Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 02:39 (GMT +7)
Những người “lái đò” thầm lặng
Thứ 3, 01/11/2022 | 08:26:28 [GMT +7] A A
Sinh thời, chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm tới những người làm công tác giáo dục, đặc biệt là các thầy, cô giáo trực tiếp truyền bá kiến thức, kỹ năng và đạo đức cho học sinh. Đánh giá rất cao những người làm công tác giáo dục, Người từng nói: “Nhà giáo là tấm gương cho nhân dân, cho thế hệ trẻ của đất nước noi theo”. Thực hiện lời dạy đó, thầy cô - những người “lái đò” tận tụy trên chuyến hành trình tri thức nỗ lực cống hiến sức lực, trí tuệ của mình, phấn đấu không mệt mỏi, vượt qua khó khăn, dẫn dắt bao thế hệ học trò cập bến bờ tương lai, đi đến những chân trời rộng mở, mở ra cả hoài bão, ước mơ cho bao thế hệ. Bằng một trái tim yêu nghề, yêu đời, yêu người, họ đã sống hết mình với nghề giáo.
25 năm gắn bó với mái trường vùng cao
Cô giáo Nguyễn Thị Mai, SN 1976, quê ở thị trấn Ba Chẽ (huyện Ba Chẽ). Năm 1997, sau khi học xong hệ trung cấp 9+3 Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Ninh cũ (nay là Trường Đại học Hạ Long), cô về nhận công tác tại Trường Tiểu học Đạp Thanh, xã Đạp Thanh.
Từ đó đến nay đã 25 năm, cô gắn bó với ngôi trường vùng cao nơi đây. Thâm niên 25 năm gắn bó với nghề “lái đò”, cô đã dạy gần chục điểm trường lẻ của Trường, có điểm trường cách trung tâm xã Đạp Thanh hơn 10 cây số, đường sá đi lại vô cùng khó khăn, gian nan, vất vả. Thời kỳ đó với bao vất vả thăng trầm, đồng lương ít ỏi, để giữ cho được tấm lòng trọn vẹn với nghề thật không dễ dàng.
Dáng người nhỏ nhắn, cộng với sự năng nổ nhiệt tình của tuổi trẻ khi đó, cô đã nhanh chóng chiếm được cảm tình của các em học sinh và đồng nghiệp. Nhớ lại những ngày đầu lên Đạp Thanh nhận công tác, cô giáo Nguyễn Thị Mai bồi hồi, xúc động nói: Những năm 1997, 1998, việc dạy học của chúng tôi rất vất vả, gian khó. Quá trình đi dạy ở các điểm lẻ hầu hết chúng tôi phải đi bộ, lội sống suối, những ngày mưa lũ tràn suối là không về điểm trung tâm được. Cũng vì đường sá khó đi mà phải 3-4 tháng chúng tôi mới về thị trấn một lần, phải nhờ xe tải chở gỗ của dân đi buôn.
Xác định việc nâng cao trình độ chuyên môn là điều kiện quan trọng để đổi mới, đáp ứng yêu cầu dạy học, trong quá trình công tác tại Trường Tiểu học Đạp Thanh, cô giáo Nguyễn Thị Mai vẫn kiên trì đi học thêm vào các dịp hè, thậm chí khi lập gia đình và có con nhỏ, cô vẫn không nản lòng. Suốt những năm từ 1997 đến 2004, cô học lên hệ trung cấp 12+2, hệ cao đẳng rồi hệ đại học của Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Ninh. Quãng đường đi từ xã Đạp Thanh đến TP Uông Bí dù xa xôi, mất nhiều thời gian nhưng cô đều cố gắng hoàn thành.
Tiếp xúc với Cô giáo Nguyễn Thị Mai, chúng tôi nhận ra cô là một giáo viên giản dị, vô cùng gần gũi, tính tình cô thân thiện, trên môi luôn nở nụ cười, ngày ngày tới trường trên chiếc xe máy cũ. Dòng đời dù biết bao thay đổi nhưng với cô được đến lớp mỗi ngày, được dạy chữ, dạy học trò nên người, đó là hạnh phúc. Hạnh phúc đó đã gắn với cô giáo Mai suốt mấy chục năm qua.
Nhận xét về cô giáo Mai, thầy giáo Hoàng Văn Ngư, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đạp Thanh, cho biết: Cô giáo Mai là một nhà giáo rất tận tụy, yêu thương học sinh vùng cao nơi đây hết mực. Ở xã, hơn 98% học sinh là người DTTS, chủ yếu là Dao, Sán Chay, Tày, thế nên bố mẹ thường xuyên đi rừng, làm nương, ít quan tâm con cái. Vì thế, những năm trước, cô giáo Mai cùng các đồng nghiệp đã phải rất vất vả, nỗ lực để huy động học sinh ra lớp. Sự tận tụy của cô đã được phụ huynh ghi nhận, học trò yêu mến.
Sống hết mình với nghề giáo
Giống như cô giáo Mai, cô giáo Đặng Thị Tất, giáo viên Trường Mầm non Cô Tô (huyện Cô Tô) cũng là một trong những nhà giáo tận tụy, gắn bó với sự nghiệp “trồng người”. Mỗi ngày làm việc của cô Tất đều bắt đầu từ 6 rưỡi sáng và kết thúc vào 6 giờ chiều. Cô phải làm luôn chân luôn tay đủ những việc không tên như: Cho trẻ ăn uống, dỗ dành trẻ, tập thể dục, dạy học, vệ sinh cho trẻ, tổ chức các hoạt động, trải nghiệm, STEM… Những công việc đó cứ lặp đi, lặp lại, ngày nào cũng vậy, tưởng chừng đơn giản nhưng đòi hỏi nhiều sức lực và tình yêu với nghề.
Chứng kiến một ngày dạy học, chăm sóc trẻ của cô giáo Tất mới thấu hiểu được những vất vả, nhọc nhằn, áp lực mà cô cùng các đồng nghiệp trải qua hằng ngày. Cô giáo Đặng Thị Tất chia sẻ: Tôi luôn đem tình thương của người mẹ hiền chăm sóc, giáo dục trẻ. Nhiều năm qua, tôi đã cố gắng tìm ra những giải pháp hữu hiệu để nâng cao tỷ lệ huy động trẻ ra lớp. Tôi và các đồng nghiệp còn dành thêm thời gian, thường xuyên chủ động đến từng nhà phụ huynh để vận động họ cho con em đến trường. Bản thân tôi cũng đã viết 20 biện pháp cấp trường và 4 sáng kiến cấp huyện, được đánh giá tốt và áp dụng vào thực tế công tác giảng dạy có hiệu quả.
Có thể thấy, đằng sau những thành công dù lớn hay nhỏ của các thế hệ học trò là sự dày công vun đắp, truyền đạt kiến thức của những người thầy tận tụy. Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý toàn ngành đã có nhiều cố gắng khắc phục khó khăn phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao; tìm tòi, học hỏi nâng cao trình độ để đáp ứng với yêu cầu mới về giáo dục đào tạo. Theo Sở GD&ĐT, đến nay, phần lớn cán bộ quản lý giáo dục các cấp đáp ứng được các yêu cầu cơ bản về phẩm chất và năng lực quản lý. 100% đội ngũ trong ngành đều có lập trường tư tưởng, chính trị đúng đắn, có phẩm chất đạo đức tốt và ngày càng yêu nghề, gắn bó với sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ; luôn luôn nỗ lực học tập vươn lên đạt chuẩn và trên chuẩn đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị, ngoại ngữ...
Nhờ sự tận tụy, bám trường, bám lớp, yêu nghề, yêu người của lớp lớp các thầy cô giáo, đến nay, sự chênh lệch đội ngũ giữa các vùng miền núi, biên giới, hải đảo với vùng thành thị được giảm đi đáng kể. Nhiều giáo viên ở vùng thuận lợi đã nêu gương nhiệt huyết, không ngại khó, ngại khổ, tình nguyện lên vùng cao công tác, chia sẻ khó khăn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng cao, biên giới, hải đảo.
Đặc biệt, từ năm 2020, đại dịch Covid-19 tác động mạnh, gây khó khăn rất lớn nhất là đối với ngành GD-ĐT. Trước yêu cầu nhiệm vụ kép, vừa bảo đảm an toàn dịch bệnh, vừa bảo đảm dạy tốt, học tốt đội ngũ cán bộ quản lý và các thầy cô giáo của Quảng Ninh đã có nhiều sáng kiến, nhiều cách làm sáng tạo rất hiệu quả.
Trong những năm qua, nhiều nhà giáo, cán bộ quản lý của tỉnh đã được phong tặng danh hiệu cao quý. Tỉnh có 2 Nhà giáo nhân dân, 111 Nhà giáo ưu tú, trên 12.000 giáo viên đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp cơ sở và hơn 3.000 giáo viên đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.
10 năm qua, toàn tỉnh có trên 40.000 đề tài nghiên cứu khoa học và sáng kiến kinh nghiệm của các nhà giáo được hội đồng khoa học từ cấp cơ sở đến cấp ngành đánh giá, xếp loại và phổ biến, ứng dụng rộng rãi vào giáo dục. Nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 năm nay, toàn tỉnh dự kiến có 120 nhà giáo tiêu biểu được khen thưởng cấp tỉnh, 2 nhà giáo được khen thưởng cấp bộ.
Thầy giáo Vũ Đức Kiên, Trường THCS Trần Quốc Toản (TP Uông Bí), giáo viên cốt cán môn Toán cấp tỉnh, dự kiến được khen thưởng cấp tỉnh năm nay, cho biết: Với vai trò tổ trưởng chuyên môn, bản thân tôi luôn chỉ đạo tổ thực hiện tốt các kế hoạch do nhà trường triển khai, chủ trì tổ chức các chuyên đề cấp tổ, cấp cụm trường, giải quyết nhiều vấn đề khó mang lại hiệu quả cao trong giảng dạy.
“Người thầy giáo tốt là người vẻ vang nhất. Dù tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh”. Chắc chắn, thời gian tới, cán bộ, nhà giáo của tỉnh sẽ vẫn tiếp tục nỗ lực, sáng tạo không ngừng nghỉ và tư duy đổi mới, chủ động hội nhập quốc tế, dìu dắt các thế hệ học trò sẽ ngày càng tự tin vươn xa trên hành trình tri thức.
Lan Anh
Liên kết website
Ý kiến ()