4
18
/
998140
Những ngư dân nặng nghĩa với biển khơi
longform
Những ngư dân nặng nghĩa với biển khơi

 

Cái lạnh nàng Bân cuối tháng ba kéo theo những cơn mưa phùn dầm dề, nhưng với ngư dân, thời tiết này rất thuận lợi để giong buồm ra khơi.

Chúng tôi may mắn gặp được anh Dương Văn Tập (khu 8, phường Phong Hải, TX Quảng Yên) ở bến đò Hà An ngay trước khi tàu chuẩn bị rời bến. Chuyến đi này, anh sẽ vươn khơi ra Hoàng Sa, Trường Sa để đánh bắt. Trái ngược với dáng người nhỏ con, làn da rám nắng, anh Tập có giọng nói sang sảng mà theo cách nói của anh là “ăn sóng nói gió quen rồi, không nói nhỏ được”.

Từ bến đò Hà An, chúng tôi đi đò ra tàu của anh Tập nằm bên kia bờ. Đứng ở bến đò nhìn ra, con tàu của anh Tập như con cá lớn, chờ được vùng vẫy nơi biển lớn. Mọi công việc chuẩn bị cho chuyến ra khơi lần này đều đã sẵn sàng. Ngồi trên con tàu khang trang vừa được sơn sửa còn thơm mùi sơn mới, anh Tập kể: Nghề ngư dân là truyền thống của gia đình. Từ ông bà, bố mẹ rồi đến anh và cả con anh nữa, cả 4 đời đều gắn bó với biển quê hương. Ngày xưa, tàu nhỏ, gia đình anh chỉ làm nghề chài lưới trên dòng sông Chanh chảy qua TX Quảng Yên, sau này gia đình gom góp đóng những con tàu lớn hơn, có điều kiện đánh bắt khắp Vịnh Bắc Bộ.

Ngày bé, anh nghe các ngư dân khác kể, ở ngoài khơi biển ta còn nhiều cá tôm, tàu lớn đi đến vùng Hoàng Sa, Trường Sa, khoang tàu luôn đầy ắp tôm cá. Nhưng “vùng biển hứa” Hoàng Sa, Trường Sa khi ấy chỉ có trong những câu chuyện kể của ngư dân truyền tai nhau. Vì từ Quảng Ninh, nếu không có tàu to thì không thể đến đó. Dù vậy, mong ước được giong buồm ra khơi, vẫy vùng nơi biển mặn cá đầy đã nhen nhóm trong tâm trí anh, trở thành khát khao của anh từ ngày ấy.

Khi trưởng thành, anh Tập vẫn đánh bắt trong vùng Vịnh Bắc Bộ, đổi qua nhiều đời tàu, đến năm 2013, anh vẫn gắn bó với chiếc tàu 320 CV. Đến năm 2014, khi có Nghị định số 67/NĐ-CP của Chính phủ, được sự động viên, quan tâm của lãnh đạo địa phương cùng các sở, ngành, anh mạnh dạn vay gần 17 tỷ đồng để đầu tư tàu cá 870 CV để vươn khơi. Năm 2015, nhận được con tàu mới, niềm vui nhân lên không kể xiết; quan trọng hơn là anh đã thực hiện được khát khao ngày bé, vươn khơi đến Hoàng Sa, Trường Sa.

Anh vẫn nhớ như in ngày đầu tiên được ra khơi đến Hoàng Sa, nhìn những con sóng đập vào thuyền rồi tung bọt nước lên cao trắng xóa. Biển cả sâu thăm thẳm, con tàu dũng mãnh vượt sóng cả ra khơi. Chuyến đi ấy cho anh nhiều trải nghiệm, những vùng biển vừa lạ lẫm vừa quen thuộc. Nhưng hơn tất cả, đó có lẽ là khát khao được chinh phục, được vẫy vùng trên vùng biển của quê hương, ở đó không chỉ có tôm cá, có ngư trường trù phú, mà còn cả trách nhiệm, niềm tự hào Tổ quốc.

“Ngoài lương thực, nước ngọt, dầu, đá lạnh…, mỗi chuyến đi tôi đều chuẩn bị một lá cờ thật chắc chắn để treo trên tàu. Đây là tín hiệu để các ngư dân nhận ra nhau, nhận ra tàu Việt Nam để yên tâm đánh bắt. Nơi đầu sóng ngọn gió, đôi khi chỉ nhìn thấy cờ Tổ quốc tung bay trên biển, cũng cảm thấy ấm lòng, lòng tự tôn dân tộc lại thôi thúc và hừng hực trong lồng ngực” - anh Tập kể.

Nhắc đến vùng biển của Tổ quốc, về Hoàng Sa, Trường Sa, tôi cảm nhận rõ giọng của anh Tập như nghẹn ngào. Vì với những ngư dân vươn khơi đến vùng địa đầu phía đông của mảnh đất hình chữ S này, hạnh phúc ra khơi đôi khi đơn giản với mực cá đầy lưới. Nhưng hạnh phúc lớn lao là được giương cờ Tổ quốc khắp ngư trường, được làm giàu trên chính vùng biển thiêng liêng.

Theo anh Tập đi biển, ngoài 6 thủy thủ còn có 2 người con trai. Cậu lớn năm nay 26 tuổi, cậu út vừa tròn 20. Khác với người anh đã dạn dĩ nắng gió, Dương Văn Quang, cậu con út của anh Tập, lại thích mày mò máy móc, điều khiển các thiết bị trên tàu. Nhắc đến người con út, anh Tập tự hào: “Bọn trẻ bây giờ học máy móc nhanh lắm. Các loại máy dò quét, liên lạc… chúng làm còn nhanh hơn tôi. Có các con đi theo, công việc của tôi nhàn hẳn, chỉ việc ngồi không chỉ đạo.”

Biết bố động viên mình, Quang khiêm tốn: “Em còn phải học hỏi nhiều lắm. Vì đi tàu không chỉ điều khiển mỗi máy móc. Chiếc tàu này gần 17 tỷ đồng, nợ nần nhiều, việc buôn bán đợt này không thuận lợi nên cũng khó khăn lắm chị ạ”.

20 tuổi nhưng Quang đã gắn bó với biển gần 10 năm. “Nhà em gần sông nên từ bé đã theo bố đi đánh bắt ở sông Chanh. Lớn lên em cũng chỉ học đến lớp 8 vì tàu của nhà cần người đi phụ. Dẫu biết bỏ học giữa chừng không hay, nhưng công việc gia đình thì phải theo…” - giọng Quang như trùng xuống.

Những người trẻ luôn có mơ ước của riêng mình. Quang kể cho tôi về lần đầu được theo bố đi đánh bắt ở Hoàng Sa, một không gian rộng lớn hơn rất nhiều so với Vịnh Bắc Bộ và cả con sông Chanh ngày bé của em. “Đi ra biển lớn mới thấy mình nhỏ bé. Em thích nhất những lúc nhìn thấy cá heo chạy theo thuyền, chúng thân thiện lắm. Hay có những đêm nằm trên khoang tàu chờ mực, nhìn trăng sáng vằng vặc, mới thấy biển quê mình bình yên và đẹp quá. Tuy nhiên, vài lần gặp tàu nước ngoài sừng sững như núi tảng đi qua, mình phải biết cách né, không gây va chạm. Em muốn sau này cũng đóng một chiếc tàu to như vậy. Em nghĩ, đã theo nghề đi biển, mình phải trở thành một ngư dân lão luyện, để tìm được vùng biển nhiều cá, mực, lần nào về bờ khoang cũng đầy ắp”.

Nghe con trai tâm sự, anh Tập chỉ cười. Tuổi trẻ có nhiều khát vọng, ngày trẻ anh cũng vậy. Và bây giờ anh thấy ánh mắt cậu con trai cũng giống như anh ngày xưa. Điều ấy khiến anh thêm càng thêm hạnh phúc và tự hào.

Hầu hết, ở các vùng biển, ngư nghiệp được truyền từ đời này qua đời khác. Vị mặn mòi của biển đã thấm vào da thịt, hồn cốt của người dân nơi đây…

Gắn bó với nghề đi biển cũng ngót 20 năm, anh Đỗ Văn Thuyết (thôn 8, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn) giờ là một ngư dân sở hữu chiếc tàu cá hơn 400 CV. Anh chào đời khi bố mẹ đang giong thuyền ra khơi, anh sinh ra ngay trên một ghe thuyền ở vùng biển Minh Châu (huyện Vân Đồn). Tắm nước biển từ khi mới lọt lòng, vì vậy khi trưởng thành, anh chọn nối nghiệp cha.

Tôi gặp anh khi tàu vừa về bến được 2 ngày. Bây giờ đang mùa vụ cá Bắc, thời tiết cuối tháng hai âm lịch khá thuận lợi, cộng thêm giá dầu rẻ, phần lớn ngư dân đều tranh thủ ra khơi. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh khiến việc tiêu thụ khó khăn nên anh quyết định “lên đà” (đưa tàu lên bờ) để sửa sang tàu.

Nhìn chiếc tàu cá hơn 400 CV nằm sừng sững trên bờ sau chuyến đi dài ngày, tôi chợt nhớ đến những câu thơ trong bài thơ “Quê hương” của Tế Hanh khi kể về cuộc sống của ngư dân vùng biển: “Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm/ Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ...”. Đối với ngư dân, những con tàu này không chỉ là phương tiện, mà còn gắn bó như một thành viên trong gia đình. Mỗi năm, các ngư dân lại “lên đà” 3-4 lần để sửa chữa tàu.

Nhìn ngắm con tàu gắn bó với mình bao năm, anh Thuyết xúc động: “Chiếc tàu này đã được hơn 20 năm, là cả gia tài khi tôi mới chuyển từ đảo Minh Châu vào đất liền, trải qua bao sóng gió, theo tôi khắp Vịnh Bắc Bộ. Tàu này đánh mực là chủ yếu, nên tôi phải trang bị trên 100 chiếc bóng đèn led, trị giá khoảng 200 triệu đồng. Con tàu này đã nuôi sống cả gia đình, nên mình cũng phải chăm lại nó, từng vết hà đục cho đến các đoạn rạn nứt, đều phải làm rất cẩn thận”. Nói rồi anh Thuyết đi một vòng để kiểm tra tàu, chỉ bảo tận tình cho công nhân sửa.

Gia đình anh Thuyết có 3 anh em trai thì cả 3 đều gắn bó với nghề ngư. Theo cha đi đánh bắt từ nhỏ, anh Thuyết đã thông thuộc từng rạn san hô, hiểu các đặc tính của từng loài cá, từng khu vực biển.

"Ngày xưa đi biển cực lắm, ngư cụ đánh bắt đơn sơ, thức ăn thiếu thốn, không có máy dò cá hay la bàn, định vị mà chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. Ban ngày thì nhìn vào hướng mặt trời, hướng gió để di chuyển thuyền, bè; còn về đêm nhìn trăng sao để xác định phương hướng. Nhưng được cái biển lắm cá. Hồi đó, tôi chỉ cần nhìn lên sao trời, nhìn xuống sóng biển là có thể đoán được hướng cá, biết vùng biển đó có cá gì để thả mồi câu. Giờ đây dù phương tiện tàu thuyền có vững chắc hơn, có phương tiện thông tin liên lạc hiện đại hơn, nên mỗi chuyến đi biển đều rất an tâm” - anh Thuyết kể.

Dù đã hơn 20 năm đi biển nhưng anh Thuyết bảo "vẫn chưa thể hiểu nổi biển". Bằng kinh nghiệm cũng không thể đoán trước. Nếu năm trước, sau Tết mặt nước êm ả, ít sóng, thì năm nay chưa chắc sẽ như vậy. Trong khi dịch Covid-19 đang hoành hành khiến ngư dân cũng không thể tiêu thụ được hàng hóa, giá cả giảm đến một nửa. “Chỉ mong dịch bệnh chóng qua, hàng hóa thông thương trở lại để người dân phấn khởi làm ăn. Chúng tôi bám biển quen rồi, dù mỗi chuyến ra khơi là đặt cược cả tính mạng…”.

Nhưng từ bao đời nay, ngư dân Quảng Ninh chưa bao giờ ngưng việc đi biển. Bởi biển là nguồn sống của gia đình họ, là ngôi nhà thứ hai. Và hơn hết, đó chính là quê hương, là trọng trách và nhiệm vụ của mỗi người dân đất Việt, như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Ngày trước, ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải giữ gìn lấy nó".

Quảng Ninh có bờ biển dài 250km, diện tích mặt biển trên 6.000 km2. Vùng biển Quảng Ninh - Hải Phòng được xác định là một trong 4 ngư trường trọng điểm của cả nước. Vì vậy, từ lâu, ngư nghiệp đã gắn bó với nhiều người dân Quảng Ninh và trở thành nét văn hóa đặc sắc.

Năm 1955, Vùng mỏ được giải phóng. Tuy nhiên, cuộc sống khi ấy còn nhiều khó khăn, trong đó có các làng cá. Làng cá từ sau chiến tranh đều tiêu điều, thuyền lưới cũ nát, người nghèo không có tiền sửa chữa; ngư dân thiếu thuyền, thiếu lưới để sản xuất.

Ngày 28/2/1963, Ban Thường vụ Khu ủy Hồng Quảng họp hội nghị bàn xây dựng đoàn tàu đánh cá. Ngành Thủy sản đã đóng thuyền mới với phương châm đẩy mạnh, phát triển nghề khơi. Bên cạnh đó, chỉ đạo ngân hàng cho ngư dân vay vốn sản xuất nên đánh bắt cá tăng nhanh. Đồng thời, tỉnh thành lập đội đánh cá quốc doanh đánh bắt bằng phương tiện bán cơ giới với đội thuyền 60 tấn 180 mã lực. Đến năm 1967, ngành Thủy sản Quảng Ninh là lá cờ đầu toàn miền Bắc.

FotoJet (3).jpg

Trải qua cuộc chiến tranh chống Mỹ, nghiệp đoàn nghề cá luôn sẵn sàng chi viện cho tiền tuyến lớn, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Các đơn vị hải đội, hải đoàn nghề cá sẵn sàng tham gia chiến đấu, ứng phó kịp thời với mọi tình huống xảy ra.

Nghề cá Quảng Ninh được sự quan tâm to lớn của các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Chính Phủ. Nhân dân Quảng Ninh nói chung và ngư dân nói riêng vinh dự được đón Bác Hồ và các lãnh đạo đến thăm và động viên.

Đặc biệt, Nghị quyết số 09-NQ/TW (ngày 9/2/2007) về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” đã xác định: “Nước ta phải trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển trên cơ sở phát huy mọi tiềm năng từ biển, phát triển toàn diện các ngành, nghề biển với cơ cấu phong phú, hiện đại, tạo ra tốc độ phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả cao với tầm nhìn dài hạn”.Thời kỳ đổi mới, từ năm 1986, ngành Thuỷ sản tích cực sản xuất nhiều hàng thủy sản tươi sống, phục vụ khu mỏ và tăng cường xuất khẩu; quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng, Nhà nước về Chiến lược biển Việt Nam, Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam, để khai thác, phát huy hiệu quả những tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên cho phát triển kinh tế thủy sản gắn với củng cố quốc phòng an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia trên biển.

Những quan điểm, chủ trương đó đã định hướng, tạo những điều kiện nền tảng để phát triển kinh tế thuỷ sản của tỉnh tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Từ định hướng ấy, ngày 6/5/2014 Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU về phát triển kinh tế thủy sản tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-TU, toàn tỉnh tích cực triển khai cơ cấu lại nghề khai thác thủy sản, những nghề mang tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản, ảnh hưởng đến môi trường đều bị cấm và hạn chế sử dụng (như xung điện, lặn, hóa chất, te xiệp, lưới kéo...). Những nghề chài chụp kết hợp ánh sáng, câu đang được khuyến khích phát triển. Việc bảo quản sản phẩm được ngư dân áp dụng công nghệ trong bảo quản sản phẩm khai thác nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Do vậy đội tàu khai thác thủy sản của tỉnh có thể đi ra các ngư trường xa, bám biển dài ngày hơn.

Đặc biệt, ngành Nông nghiệp tỉnh đã triển khai hiệu quả Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản. Đến nay, tỉnh Quảng Ninh có 13 chủ đầu tư đóng mới, nâng cấp tàu cá với tổng số tiền đầu tư là trên 163,6 tỷ đồng.

Các tàu cá được đóng theo chính sách tín dụng của Nghị định số 67-NĐ/CP có kích thước và công suất máy lớn, được trang bị trang thiết bị hiện đại, an toàn hơn cho ngư dân khi khai thác hải sản trên biển. Trong 12 tàu đóng mới thì có 8 tàu vỏ thép, 4 tàu gỗ, bao gồm 11 tàu làm nghề lưới chụp, 1 tàu làm nghề lưới rê. Các chủ tàu được vay vốn đóng mới tàu cá đều là những người có kinh nghiệm, tâm huyết với nghề khai thác hải sản, đảm bảo vận hành tốt tàu cá đóng mới trong quá trình hoạt động sản xuất.

Từ khi được bàn giao tàu, các chủ tàu đều tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi đưa tàu đi sản xuất, một năm từ 10-28 chuyến đi biển tuỳ theo mùa vụ, điều kiện thời tiết. Một số chủ tàu đã mở rộng ngư trường khai thác vào vùng biển phía Nam, ngoài vùng biển truyền thống quanh đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô.

Theo ông Nguyễn Văn Công, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, giai đoạn 2013-2019 sản lượng khai thác tăng liên tục qua các năm. Năm 2013 đạt 53.343 tấn, đến năm 2019 đạt 67.363 tấn, bằng 112% so với mục tiêu Nghị quyết đề ra cho năm 2020 là 60.000 tấn. Sản lượng tăng nhờ cơ cấu tàu cá chuyển dịch theo xu hướng giảm số lượng tàu cá hoạt động tại vùng biển ven bờ, tăng tàu cá có công suất lớn hoạt động xa bờ với trang thiết bị hiện đại, áp dụng khoa học công nghệ, phương thức khai tác hợp lý nên năng suất khai thác cao hơn.

Bên cạnh việc triển khai hiệu qủa các chương trình phát triển ngư nghiệp, tỉnh còn quan tâm đến công tác đào tạo nghề cho ngư dân trên địa bàn. Với các ngành nghề như: Điều khiển phương tiện thuỷ nội địa; sửa chữa động cơ tàu thuyền; thuyền trưởng, máy trưởng phương tiện thuỷ nội địa… Từ năm 2010 đến nay, các địa phương trong tỉnh và Sở LĐ-TB&XH đã tổ chức được 6 lớp đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng phương tiện thuỷ nội địa cho gần 300 học viên tại các TP Móng Cái, TP Uông Bí, huyện Vân Đồn; tổ chức được 5 lớp điều khiển phương tiện thuỷ nội địa tại TP Móng Cái, TX Quảng Yên cho trên 150 học viên và tổ chức được 1 lớp đào tạo sửa chữa động cơ tàu thuyền tại TP Móng Cái cho 26 học viên.

Qua các lớp đào tạo nghề, ngư dân sẽ được trang bị vốn kiến thức cơ bản phục vụ quá trình khai thác hải sản: Trang bị kiến thức về kỹ năng lái tàu, tìm hiểu ngư trường khai thác, cách khắc phục, sửa chữa máy tàu khi gặp sự cố; các quy định của pháp luật khi tham gia hoạt động khai thác trên biển; cách cứu hộ, cứu nạn trên biển; cách điều khiển tàu chạy tránh bão, phương cách bảo quản hải sản an toàn.

Đằng sau ngư dân vẫn luôn có những “hậu phương” vững chắc. Những chính sách, chương trình hỗ trợ chính là động lực để ngư dân vững tâm vươn khơi bám biển. Vì dù trải qua bao sóng gió, với những người ngư dân, "Biển lại hát tình ca, biển kể chuyện quê hương" như những ca từ tươi đẹp trong bài “Biển hát chiều nay” của nhạc sĩ Hồng Đăng…

Thực hiện: Hoàng Quỳnh

Trình bày: Đỗ Quang 

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu