Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 12:16 (GMT +7)
Nhạc cụ độc đáo của then
Chủ nhật, 19/05/2024 | 16:45:16 [GMT +7] A A
Khi thực hành các nghi lễ, người làm then không thể thiếu được các nhạc cụ cơ bản là đàn tính, chùm xóc nhạc. Đó được coi là những vật thiêng của người hành nghề then và đều mang ý nghĩa biểu tượng nhất định.
Nói về vật dụng làm then, trước tiên phải kể đến tính tảu (đàn tính). Tính tảu làm bằng gỗ gắn vào vỏ quả bầu già làm hợp âm. Đây là vật gắn liền với những cuộc hành lễ then, tạo sức hút với người nghe bởi âm thanh trầm bổng, du dương, đưa tâm trí người nghe theo cuộc hành trình của đoàn quân then. Người hành lễ sử dụng đàn tính để phụ họa cho việc diễn tả nội dung của đường then. Tính tảu trên tay của then, lúc sang bên phải lúc sang bên trái như đang cầm cương ngựa. Lúc đung đưa tính tảu là lúc quan then đang điều khiển con ngựa của mình, lúc tiếng đàn nhẹ nhàng, nỉ non là lúc bước trên đường sau những đợt phi nước đại.
Tham luận tại Hội thảo "Bảo tồn và phát huy di sản diễn xướng then trong bối cảnh phát triển du lịch cộng đồng ở huyện Bình Liêu" vừa được Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với huyện Bình Liêu tổ chức, TS. Đinh Đức Tiến, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, cho rằng, thông thường đàn tính có 3 dây, tuy nhiên ở Bình Liêu lại chỉ có 2 dây. Các bà then diễn xướng chỉ với 2 nốt nhạc với điệu trầm buồn, đôi khi kết hợp cả tiếng đàn tính, tiếng xóc nhạc và lời hát.
NSND Triệu Thuỷ Tiên, Phó Chủ tịch Hội Bảo tồn dân ca, Chủ nhiệm CLB Hát then đàn tính thuộc Trung tâm Văn hoá tỉnh Lạng Sơn, cho rằng, đàn tính ở Bình Liêu chỉ có 2 dây gồm dây cao và dây trung chứ không có dây trầm. Điều đặc biệt nữa là đàn tính có thể dùng cho cả nam lẫn nữ trong khi ở Cao Bằng thì đàn tính 2 dây chỉ dùng cho nam giới. Kích cỡ bầu đàn và cần đàn cũng nhỏ gọn hơn đàn tính các vùng khác.
Chùm xóc nhạc (còn gọi là cỗ nhạc hay cỗ ngựa) là vật dụng làm bằng đồng hoặc sắt. Trong quá trình làm then, chùm xóc nhạc được nghệ nhân sử dụng theo nhiều cách. Khi quân binh vượt núi thì nhạc xóc thôi thúc, khi vượt sông thì tiết tấu dồn dập hơn, khi linh hồn nhập vào thì xóc nhạc tốc độ càng nhanh hơn. Nghe cách xóc nhạc của then khi hành lễ cũng có thể hiểu được sự việc đang diễn ra của hành trình then. Khi rộn rã là lúc thúc ngựa lên đường (tấn mạ), khi nhẹ nhàng là lúc ngựa đang chuẩn bị dừng chân.
Chùm xóc nhạc còn được sử dụng khi múa chầu trong then, theo nhiều cách khác nhau, như múa chèo thuyền, múa quạt, múa tán hoa, múa chầu lễ, múa chầu tướng... Trong một cuộc then, nếu không có chùm xóc nhạc thì chưa đủ khích lệ tâm lý hưng phấn của người nghe hát then. Đóng vai trò giữ nhịp, lúc nhanh dồn dập, khi chậm khoan thai, chùm xóc nhạc đi kèm tiếng tính tảu như hình với bóng, làm cho cuộc hát then có sức cuốn hút lạ kỳ.
Cũng theo TS. Đinh Đức Tiến, chùm xóc nhạc của người Tày Bình Liêu khá ngắn so với ở Lạng Sơn. Có một chút khác biệt nữa so với các vùng khác là người Tày Bình Liêu còn sử dụng chiếc chuông nhỏ để phục vụ nghi lễ diễn xướng then.
PGS.TS. Phạm Văn Lợi, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, thông tin: Người Tày ở Bình Liêu lý giải rằng đàn tính của họ chỉ còn 2 dây vì đã tặng một dây cho người Kinh làm đàn bầu. Chưa nói đến sự đúng, sai của câu chuyện này nhưng hoàn toàn có thể thông tin để cho nhiều người cùng biết vì nó góp phần nâng cao tình đoàn kết giữa người Kinh và người Tày.
Không chỉ đưa diễn xướng then phục vụ du khách, PGS.TS. Phạm Văn Lợi mong muốn chính quyền, người dân và cả doanh nghiệp ở Bình Liêu phải tính đến việc chế tác ra những chiếc đàn tính, chùm xóc nhạc để bán cho khách du lịch. Nhiều cộng đồng Tày, Nùng, Thái ở nơi khác đã làm điều đó và thu được kết quả bước đầu đáng khích lệ.
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()