnh viện nào.
Bác sĩ Ram Kumar Shrestha tại bệnh viện Karuna ở Kathmandu cho biết, bệnh viện đã ngừng tiếp nhận thêm bệnh nhân vì các phòng điều trị đã kín chỗ và liên tục hết ôxy. 35 bệnh nhân Covid-19 đang được thở ôxy liều cao có nguy cơ tử vong bất cứ lúc nào.
"Chúng tôi chỉ còn lượng ôxy dự trữ trong một giờ, chúng tôi đã cố gắng hết sức và không thể tìm ôxy thêm được nữa, đó là lý do chúng tôi ngừng tiếp nhận bệnh nhân mới", bác sĩ Shrestha cho biết.
"Trong 3 ngày qua, khoảng thời gian dài nhất mà tôi đã ngủ là 15 phút, việc quản lý ôxy rất khó khăn. Hầu như tất cả bệnh viện tư nhân đều đang phải đối mặt với tình trạng tương tự trong 4 ngày qua ở Kathmandu", bác sĩ Shrestha cho biết thêm.
Sushila Mishra Bhatt, phó thị trưởng thành phố Dhangadhi, cho biết tình hình cũng rất nghiêm trọng ở khu vực phía tây hẻo lánh của Nepal.
"Thiếu ôxy, không có giường bệnh, không có máy thở. Các bác sĩ phải khám cho bệnh nhân tại hành lang và trong lều", bà Bhatt nói.
Gaurab Sharda, chủ tịch hiệp hội các nhà sản xuất ôxy Nepal, cho biết nhu cầu ôxy đã tăng gấp 5 lần và mặc dù đã làm việc hết công suất nhưng vẫn không đủ để cung cấp ôxy.
"Các bệnh viện trước đây chỉ yêu cầu 20 bình ôxy mỗi ngày thì bây giờ yêu cầu 110 bình. Mặc dù chúng tôi đang sản xuất 8.000 bình mỗi ngày, nhưng nhu cầu vẫn cao", Sharda cho biết.
Kiểm soát được dịch?
Thủ tướng Nepal KP Sharma Oli nói rằng tình hình dịch Covid-19 "trong tầm kiểm soát" ở Nepal. Tuy nhiên, các quan chức chính phủ lại nói một câu chuyện hoàn toàn khác.
"Tôi đang ở trong tình huống hết hy vọng: nếu ai đó yêu cầu một chiếc giường, một bình dưỡng khí hay một máy thở, tôi không có câu trả lời", một quan chức từ Bộ Y tế và Dân số Nepal cho biết.
Người dân ở Kathmandu cũng bất bình với tuyên bố của Thủ tướng Oli.
"Làm sao thủ tướng có thể nói dịch đang trong tầm kiểm soát khi tôi phải mất 3 ngày mới tìm được giường bệnh", Baburaja Maharjan, người có anh rể cần điều trị tại bệnh viện ở Kathmandu, cho biết.
Các nhà sản xuất ôxy tại Nepal cho biết họ đã cảnh báo chính phủ từ một tháng trước rằng, tình trạng thiếu ôxy sắp xảy ra nếu đợt dịch thứ hai bùng phát mạnh như ở Ấn Độ, nhưng chính phủ không có sự chuẩn bị nào để tăng cường năng lực sản xuất ôxy của Nepal. Để đáp ứng nhu cầu, Nepal đang phải đưa bình ôxy từ Trung Quốc sang.
"Chúng tôi thiếu 20.000-25.000 bình ôxy. Tình hình không thể kiểm soát được… chúng tôi thiếu ôxy, giường, máy thở và rất khó quản lý", Tiến sĩ Samir Adhikari, người phát ngôn Bộ Y tế và Dân số Nepal, cho biết.
Các lò hỏa táng của Nepal đang hoạt động hết công suất. Lò hỏa táng điện gần đền thờ Pashupatinath ở Kathmandu đã được mở rộng sang khu đất mới gần bờ sông Bagmati.
Quân đội Nepal, lực lượng được giao nhiệm vụ quản lý thi thể nạn nhân Covid-19, cho biết số lượng thi thể hỏa táng đã tăng đáng kể trong tuần qua, với khoảng 100 thi thể mỗi ngày.
Người phát ngôn quân đội Nepal Shantosh Ballave Poudyal cho biết 127 thi thể đã được xử lý hôm 8/5, trong đó có 74 thi thể ở Thung lũng Kathmandu.
Các lò hỏa táng trở nên quá tải đến mức nhiều gia đình phải chờ 24 giờ đồng hồ để hỏa táng hoặc chôn cất người thân của họ. Do các thi thể được quân đội xử lý, nên các nghi thức tang lễ truyền thống cũng không thể thực hiện được.
Đứng xếp hàng để chờ chôn cất ông của mình - một người chết vì Covid-19, Sandhya Sitaula chia sẻ nỗi buồn khi gia đình cô không thể nói lời từ biệt "theo văn hóa" của người Nepal.
"Chúng tôi không thể chạm hay nhìn thấy ông. Tất cả đều được thực hiện bởi quân đội", Sitaula nói.
Theo dantri.com.vn
Liên kết website
Ý kiến ()