Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 18:22 (GMT +7)
Những “phú ông” của làng
Chủ nhật, 01/05/2022 | 08:56:22 [GMT +7] A A
Vẫn gắn bó ngày đêm với từng tấc đất, thửa ruộng, mảnh vườn, nhưng nhờ mạnh dạn đổi mới tư duy, dám nghĩ, dám làm, nhiều nông dân Quảng Ninh đã và đang trở thành những triệu phú, tỷ phú của làng, từng ngày làm giàu ngay trên chính đồng đất quê hương.
"Nông dân Việt Nam xuất sắc"
Đó là ông Lê Quang Thắng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Việt Long. Ông Thắng được biết đến là người tiên phong trồng rau sạch ở Quảng Ninh với thương hiệu Rau an toàn Việt Long. "Vốn xuất thân từ ngành xây dựng, nhưng từ năm 2010, khi chủ trương chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ “nâu” sang “xanh” của tỉnh được đẩy mạnh, tôi cũng mạnh dạn “bẻ lái” sang lĩnh vực nông nghiệp sạch. Ý tưởng về một vùng chuyên canh rau an toàn cũng xuất hiện từ đó…" - Ông Thắng chia sẻ.
Cuối năm 2012, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Việt Long trở thành doanh nghiệp đầu tiên của Quảng Ninh đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp với mô hình trồng rau sạch hữu cơ. Kiên trì với hướng đi đó trong suốt 10 năm qua, từ những sản phẩm đầu tiên như cải làn, cà tím, bắp cải tím, súp lơ xanh, bí ngô Nhật... đến nay Việt Long đã có thêm nhiều sản phẩm rau, củ an toàn khác. Các sản phẩm rau an toàn của Việt Long đã được công nhận là sản phẩm OCOP của Quảng Ninh, có đầu ra ổn định tại các siêu thị lớn, các bếp ăn trường học, công ty than và nhà hàng, khách sạn trên địa bàn tỉnh.
Không dừng lại ở đó, ông Thắng còn là người tâm huyết với việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất rau, củ, quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; xây dựng mô hình kinh tế tập thể, chuỗi liên kết sản xuất; tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi mới cho năng suất, chất lượng cao. Hiện công ty của ông Thắng đang triển khai dự án sản xuất rau theo chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn đối với 39ha của 570 hộ dân phường Cộng Hòa, TX Quảng Yên. Đặc biệt, từ năm 2018, ông Thắng cũng đã bắt tay với các đối tác Nhật Bản thực hiện dự án nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng công nghệ sản xuất chế phẩm sinh học G-Tex trong bảo vệ cây trồng nông nghiệp.
Với những thành công trong lĩnh vực nông nghiệp, năm 2021, ông Thắng vinh dự là một trong 63 nông dân được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc”.
“Chị Liên vịt”
Khoe với chúng tôi ngôi nhà 2 tầng khang trang nhất xóm, chị Bùi Thị Liên (thôn Cẩm Lũy, xã Cẩm La, TX Quảng Yên) phấn khởi cho biết: Nhà tôi đấy, mới hoàn thiện dịp Tết Nguyên đán năm nay, tổng chi phí hết gần 5 tỷ đồng chưa kể nội thất. Toàn bộ cơ ngơi là nhờ cả vào đàn vịt này đấy!
Nói rồi chị Liên chỉ tay về phía khu trang trại chăn nuôi của gia đình và nhanh nhẹn giới thiệu: Vợ chồng tôi cũng bươn chải nhiều nghề, nhưng vẫn chỉ đủ ăn chứ không khá giả được. Năm 2016, khi gia đình bắt tay vào đầu tư chuồng trại thực hiện mô hình nuôi vịt đẻ trứng thì kinh tế cũng bắt đầu đi lên từ đó.
Nhờ chăm chỉ, chịu khó, lại mạnh dạn đi đầu trong áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trang trại của gia đình chị Liên ngày càng phát triển và mở rộng quy mô. Hiện gia đình chị Liên đang có trang trại chăn nuôi vịt các loại với quy mô hơn 1,6 vạn con. Trong đó có khoảng 6.000 con vịt đẻ, hằng tháng cung cấp ra thị trường khoảng 12 vạn quả trứng và 24.000 con vịt giống. Mỗi năm sau khi trừ chi phí, gia đình chị Liên thu về khoảng 1 tỷ đồng.
Hiện khu vực chuồng trại chăn nuôi vịt của gia đình chị Liên được đầu tư hệ thống mái che bằng tôn chống nóng, có sàn lưới thông thoáng, đảm bảo vệ sinh; quy trình nuôi khép kín, sử dụng thức ăn vi sinh; hệ thống lò ấp trứng tự động kiểm soát nhiệt độ... nhờ đó mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trang trại của gia đình chị Liên cũng là mô hình điểm sáng cho nhiều hộ dân trên địa bàn học tập.
Tỷ phú nuôi tôm công nghệ
“Trung bình mỗi năm 2 vụ tôm, doanh thu mỗi vụ khoảng 1 tỷ đồng, gia đình tôi có được hơn 2 tỷ đồng cho hơn 2ha nuôi tôm thẻ chân trắng" - Đây là chia sẻ của anh Phạm Quốc Huy (thôn Thượng, xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên).
Xuất thân từ lao động nông nghiệp tại vùng ven biển TX Quảng Yên, cơ duyên với nghề tôm lại đưa anh Huy đến và gắn bó với vùng đất Đồng Rui, huyện Tiên Yên. Anh Huy bảo: Tôi đã lăn lộn trong nước, ngoài nước, nghiên cứu, tham khảo nhiều mô hình nuôi tôm của các chủ đầm lâu năm, rồi mới chính thức bắt tay vào thực hiện. Nghề nuôi tôm đòi hỏi chi phí rất lớn, do vậy nếu không muốn đánh cược cả gia tài thì bắt buộc phải nghiên cứu thật tường tận, kỹ lưỡng.
Năm 2020, anh Huy bắt đầu với mẻ tôm thẻ chân trắng đầu tiên. Không giống như nhiều hộ nuôi tôm khác trên địa bàn, anh quan niệm phải tận dụng khoa học kỹ thuật để nâng hiệu quả con tôm, do đó, anh xây dựng hơn 2ha nhà màng và đầu tư lắp đặt các thiết bị kiểm soát môi trường, nhiệt độ, không khí… tự động ở ao nuôi. Nhờ đó, những vụ tôm của gia đình anh đều sinh trưởng, phát triển tốt, bán được giá hơn hẳn so với những hộ nuôi tôm quảng canh truyền thống.
Anh Huy cho biết: Quá trình tìm hiểu để khởi nghiệp với con tôm, tôi nhận thấy phương pháp nuôi tôm truyền thống có hạn chế là tôm dễ bị dịch bệnh do không kiểm soát được nguồn nước, chất thải từ thức ăn, nhiệt độ, môi trường; thời gian quay vòng ngắn khiến cho năng suất không cao. Do đó, tôi đã mạnh dạn tìm hướng đi riêng cho mình, ưu tiên KHCN để nâng cao giá trị cho con tôm. Năm 2022, gia đình tôi đang mở rộng thêm 8ha nuôi tôm bể tròn nhà vòm theo hướng công nghệ cao để tiếp tục cải thiện thu nhập.
“Duy gà đen”
Tại thôn Trại Đông, xã Bình Khê, TX Đông Triều có một trang trại gà đặc biệt, người dân quanh vùng quen gọi là trại gà “mặt quỷ” của anh Nguyễn Văn Duy. Dù còn trẻ, nhưng anh Duy hiện đang sở hữu trang trại gần 2.000m2 nuôi giống gà đắt nhất thế giới với giá trị tài sản lên đến hàng tỷ đồng. Chia sẻ về quá trình lập nghiệp của mình, anh Duy tâm sự: Năm 2019, khi tìm hiểu thông tin để xây sửa chuồng trại cho đàn gà của gia đình, tôi đọc được bài báo viết về mô hình nuôi gà đen “mặt quỷ” được mệnh danh là giống gà đắt đỏ nhất thế giới của một nông dân tại Cần Thơ với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Sự tò mò thôi thúc tôi tìm cách liên hệ để tìm hiểu phương pháp nuôi giống gà này.
Sau một tháng nghiên cứu, học hỏi, anh Duy quyết định chi gần 1 tỷ đồng đặt mua lứa gà đầu tiên từ Indonesia về nuôi thử nghiệm. Háo hức với mô hình mới không lâu, anh Duy vấp phải những khó khăn đầu tiên, khi 2/3 số gà giống bỗng dưng chết, thiệt hại hơn 500 triệu đồng. Tìm hiểu rõ, anh Duy được biết giống gà Indonesia ưa sống ở nhiệt độ cao, trong khi thời tiết miền Bắc nước ta lại có mùa lạnh nên gà không thích nghi được. Không nản lòng, anh cải tạo lại trang trại, đầu tư hệ thống đèn sưởi, bổ sung chế độ dinh dưỡng cho đàn gà. Nhờ đó, đàn gà của anh đã sinh trưởng, phát triển tốt, từ giữa năm 2021, đàn gà "mặt quỷ" đã không phụ công anh khi những con gà thương phẩm chính thức được tung ra thị trường.
“Giá gà thương phẩm hiện tại dao động từ 700.000-1 triệu đồng/kg, gà giống 350.000 đồng/con, còn gà về làm cảnh từ 4-7 triệu đồng/1 cặp. Hiện trang trại của tôi đang có khoảng 3.000 con gà, riêng gà đẻ là hơn 1.000 con, còn lại là gà giống và gà thương phẩm. Tính ra giá trị tài sản cũng lên đến vài tỷ đồng… Từ năm 2021 đến nay, tôi cũng đã bán được hơn 2.000 con gà thương phẩm. Sắp tới, gia đình dự định đầu tư mở rộng quy mô, nâng số lượng gà lên khoảng 1 vạn con” - Anh Duy cho biết.
Có thể thấy, những tỷ phú, triệu phú nông dân như ông Thắng, anh Huy, chị Liên, anh Duy… xuất hiện ngày càng nhiều trên khắp các miền quê của Quảng Ninh. Họ đã và đang làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương, thôi thúc và lan tỏa ý chí vươn lên, vượt khó làm giàu đến hàng ngàn nông hộ trên địa bàn tỉnh. Từ đó từng bước xây nên những thôn, làng trù phú, khang trang, tươi đẹp.
Nguyên Ngọc
Liên kết website
Ý kiến ()