Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 21:48 (GMT +7)
Những người thợ ở moong Cọc Sáu
Thứ 4, 05/10/2022 | 17:03:22 [GMT +7] A A
Những năm gần đây, Công ty Cổ phần Than Cọc Sáu đã mở rộng lòng moong và xuống mức sâu hơn. Năm 2021, moong Cọc Sáu đã xuống tới mức “âm” 300m so với mực nước biển. Giờ để lấy được tấn than từ độ sâu âm 300 kia, Cọc Sáu phải đối diện muôn vàn khó khăn bởi hệ số bóc, cung độ vận chuyển đất đá và độ sâu - cao - dài con đường đưa nước ra khỏi đáy moong năm sau luôn phá kỷ lục năm trước. Bởi thế, bơm thoát nước moong là phần đáng kể trong khối công việc đa dạng mà Phân xưởng Cơ Điện ở Than Cọc Sáu đang đảm đương.
Bộn bề công việc nơi đáy mỏ sâu nhất Việt Nam
Moong Cọc Sáu là một hố trũng khổng lồ luôn phải đón nước từ tứ bề trên cao chảy xuống, từ những cơn mưa, từ các mạch nước ngầm trong lòng đất. Còn nhớ trận mưa lũ lịch sử hồi cuối tháng 7, đầu tháng 8/2015, với vũ lượng trung bình từ 200-300mm khiến nước lòng moong dâng cao 50m, diện tích mặt tới 2,2km2, làm tê liệt mọi hoạt động sản xuất. Từ tháng 9/2021 đến giờ, cũng có mấy trận mưa lượng ngang ngửa như vậy đổ xuống moong. Để khai thác than, cần qua hai cấp bơm, nước rồi đến bùn.
Cái nắng ở lòng moong than nếu ai chưa đến sẽ chưa thể hình dung nổi cái chói gắt, cái gắt gỏng của thứ nắng trên đầu và nắng dưới chân hắt lên từ than. Với điều kiện làm việc như thế, nhưng các cán bộ, công nhân Phân xưởng Cơ điện vẫn chăm chỉ, miệt mài tận tâm với công việc. Ngoài sự khắc nghiệt do mưa, nắng, còn muôn kiểu thử thách khác dành cho thợ bơm nước moong như khí CO (hình thành bởi khí than, khí thải động cơ xe, máy); địa hình làm việc hầu hết là trên tầng mỏ điều kiện địa chất phức tạp, có chỗ cheo leo, dốc đứng, đá cứng, sình lầy, nước ngập; hiểm họa đá lăn, sạt tầng, nước đổ do nhiều nguyên nhân luôn rình rập...
Công việc thoát nước moong âm thầm ấy, thực tế vô cùng gian nan, vất vả. Đội hình ra quân của Phân xưởng Cơ Điện theo đó gồm thợ ở đủ ngành nghề: Điện, cơ xúc, hàn, nguội, vận hành bơm moong, tài xế xe cẩu, xe tải... dưới sự chỉ huy chung của anh Đào Văn Đoàn, Bí thư Chi bộ, Quản đốc. Chỉ huy về nhân lực, vật lực, thiết bị là anh Phạm Hữu Phương, Phó Bí thư Chi bộ, Phó Quản đốc điều hành; anh Phan Đăng Tôn, Chi uỷ viên, Phó Quản đốc cơ điện - vận tải và chỉ huy trực tiếp là anh Nguyễn Quốc Tuấn, Chi ủy viên, Phó Quản đốc phụ trách bơm moong, người được đồng nghiệp quen gọi “thần moong” vì các công việc hiểm hóc về bơm moong qua tay anh đều tinh tươm như được phù phép.
Khối công việc về bơm moong, thống kê sơ sơ đã cho thấy thật “khủng”: Thi công mặt bằng đặt các tổ bơm ở những vị trí từ sâu nhất đến tầng nối tiếp, tầng trung gian; vận chuyển, dán nối các tuyến ống nhựa khổng lồ phi 355 thành các đường ống dài rồi triển khai lắp đặt trên địa hình khó khăn như vách tầng cheo leo hay luồn qua lòng đất để đưa nước từ đáy mỏ đến điểm trung chuyển, điểm xả, chiều dài cộng lại hàng chục nghìn mét; đào và di chuyển mấy chục lượt hố bơm mỗi mùa hạ moong; lắp đặt các hệ thống bơm trực tiếp, nối tiếp ở những vị trí phù hợp; đấu nối cáp điện 6kV, 380/220V cho các hệ thống bơm hoạt động; thi công hệ thống tiếp địa an toàn cho các tổ bơm; thường trực sửa chữa, quản lý, vận hành các hệ thống bơm thoát nước moong 24/24h...
Bơm thoát nước đáy mỏ là quy trình bắt buộc và sống còn đối với khai thác than theo công nghệ khai thác lộ thiên xuống sâu ở Than Cọc Sáu. Thử thách của cán bộ, công nhân làm việc ở công trường này là phải khắc phục từ điều kiện địa hình, thời tiết, nhất là với thợ bơm nước moong. Họ phải chịu đựng cường độ lao động chắc chắn nhiều hơn các bộ phận khác vì điều kiện làm việc rất đặc biệt, tiếng ồn của máy bơm, công trường bơm đặt ở vị trí sâu, xa..., dù thế nào cũng phải giải phóng được nước moong theo đúng phương án kỹ thuật, kịp tiến độ khai thác. Nhiều giai đoạn vượt khó, đội hình nhà “thần moong” Nguyễn Quốc Tuấn đã tạo ra những kỳ tích trong công việc của các anh, hai tiếng “thiện chiến” mọi người gọi họ cũng vì thế.
Một trong số đó là công trình giai đoạn 2020-2021 là lắp đặt và đi vào hoạt động 5 tuyến ống dẫn nước khổng lồ tổng chiều dài gần 5.000m, thay thế các tuyến ống nằm trong diện đổ thải của mỏ. Đó là tổ hợp công việc mà người chỉ huy thi công phải nắm rõ: Trước tiên dán nối các khúc ống ngắn 10m phi 355 thành các ống dài 60-80m rồi thành các tuyến ống, lắp đặt chúng trên địa hình tầng mỏ dốc cao, hiểm trở, không có hành lang đặt ống. Nhiều đoạn ống chạy qua lưới điện cao áp, đường xe vận tải, việc thi công phải đảm bảo không ảnh hưởng đến sản xuất và hoạt động của phương tiện khác...
Vừa đảm nhiệm công trình trọng điểm, vừa phải đảm bảo nhiệm vụ bơm cạn nước moong để lấy than. Vất vả, đôn đáo, ráo riết, chạy ngược chạy xuôi, đó là những gì đồng đội thấy ở “thần moong” Nguyễn Quốc Tuấn. Mỗi ngày cần triển khai hạng mục gì, ở đâu, ai đảm nhận phần nào, bố trí loại phương tiện, thiết bị yểm trợ thì anh Tuấn luôn thể hiện sự chuyên nghiệp, khoa học và hiệu quả. Anh cũng là người xông xáo hỗ trợ anh em khi gặp khó. Tinh thần, thái độ làm việc của Nguyễn Quốc Tuấn thuyết phục và lan tỏa đến đồng đội và họ chủ động, trách nhiệm, phối hợp ăn ý nhau. Công trình hoàn thành trước kế hoạch một tháng trong sự vui mừng của lãnh đạo Công ty.
Vượt cam go thử thách
Để có được danh hiệu mà mọi người phong cho là đội hình nhà “thần moong”, Phân xưởng Cơ Điện đã trải qua nhiều mùa hạ moong thắng lợi, là mùa cao điểm sản xuất than, cũng là chiến dịch hệ trọng nhất trong năm, mang ý nghĩa có giá trị kinh tế lớn, tác động trực tiếp đến đời sống của cán bộ, công nhân Công ty trong một năm sản xuất kinh doanh.
Mùa hạ moong năm 2021-2022, trước thềm chiến dịch, anh Đào Văn Đoàn đã tổ chức họp Ban Chi ủy và lãnh đạo Phân xưởng, xác định tầm quan trọng, tính chất nội dung công việc khu bơm moong, làm cơ sở giao nhiệm vụ hợp lý cho từng bộ phận, cá nhân. Anh xác định Chi bộ cần nêu cao vai trò trong điều hành lãnh đạo, chỉ đạo, và anh đã cụ thể hóa phân công công việc khoa học, hợp lý đến từng vị trí cho các cán bộ, công nhân để mọi người cùng thực hiện nhiệm vụ và hoàn thành nhiệm vụ như kế hoạch đề ra.
Những ngày đầu chiến dịch, khoảng cuối quý III đầu quý IV/2021, đã có những đợt mưa lớn, nước đổ từ vách tầng như thác, đất đá trôi xuống làm đứt và cuốn theo các tuyến ống dẫn nước khổng lồ, cột điện cây ngập, cây đổ, chòi vận hành bơm bị chìm, hệ thống phà bơm bị xô lệch và ở tình huống hiểm nghèo trôi dạt vào trụ tầng, nguy cơ cao đá to lăn xuống đánh chìm, nguy cơ gây mất an toàn lao động rất lớn. Vì mưa quá lớn nên các phao liên lạc được kết nối với nhau, tạo thành đường phao từ bờ ra phà bị xé rời ở vị trí đáy mỏ - khu khai thác chính của Cọc Sáu đã bị xé tan, hàng trăm tấn bùn đất tràn vào trạm điện, móng nhà vận hành và điều khiển các hệ thống bơm moong sạt lún, khiến sản xuất bị đình trệ.
Trong tình hình đó, đội hình nhà “thần moong” khi đó phải thực hiện nhiệm vụ kép, vừa khắc phục hậu quả mưa lũ, vừa chuẩn bị hệ thống thoát nước moong đảm bảo phục vụ công tác lấy than theo kế hoạch. Như những người lính dày dạn kinh nghiệm, ngút ngàn ý chí quả cảm, họ dấn thân lăn lộn nơi hiểm nguy 24/24h, vượt qua khó khăn, chỉ trong thời gian ngắn thực hiện nhiệm vụ họ đã nhanh chóng kết nối được hệ thống bơm và khôi phục hoạt động của toàn bộ hệ thống bơm moong, giải phóng hàng triệu m3 nước, kịp giải phóng lượng nước đáy mỏ để đủ điều kiện bước vào chiến dịch hạ moong lấy than.
Không chỉ khắc phục hậu quả mưa lũ, họ thường xuyên phải khắc phục muôn kiểu sự cố phát sinh bất ngờ từ hệ thống bơm như, sự cố đứt, thủng, tắc đường ống dẫn nước moong; thủng phà, bục phao elip đỡ cáp, vỡ bi động cơ, đầu bơm; mát cáp điện 6kV, phóng bục cách điện, chập pha cáp 6kV, mát cáp mất mạch điều khiển bơm v.v.. rồi cả khó khăn thiếu nhân lực do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (giai đoạn cao điểm quân số giảm gần nửa), trong khi tiến độ và chất lượng công việc luôn đòi hỏi gắt gao, khiến họ phải thường xuyên làm tăng giờ, thông ca, không chủ nhật và cả... không Tết. Ở nơi đáy mỏ gập ghềnh vừa sâu vừa xa đó, cứ khi tắt sáng ban ngày, họ lại bật "ánh sao đêm" (đèn pin từ tay thợ và đèn chiếu sáng từ các thiết bị yểm trợ) để tiếp tục miệt mài với công việc.
Không giải phóng được nước moong, không lấy được “vàng đen”. Dù vô vàn khó khăn nhưng Cọc Sáu nhiều năm qua luôn hoàn thành kế hoạch sản lượng than khai thác, đạt doanh thu và ổn định tiền lương cho người lao động. Trong kết quả chung cuộc đó, có đóng góp bền bỉ, trọng yếu của đội hình thiện chiến nhà “thần moong” Nguyễn Quốc Tuấn. Nhờ học tập ý chí tự lực tự cường của Bác Hồ kính yêu, với tay nghề và tinh thần làm việc hết mình, không cam go, thử thách nào khiến họ đầu hàng. Đây cũng chính là truyền thống người Phân xưởng Cơ Điện và thợ mỏ Than Cọc Sáu.
Ghi chép của Nguyễn Thị Yên
Liên kết website
Ý kiến ()