Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 21:47 (GMT +7)
Những nông dân thế hệ mới của Quảng Ninh
Thứ 7, 30/09/2023 | 08:01:23 [GMT +7] A A
Buổi livestream bán hàng của chị Nguyễn Thị Thu Thương, chủ cơ sở ruốc tép chưng thịt Long Thương (phường Quảng Yên, TX Quảng Yên) bắt đầu vào lúc 9h, ngay sau khi mẻ ruốc tép mới ra lò. Cách chị Thương trình chiếu hình ảnh cho khách hàng online xem, giới thiệu về quy trình sản xuất, nguyên liệu đầu vào, sản phẩm đầu ra, sự tươi ngon, an toàn thực phẩm… rất mộc mạc, nhưng cũng rất chuyên nghiệp, trúng, đúng những thông tin khách hàng cần.
Chị Nguyễn Thị Thu Thương chia sẻ: Tôi tiếp cận mạng xã hội để quảng bá, quảng cáo sản phẩm từ năm 2019, khi đó chủ yếu đưa lên facebook, zalo. Thời điểm bùng phát dịch Covid-19, thực hiện lệnh giãn cách xã hội, không có cách nào tương tác với khách hàng, tôi mạnh dạn thực hiện các buổi livestream. Không ngờ phương pháp giao tiếp này lại hiệu quả đến thế, khách hàng biết đến sản phẩm của chúng tôi, tin tưởng, đặt hàng, cho chúng tôi những lời nhận xét trực tiếp. Nhiều khách còn gợi ý cho chúng tôi về cải tiến quy trình sản xuất, hoặc những ý tưởng sản phẩm mới... Nhờ vậy, chúng tôi không chỉ bán được hàng, có doanh thu, lợi nhuận, việc làm và thu nhập, mà còn có hứng thú, động lực để tiếp thu, học hỏi và thực hiện đổi mới, đa dạng sản phẩm, mẫu mã, chủng loại...
Được biết, hiện nay cơ sở ruốc tép chưng thịt Long Thương đã sản xuất hàng chục sản phẩm, thay vì chỉ có 1 sản phẩm như ban đầu; doanh thu đạt trên 1 tỷ đồng/năm, lợi nhuận đạt 10-15%.
Phó Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao Hoa Phong (TX Đông Triều) Hoàng Đức Mạnh trưởng thành trong gia đình có điều kiện kinh tế, được đào tạo bài bản, trẻ tuổi, sáng tạo... Giống như các bạn bè cùng trang lứa, Mạnh có điều kiện theo đuổi những giấc mơ công nghệ, hoặc các lĩnh vực sản xuất hiện đại như công nghiệp, dịch vụ, du lịch, hàng hải, số hoá... nhưng anh lựa chọn nông nghiệp.
Hoàng Đức Mạnh hiện là thành viên dự án KOICA (Hàn Quốc) giai đoạn 2020-2025, triển khai tại TX Đông Triều. Với dự án này, mục tiêu là giúp các hộ nông dân canh tác một cách toàn diện, không chỉ nâng cao giá trị sản xuất trên diện tích canh tác, mà còn nâng cao trình độ quản lý, hướng tới những lợi ích xã hội, sức khoẻ con người và bảo vệ môi trường. Giải pháp cụ thể là việc đưa các giống cây trồng giá trị cao vào canh tác, trước mắt là một số giống rau Hàn Quốc; tăng cường cải tạo đất theo hướng loại bỏ dần gốc vô cơ, tăng gốc hữu cơ, tiến tới 100% sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật gốc sinh học và hữu cơ, tạo nên vùng canh tác hữu cơ.
Dự án KOICA mà Mạnh tham gia rất ưu việt, tuy nhiên không dễ thực hiện, bởi thói quen canh tác cũ của bà con. Không nản chí, Hoàng Đức Mạnh bắt đầu từ mô hình sản xuất tại gia đình mình, rồi đến diện tích canh tác của HTX, trở thành mô hình điểm cho bà con nhìn vào, tin tưởng và học theo. Mạnh chăm chỉ đến từng hộ nông dân trong vùng vận động, hướng dẫn, lan toả tinh thần sản xuất nông nghiệp hiện đại, xanh, sạch, giá trị cao. Hiện nay diện tích trồng các giống rau đặc sản Hàn Quốc thuộc dự án KOICA đã hơn 10ha, gấp hơn chục lần so với thời điểm khởi đầu; quy trình quản lý, canh tác cũng rất tiên tiến, nhất quán quan điểm bền vững, lâu dài.
Thương hiệu đông trùng hạ thảo Phương Thuỳ (cơ sở sản xuất tại phường Bắc Sơn, TP Uông Bí) khá quen thuộc trên thị trường Quảng Ninh và các địa phương lân cận, nhưng không mấy ai biết bà chủ của thương hiệu này là chị Nguyễn Thị Mai Phương, vốn là dân tay ngang chuyển sang sản xuất nông nghiệp. Nguyễn Thị Mai Phương trước đó hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ cơ khí mỏ. Với sự nhanh nhạy của bản thân, chị Phương nhận thấy các cơ sở mỏ ngày càng có nhu cầu về sản phẩm dinh dưỡng cao để chăm sóc sức khoẻ thợ mỏ và chị chọn đông trùng hạ thảo.
Cách làm của chị Phương không phải vừa đi vừa tìm, mà là hình thành ngay quy trình sản xuất hoàn chỉnh. Chị kết hợp với đơn vị chuyên môn uy tín về giống, thiết bị, kỹ thuật, xây dựng thương hiệu và marketing sản phẩm, kế thừa những thành công trước đó về sản xuất nấm đông trùng hạ thảo để nhanh chóng hình thành sản phẩm có chất lượng tốt nhất, đưa sản phẩm ra thị trường. Sản phẩm của Phương Thuỳ từ chỗ chỉ có nấm thô, nấm nguyên liệu, giờ phát triển thành gần 20 dạng sản phẩm tinh chế, trong đó có những sản phẩm OCOP được xếp hạng 3, 4 sao.
Có thể nhận thấy những cái tên như Nguyễn Thị Thu Thương, Hoàng Đức Mạnh, Nguyễn Thị Mai Phương đều nằm trong số những nông dân hiện đại của Quảng Ninh hiện nay. Họ có tri thức, có nguồn lực, có sự tâm huyết và quyết tâm cao độ, tiếp cận nghề nông với góc nhìn mới, cách làm mới, dần xoá đi quan niệm về một nghề nông chân lấm tay bùn, trông trời, trông đất để sản xuất... Họ chính là thế hệ nông dân mới của Quảng Ninh hôm nay.
Việt Hoa
- Hội nghị tuyên truyền Nghị định 37/2023/NĐ-CP về hoạt động của Quỹ hỗ trợ nông dân
- Thủ tướng sẽ đối thoại với Nông dân Việt Nam năm 2023 vào tháng 10 tới
- Chuyện người nông dân hiện đại gắn với cây nấm sạch
- Nông dân Quảng Yên với nông nghiệp đô thị
- Cần phòng trừ một số loại sâu bệnh trên lúa mùa từ nay đến 25/9
- Trao quyết định nghỉ hưu cho Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh
Liên kết website
Ý kiến ()