Dù là chủ nhân kênh YouTube hơn 400.000 người đăng ký, Nam Anh, 28 tuổi ở Hà Nội, đã theo đuổi lối sống tối giản kỹ thuật số từ 2019.
Trong xu hướng tối giản kỹ thuật số, không ít người dùng trẻ đang xóa ứng dụng Facebook, hạn chế vào Instagram, lọc bớt bạn bè và tắt thông báo mạng xã hội. Nam Anh cho biết anh tắt gần như toàn bộ thông báo ứng dụng trên điện thoại để không bị mất tập trung khi học và làm việc. Thậm chí, anh không cài ứng dụng Facebook trên điện thoại mà chỉ dùng khi mở máy tính. Tài khoản Instagram ban đầu theo dõi 400-500 người, nhưng hiện giảm còn 176 người. "Tôi gần như luôn để điện thoại ở chế độ rung", anh nói.
Tuy chưa trải nghiệm một ngày không động đến smartphone, Nam Anh đã thực hiện thử thách 30 ngày "cai" mạng xã hội nhằm hạn chế việc vuốt màn hình vô thức, ngừng sử dụng Instagram hoàn toàn. "Ban đầu, không truy cập mạng xã hội tạo cho tôi khoảng thời gian trống nhưng cũng khiến tôi bức bối vì không biết làm gì", anh kể. Điều này buộc anh phải xây dựng một danh sách các việc cần làm để thay thế thời gian ngồi lướt điện thoại.
Không cài ứng dụng Facebook cũng giúp anh hạn chế được việc liên tục "hóng" theo các thông tin nóng hổi, giật gân. Thay vào đó, anh tập trung tiếp nhận thông tin thời sự từ nguồn chính thống vào khung giờ cố định trong ngày.
Trong khi đó, Hoàng Thanh, sinh viên 20 tuổi ở Hà Nội, cho biết cô thấy chán nản khi mỗi lần gặp gỡ, bạn bè không thể bỏ qua "thủ tục" chụp ảnh selfie "trăm tấm như một", quay video đồ ăn, sau đó dành cả buổi chỉnh sửa và theo dõi, trả lời bình luận trên mạng xã hội. Ban đầu, Thanh ngừng dùng smartphone khoảng 1-2 giờ mỗi ngày, sau tăng dần lên. Hiện cô không vào mạng trọn vẹn một trong hai ngày cuối tuần. "Tôi thông báo với mọi người để ai có việc cần có thể gọi điện thay vì nhắn tin qua mạng xã hội. Sau vài tháng, tôi không còn tâm lý sợ bỏ lỡ tin hot như trước", cô cho hay.
Ngọc Mai, admin một hội nhóm về lối sống tối giản, cho biết thời gian gần đây, "tối giản kỹ thuật số" đang trở thành chủ đề được nhiều thành viên thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm trong việc hạn chế sử dụng thiết bị công nghệ. "Đây là dấu hiệu cho thấy nhiều người trẻ bắt đầu quan tâm hơn đến việc cân bằng giữa thế giới ảo và thật", Ngọc Mai nhận định.
Theo bà Nguyễn Phương Chi, tiến sĩ giáo dục tại Đại học Arizona, nhiều người gọi đây là Digital Detox - thời gian chủ động ngừng sử dụng mạng xã hội, điện thoại, email... để dứt khỏi đời sống ảo. Có người chọn detox vài ngày, vài tuần, thậm chí cả tháng. "Tôi chọn tạo ra những quãng detox nhỏ nhưng liên tục mỗi ngày", bà cho hay.
Theo bà Phương Chi, với nhu cầu và mật độ sử dụng thiết bị công nghệ ngày càng tăng của con người, máy tính, điện thoại, Internet dần trở thành một chiều không gian sống mới, không thể thiếu với nhiều người. Tương tự không gian vật chất, không gian số cũng cần được dọn dẹp để tối ưu hóa hiệu suất làm việc, tiết kiệm thời gian. Người dùng có thể thực hiện một số biện pháp tối giản kỹ thuật số, như sắp xếp tài liệu trên máy tính và ứng dụng trong điện thoại thành nhóm, tắt thông báo không cần thiết, để điện thoại ở chế độ không làm phiền khi làm việc và luôn dành thời gian detox Internet mỗi ngày.
"Cũng như việc nghỉ ngơi sau khi làm việc, chúng ta cũng cần ngừng sử dụng Internet và thiết bị công nghệ một thời gian trong ngày để giải phóng đầu óc và thư giãn mắt", bà Chi nói.
Kể từ khi giáo sư khoa học máy tính Cal Newport đề cập đến thuật ngữ "tối giản kỹ thuật số" năm 2019, lối sống này đã được người trẻ khắp thế giới đón nhận. Chẳng hạn, Leon, 29 tuổi ở Vũ Hán, đãtừ bỏ smartphonevào tháng 3/2021 và tìm đến "công nghệ quá khứ", như sử dụng điện thoại "cục gạch", tiền mặt, thẻ ngân hàng thay cho thanh toán kỹ thuật số qua WeChat và Alipay...
Ý kiến ()