Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 22:48 (GMT +7)
Những người lính cứu hộ "say đất"
Thứ 3, 22/06/2021 | 12:43:12 [GMT +7] A A
Con tàu mang số hiệu 14-41-89 luôn thường trực ở bến cảng Tuần Châu, là “đại bản doanh” của Đội liên ngành thường trực cứu hộ, cứu nạn (CHCN) trên Vịnh Hạ Long. Ở đó, 10 thành viên đến từ các lực lượng khác nhau, trong đó có 6 người thuộc Bộ CHQS tỉnh. Bởi đặc thù công việc, dẫu nhà ở ngay gần, nhưng họ cũng chẳng thể về…
Chúng tôi gặp thượng úy Lê Minh Tuấn, Đội trưởng Đội liên ngành thường trực CHCN trên Vịnh Hạ Long, khi anh đang chuẩn bị cho chuyến hành trình hôm sau, thực hiện nhiệm vụ phục vụ đoàn lãnh đạo trung ương tham quan Vịnh Hạ Long.
“Những dịp như thế này, chúng tôi nhận lệnh đi hộ tống để đảm bảo an toàn cho đoàn công tác trong suốt hành trình, sẵn sàng ứng cứu ngay lập tức nếu xảy ra sự cố. Đó cũng là một trong những nhiệm vụ thường xuyên trong công tác tìm kiếm cứu nạn (TKCN), với phương châm phòng là chính - Thượng úy Lê Minh Tuấn chia sẻ.
“Công việc cứu hộ đặc thù, có những lúc nhàn nhã, khi thì vất vả cực độ. Lúc trời yên bể lặng, chúng tôi tranh thủ kiểm tra, bảo dưỡng trang thiết bị, phương tiện, bổ sung nhiên liệu. Sự cố xảy ra thường chẳng khi nào báo trước, nên anh em luôn phải thường trực, không được phép rời tàu trong phạm vi nhất định. Cũng vì thế, mặc dù nhà ở ngay trong thành phố, nhưng hầu như chẳng ai được về nhà. Nếu có công việc thì tranh thủ giải quyết trong chốc lát” - Thượng úy Tuấn cho biết thêm.
Am hiểu biển nước, thông thuộc luồng lạch, đó là những yếu tố bắt buộc đối với những người lính cứu hộ trên biển. Bởi việc xác định luồng lạch trên biển khó hơn nhiều so với đường bộ. Khi có sự cố xảy ra, chỉ sau một cuộc điện thoại, anh em phải lập tức lên đường, mọi công việc chuẩn bị đều phải được hoàn tất từ trước đó.
Việc TKCN ở trên biển khó hơn rất nhiều lần so với trên bờ. Bởi một khi nạn nhân rơi xuống nước, khi gặp điều kiện thời tiết bất lợi, có thể đẩy nạn nhân đi xa, hoặc vướng vào những khu vực không thể tìm kiếm được. Có những vụ phải mất mấy ngày trời mới tìm được nạn nhân. Lương thực chuẩn bị không đủ, những người lính lại phải nhờ đến sự hỗ trợ của ngư dân, từ những tàu khai thác thủy sản.
Trước khi làm nhiệm vụ cứu hộ trên biển, thượng úy Tuấn là cán bộ của Phòng Tham mưu, Bộ CHQS tỉnh. Đã từng trải qua nhiệm vụ kiểm soát quân sự trên biển, với những chuyến đi dài ngày, thế nên khi làm nhiệm vụ cứu hộ tại Đội liên ngành, đối với thượng úy Tuấn, mọi việc không có gì bỡ ngỡ. Thế nhưng, công việc này không chỉ đòi hỏi sức khỏe, sự khéo léo, phán đoán tình hình, có ý chí vững vàng, mà còn phải thực sự yêu nghề mới bám trụ được với công việc vô cùng khó khăn, vất vả này.
Có lần đúng mùng 1 Tết, anh nhận lệnh lên đường đi tìm kiếm nạn nhân là một du khách nước ngoài. Sau 3 ngày, với một đội thợ lặn thuê, tìm đủ mọi ngóc ngách mới thấy thi thể nạn nhân cách vị trí gặp nạn vài km. Hay những khi tàu chở hàng mắc kẹt vì đi sai luồng lạch, khiến bị đá đâm thủng, anh em phải huy động tổng lực để vá tàu, rồi ra sức vừa bơm vừa hút nước, tránh tàu bị chìm.
Nước da người lính sạm đi vì nắng gió biển. Với những người bình thường không quen sông nước, ngồi trên tàu vài tiếng đồng hồ đã cảm thấy chếnh choáng, chứ đừng nói ngày đêm làm việc, sinh hoạt, ngủ trên chiếc giường nhỏ xíu trong khoang tàu. Nhưng đối với những người lính cứu hộ, điều đó đã trở thành một thói quen, một tình yêu khó lý giải. Thượng úy Tuấn vui vẻ nói: “Ngày ngày sống trong môi trường này cũng quen. Khi về nhà ngủ, lắm lúc thấy không quen, lại nhớ cái cảm giác bồng bềnh, lâng lâng ở trên tàu, người ta gọi đó là “say đất”.
Khánh Hằng
Liên kết website
Ý kiến ()