Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 13:48 (GMT +7)
Những người "giữ lửa" văn hóa truyền thống
Chủ nhật, 03/10/2021 | 07:59:35 [GMT +7] A A
Có những giá trị văn hóa một thời tưởng như mai một, nhưng nhờ sự vào cuộc của những người cao tuổi bảo tồn và truyền bá, những giá trị văn hóa đó đã sống lại trong cộng đồng.
Khoảng từ năm 2018 trở về trước, ít ai nghĩ rằng trên địa bàn huyện Ba Chẽ từng có nghi lễ nhảy lửa. Thế nhưng gần đây tại các lễ hội trên địa bàn huyện như Lễ hội Bàn Vương, Hội Trà hoa vàng hay Lễ hội Miếu Ông - Miếu Bà, nghi lễ nhảy lửa đã gây ấn tượng với nhiều du khách và người dân địa phương. Đây là nghi lễ được huyện Ba Chẽ khôi phục lại từ cuối năm 2019 tại xã Đồn Đạc và UBND xã Đồn Đạc đã thành lập CLB Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Dao Thanh Phán gồm có 14 thành viên. Những người có công khôi phục nghi lễ này phải kể đến các ông Chíu Thanh Xuân, ông Triệu Xuân Hồng đều là những người cao tuổi. Các ông đã cất công lên tận tỉnh Hà Giang để học lại nghi lễ nhảy lửa để về phát triển ở địa phương và truyền lại cho con cháu mai sau.
Ở thôn Nam Hả Trong, xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ có ông Hà Xuân Tiến, 77 tuổi được Hội Văn nghệ dân gian Quảng Ninh trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Dân gian Việt Nam năm 2019, vì đã có nhiều công bảo tồn văn hóa Dao. Tính đến nay, ông Tiến đã chép được 574 quyển sách lớn nhỏ với gần 16.000 trang. Các cuốn sách này, cũng được ông chuyển đến cho các học trò của ông ở huyện Ba Chẽ và các xã Yên Than, Hải Lạng (Tiên Yên), xã Bằng Cả (TP Hạ Long)... để họ phát triển văn hóa Dao ở các vùng miền khác. Từ năm 2004 đến nay, ông Tiến còn tham gia giảng dạy nhiều lớp tiếng Dao cho cộng đồng để nhiều người biết tiếng Dao, giúp cho công tác bảo tồn văn hoá được tốt và thuận lợi hơn. Ông còn tự sáng tác các bài hát đối với nội dung ca ngợi quê hương, đất nước, ca ngợi Ba Chẽ đổi thay từ xây dựng nông thôn mới; đứng ra tổ chức các đêm văn nghệ mang tên “Tiếng hát người Dao” tại xã Nam Sơn, đem hát đối người Dao đi dự các cuộc liên hoan văn nghệ người cao tuổi huyện tỉnh.
Nghệ nhân Lỷ A Sáng, 77 tuổi ở xã Đại Dực (Tiên Yên) được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân dân gian Việt Nam” năm 2014 vì đã có công thực hành truyền dạy nghi lễ cầu mùa, cầu an dân tộc Sán Chỉ. Trước đây, có thời hát Soóng cọ tưởng như bị mai một, thì ông Sáng cũng rất tích cực tìm cách bảo tồn nó. Ông đã thành lập một tổ văn hóa dân gian gồm 9 người ở xã Đại Dực. Các thành viên của Tổ Văn hóa dân gian này được ông Sáng truyền dạy chữ viết, các điệu múa đặc trưng của dân tộc, nghệ thuật điều hành, thực hành lễ cầu mùa của người Sán Chỉ và hát soóng cọ. Đội Văn hóa của ông đã đi biểu diễn văn nghệ trong các lễ hội văn hóa của xã và sang giao lưu với cả các xã bạn, họ còn tham gia cả trong Lễ hội Carnaval của tỉnh.
Ở xã Quảng Sơn (Hải Hà), nhiều người nhắc đến bà Dường Chống Sếnh, 73 tuổi là người có công lớn trong việc truyền dạy cho lớp trẻ biết thêu thùa và không quên đi bản sắc của dân tộc mình. Bà Sếnh đã được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam trao tặng bằng danh hiệu “Nghệ nhân Dân gian Việt Nam” năm 2013 và Bộ VH – TT&DL công nhận là “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ nhất năm 2015.
Bà Sếnh thường được mời giảng dạy ở các lớp dạy thêu truyền thống do huyện Hải Hà và xã Quảng Sơn tổ chức. Ngoài truyền thụ ở lớp học, hàng ngày có ai đó muốn đến học nghề thêu truyền thống, bà Sếnh sẵn sàng, tận tình dạy thêu từng nét hoa văn kỹ lưỡng. Với mong muốn của bà, con cháu đừng quên cái nghề mang nét văn hóa mà cha ông đã mất bao công mới có được, để khi nhìn vào những bộ quần áo, người ta biết được đây là phụ nữ Dao rồi. Nhờ công lao không nhỏ của bà, mà bây giờ 100% phụ nữ người Dao ở Quảng Sơn đều biết thêu những bộ quần áo truyền thống cho mình.
“Tuổi cao chí càng cao”. Những người cao tuổi ở khắp nơi trên địa bàn tỉnh, dù ở những bản làng xa xôi họ vẫn giữ trong mình những giá trị văn hóa, để rồi lưu truyền cho con cháu mai sau nhớ mãi những giá trị truyền thống của cha ông mình.
Anh Vũ
Liên kết website
Ý kiến ()