Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 21:40 (GMT +7)
Những người cứu hộ trên biển
Thứ 3, 27/04/2021 | 07:42:43 [GMT +7] A A
Nhiều năm nay, ngư dân trên vùng vịnh Hạ Long đã quen với hình ảnh những con tàu cứu hộ, cứu nạn luôn trực sẵn ở bến 24/24h, khi có lệnh là lập tức rẽ sóng ra khơi.
Tàu cứu hộ liên ngành 14-41-89 trên vịnh Hạ Long. |
Tàu là nhà, đồng đội là anh em
Chúng tôi gặp những người lính trong trang phục rằn ri chuyên dụng cho những chuyến cứu người, xử lý sự cố trên biển, trên chiếc tàu mang số hiệu 14-41-89, tại bến Tuần Châu. Đó là con tàu có nhiệm vụ vô cùng thiêng liêng, góp phần quan trọng vào sự bình yên trên vịnh Hạ Long.
Thành lập ngày 26/4/2017, theo Quyết định số 1292/QĐ-UBND của UBND tỉnh, Đội liên ngành thường trực cứu hộ, cứu nạn trên vịnh Hạ Long có chức năng, nhiệm vụ canh trực, tuần tra, phát hiện, xử lý kịp thời những sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong phạm vi địa bàn vịnh Hạ Long.
Thượng úy Lê Minh Tuấn, Đội trưởng đội liên ngành thường trực cứu hộ, cứu nạn trên vịnh Hạ Long cùng các đồng đội trên tàu 14-41-89. |
"Tàu 14-41-89 với biên chế 10 người, anh em từ các đơn vị khác nhau (Bộ CHQS tỉnh, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, Công an tỉnh, BQL Vịnh Hạ Long), sống như một gia đình, tất cả mọi ăn uống, sinh hoạt đều trên tàu… Con tàu này dường như đã trở thành ngôi nhà thứ hai của chúng tôi" - Thượng úy Lê Minh Tuấn, Đội trưởng Đội liên ngành thường trực cứu hộ, cứu nạn trên vịnh Hạ Long, chia sẻ.
Theo thượng úy Lê Minh Tuấn, công việc cứu hộ luôn phải thường trực 24/24h, khi có lệnh, bất kể thời tiết thế nào đều phải lên đường. Đối mặt với sóng gió khi thời tiết xấu, điều làm những người lính này lo lắng nhất là không cứu được người gặp nạn.
Lực lượng liên ngành họp bàn phương án cứu hộ. |
“Làm công việc này, chúng tôi luôn xác định phải tìm cách tới được khu vực người gặp nạn nhanh nhất có thể, bởi chỉ cần nhanh hơn một vài giây thôi, sẽ có cơ hội cứu được nhiều người hoặc cứu được một con tàu đang có nguy cơ chìm đắm. Dù đã thông thuộc địa hình nên thời gian di chuyển đến khu vực tàu hoặc người gặp nạn khá nhanh, thế nhưng việc tìm kiếm luôn được ưu tiên trước rồi mới đến cứu nạn, nếu không tìm được nạn nhân thì không biết bao giờ mới hoàn thành nhiệm vụ” - Thượng úy Tuấn tâm sự.
Xuồng cứu nạn của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an tỉnh) luôn thường trực sẵn sàng lên đường cứu nạn, cứu hộ trên biển. |
Cũng nằm trong khu vực bến Tuần Châu, luôn phối hợp chặt chẽ với lực lượng liên ngành, Đội PCCC&CNCH trên sông biển, thuộc Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an tỉnh) cũng thường trực 24/24h, với lực lượng và phương tiện được huấn luyện thuần thục, phục vụ chữa cháy và cứu nạn trên biển. Thiếu tá Phạm Thái Sơn, Đội trưởng Đội PCCC&CNCH trên sông biển, cho biết: Đều thuộc lực lượng liên ngành đảm bảo an toàn vùng biển, bất kể là tàu nào, khi nhận được tin báo sự cố đều ngay lập tức thông tin cho nhau, khẩn trương điều xuồng và tàu cứu hộ lên đường đến hiện trường, kịp thời ứng cứu.
Coi ngư dân như người thân
Báo cáo của tỉnh những năm gần đây cho thấy, từ năm 2018 đến nay, số vụ tai nạn trên vịnh Hạ Long đã giảm đáng kể, nhất là từ đầu năm 2021 đến nay, hầu như không ghi nhận vụ việc liên quan đến sự cố trên vịnh. Đó là kết quả của quá trình tuyên truyền, vận động từ các lực lượng chức năng, cũng như sự chủ động của các lực lượng liên ngành.
Ngư dân Bùi Văn Ngọc được lực lượng liên ngành tuyên truyền công tác an toàn trên biển. |
"Chúng tôi tranh thủ mọi lúc, mọi nơi để trò chuyện, chia sẻ, rồi tuyên truyền cho người dân, cách truyền đạt làm sao cho họ dễ hiểu, dễ nghe, dễ tiếp thu nhất, bởi nếu giáo điều quá, dùng những lời lẽ xa vời thì họ không muốn nghe, rồi cố tình không làm theo, ảnh hưởng rất lớn đến sự an toàn của chính bản thân họ, cũng như hình ảnh du lịch Hạ Long" - Thượng úy Tuấn cho biết.
Một con tàu đánh cá cặp vào mạn tàu cứu hộ trong một ngày thảnh thơi, ông Bùi Văn Ngọc, chủ tàu cá nói: Sống lâu năm trên những con tàu cá, chứng kiến biết bao câu chuyện, giờ đây chúng tôi chẳng ai bảo ai, nhưng đều ngầm hiểu, mỗi khi tàu cứu hộ liên ngành và tàu chữa cháy còn nằm trong bến, là khi ấy biển bình an...
CBCS Đội Cảnh sát PCCC&CNCH trên sông, biển (Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh) thường xuyên luyện tập nghiệp vụ, thuần thục kỹ năng cứu nạn, cứu hộ. |
Cũng giống như những ngư dân khác, ông Ngọc thường xuyên được lực lượng cứu hộ tuyên truyền, vận động, để rồi dần hình thành thói quen, thay đổi nhận thức. "Trước kia, chúng tôi luôn có tư tưởng bám trụ lại tàu, bảo vệ tài sản mỗi khi sóng to gió lớn. Thế nhưng giờ đây, nhờ sự nhiệt tình của các lực lượng chức năng trong việc vận động, chúng tôi sớm đưa tàu thuyền đi tránh trú bão, bảo đảm an toàn mỗi mùa mưa bão. Trước mỗi chuyến đi biển, chúng tôi cũng kiểm tra, bảo dưỡng phương tiện và đi đúng lạch, đúng tuyến. Mình chẳng làm được gì, nhưng bảo vệ sự an toàn của mình và gia đình giữa biển khơi, cũng chính là một cách để tỏ lòng cảm ơn những người lính cứu hộ. Chúng tôi thường bảo nhau như thế" - Ông Ngọc chia sẻ.
Nỗ lực của những người làm công tác cứu hộ trên biển dường như đã được đền đáp xứng đáng. Đã có sự thấu hiểu, thay đổi trong tư duy, nhận thức và hành động của chính những ngư dân quanh năm bám biển. Điều này có được khi chính những ngư dân cảm nhận được sự hy sinh của các lực lượng dành cho mình. Nhờ thế mà, "thi thoảng bà con ghé tàu, cho mớ cá vừa đánh lưới còn tươi rói, hay kể vài ba câu chuyện sau chuyến đi biển dài ngày, chỉ vậy thôi cũng khiến anh em cảm thấy ấm lòng, tiếp tục nỗ lực vì sự bình yên của vùng vịnh" - Thượng úy Tuấn cho biết.
CBCS Đội Cảnh sát PCCC&CNCH trên sông, biển (Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh) thực tập sơ cứu người bị nạn. |
Nỗ lực vượt mọi khó khăn
Phải thực sự yêu nghề mới bám trụ được với công việc vô cùng khó khăn, vất vả này. Vốn gắn bó với nhiệm vụ kiểm soát quân sự trên biển, có lẽ chính sự am hiểu sông nước, thông thuộc luồng lạch là lợi thế rất lớn của thượng tá Nguyễn Văn Sơn khi đảm nhận nhiệm vụ Thuyền trưởng tàu 14-41-89.
“Năm 2018 tôi về công tác tại Đội liên ngành, khi đó đội mới thành lập được khoảng 1 năm, nhưng con tàu này đã làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn từ rất lâu rồi. Trải qua nhiều năm lênh đênh làm nhiệm vụ bảo đảm ANTT trên biển, tôi luôn nói với anh em, công việc này chắc chắn vất vả và nguy hiểm. Đi làm trong những điều kiện khó khăn đôi khi cần người thuyền viên bền ý chí, có sức khỏe dẻo dai hơn là cơ bắp” - Thượng tá Sơn chia sẻ.
Các CBCS Đội liên ngành thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng thiết bị, dụng cụ, phương tiện. |
Suốt những năm tháng gắn bó với con tàu 14-41-89, 2 vụ việc khiến thượng tá Sơn không thể quên đều diễn ra vào mùng 1 Tết.
Ngày 1/1/2020 (Tết Dương lịch), một tàu chở cát, sỏi của người dân gặp nạn do bị đá ngầm chọc thủng, tàu có nguy cơ chìm. Nhận được tin báo, tàu 14-41-89 lập tức lên đường. Thế nhưng, khi tiếp cận tàu bị nạn, 2 máy bơm hoạt động liên tục khoảng 5 tiếng mà vẫn không hiệu quả, nước cứ rút lại đầy ngay, bởi vết bục do đá ngầm đâm thủng có đường kính khoảng 20cm. Việc vá tàu dưới nước gặp rất nhiều khó khăn, chỉ một mình anh Đinh Khắc Dông (cán bộ BQL Vịnh Hạ Long, thành viên Đội liên ngành) là người có nghiệp vụ lặn thực hiện, những người còn lại hỗ trợ ở phía trên. Sau 1 tiếng gắn vá, 3 máy bơm hoạt động liên tục mới bơm hết nước của tàu gặp nạn, cuộc cứu hộ thành công.
Biển lặng sóng, người đi biển bình an, đó là nỗi mong mỏi của thượng tá Nguyễn Văn Sơn, Thuyền trưởng tàu 14-41-89 cùng đồng đội. |
Cũng năm đó, vào đúng mùng 1 Tết Nguyên đán, một sự cố xảy ra, lần này là đối với người chứ không phải tàu, chỉ một thợ lặn của Đội liên ngành không thể tìm kiếm được nạn nhân trong khu vực vịnh mà nước lên xuống liên tục, đã đẩy nạn nhân đi quá xa. Khi ấy, phải huy động đội thợ lặn chuyên nghiệp và phải mất 2 ngày liên tục mới tìm kiếm được thi thể nạn nhân đưa vào bờ.
Đó cũng là khó khăn đối với những người lính cứu hộ. Việc tìm kiếm mông lung, đôi khi là vô vọng trong điều kiện sóng biển có thể đẩy nạn nhân đi cách xa khu vực gặp nạn. Trong khi đó, mặc dù thông thuộc địa hình, nhưng cũng có những lần phải đi vòng rất xa mới tìm được vị trí cứu nạn ở rất gần. Đó là bởi sự khác biệt trong cách gọi địa danh của người dân. Đôi khi họ gọi theo cách truyền miệng trong dân gian mà không có trong hải đồ, gây khó khăn cho lực lượng tìm kiếm cứu nạn.
Chiến sĩ Vi Hồng Sơn, Đội PCCC&CNCH trên sông biển, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an tỉnh) luôn chuẩn bị sẵn sàng cho công việc. |
21 tuổi, chiến sĩ Vi Hồng Sơn, Đội PCCC&CNCH trên sông biển, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an tỉnh), sau gần 3 năm thực hiện nghĩa vụ Công an, đã có gần 1 năm gắn bó với công tác cứu nạn, cứu hộ trên biển. Chứng kiến những cuộc tìm kiếm cứu nạn vô cùng vất vả, gian nan, các chiến sỹ trẻ như càng thấy trân quý công việc này, cố gắng để hỗ trợ kịp thời nhất cho người dân.
Tuy gặp nhiều khó khăn vất vả là vậy, song những người lính cứu nạn vẫn có những niềm vui trong công việc. Đó là niềm vui khi cứu được các nạn nhân, đưa họ đến nơi an toàn. Khi đó bao khó khăn, áp lực dường như được trút bỏ. Chẳng cần gì cao sang, điều mà những người lính cứu nạn này hướng đến đơn giản là hoàn thành nhiệm vụ, bỏ lại sau lưng mọi khó khăn chờ họ nơi biển khơi.
Các CBCS sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ. |
Tất cả là nhiệm vụ, khó khăn đến đâu cũng phải tự khắc phục, dấn thân. Bởi sự an toàn của người dân, du khách; sự bình yên của vùng vịnh, của biển cả, chính là nỗi mong ngóng hằng ngày, hằng giờ, là tâm niệm của những người làm công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển.
Hằng Ngần
Liên kết website
Ý kiến ()