Ông Trump mất quyền sở hữu súng, tham gia bồi thẩm đoàn, thậm chí cả quyền bỏ phiếu sau khi bị tuyên "có tội" ở New York, nhưng vẫn được phép tranh cử.
Bồi thẩm đoàn 12 người của tòa hình sự Manhattan, New York, ngày 30/5 tuyên bố cựu tổng thống Donald Trump "có tội" với toàn bộ 34 tội danh trong vụ truy tố làm giả hồ sơ kinh doanh, chi tiền ém thông tin bất lợi khi tranh cử năm 2016.
Với phán quyết của bồi thẩm đoàn, ông Trump là cựu tổng thống Mỹ đầu tiên trong lịch sử bị kết tội và bị coi là tội phạm. Ông cũng trở thành ứng viên đầu tiên của một chính đảng là tội phạm khi chạy đua vào Nhà Trắng. Sau khi có kết luận của bồi thẩm đoàn, thẩm phán tòa hình sự Manhattan sẽ ra phán quyết vào ngày 11/7.
Ông Trump, 77 tuổi, mô tả phán quyết của bồi thẩm đoàn là "điều hổ thẹn". Cựu tổng thống bác bỏ các cáo buộc, tuyên bố sẽ kháng nghị và nhiều khả năng sẽ không phải ngồi tù trong quá trình này. Tuy nhiên, do đã bị coi là tội phạm, ông Trump sẽ lập tức mất một số quyền công dân của mình.
Theo quy định của Cục Quản lý Rượu, Thuốc lá, Súng và Chất nổ Mỹ, ông Trump sẽ mất quyền sở hữu súng và đạn dược ngay sau khi bị bồi thẩm đoàn kết tội.
Đạo luật Kiểm soát Súng đạn Mỹ cấm bất cứ ai "đã bị kết tội trước tòa về hành vi có thể bị kết án từ một năm tù trở lên" sở hữu súng đạn. Các tội danh mà ông Trump bị tuyên có tội đều có mức án tối đa 4 năm tù.
Do ông Trump đang cư trú tại dinh thự Mar-a-Lago ở Florida, ông sẽ phải tuân thủ quy định của bang này với người đã bị tuyên có tội. Luật Florida cấm những người bị kết tội ở bất kỳ bang nào làm thành viên bồi thẩm đoàn, cho tới khi quyền công dân của những người này được khôi phục, đã thụ án tù hoặc đã đóng tiền bồi thường, tiền phạt.
Sau khi bị tuyên có tội, ông Trump vẫn tiếp tục bị áp lệnh cấm phát ngôn kể từ khi phiên tòa bắt đầu ngày 26/3. Lệnh này cấm cựu tổng thống Mỹ phát ngôn hoặc chỉ đạo người khác phát ngôn về bồi thẩm đoàn, nhân chứng, luật sư, công tố, nhân viên tòa án, cũng như về thân nhân của họ. Lệnh cấm chỉ được dỡ bỏ sau khi tòa tuyên án xong.
Việc bị kết tội không ngăn cản ông Trump tiếp tục chạy đua vào Nhà Trắng năm nay. Hiến pháp Mỹ quy định ứng viên tổng thống ít nhất 35 tuổi, là công dân sinh ra tại Mỹ và sống ở nước này ít nhất 14 năm, không cấm người có tiền án hay phạm nhân tranh cử.
Về quyền bỏ phiếu, theo quy định, một cư dân sống ở Florida từ năm 2019 như ông Trump sẽ không đủ điều kiện bỏ phiếu "nếu bản án tước quyền bỏ phiếu ở bang nơi người này bị kết tội".
Theo quy định ở Manhattan, New York, nơi ông Trump bị kết tội, cựu tổng thống sẽ mất quyền bỏ phiếu nếu bị kết án tù. Theo Blair Bowie, luật sư tại Trung tâm Pháp lý về Tranh cử, nếu phải ngồi tù vào ngày bầu cử, ông Trump sẽ không thể thực thi quyền bỏ phiếu của mình. Tuy nhiên, ông Trump có thể yêu cầu hoãn thi hành án tù trong quá trình kháng cáo, vốn có thể kéo dài nhiều tháng tới sau cuộc bầu cử.
Giới chuyên gia dự đoán ông Trump nhiều khả năng sẽ không phải ngồi tù. Do ông Trump không có tiền án, vụ truy tố không mang tính bạo lực, thẩm phán có thể áp mức hình phạt khoan hồng thay vì án tù.
ÔngTrumpcũng là cựu tổng thống Mỹ, được cơ quan mật vụ bảo vệ trọn đời, đồng nghĩa các đặc vụ cũng phải bảo vệ ông trong tù. Quản giáo sẽ phải đảm bảo nơi ăn ở cho các đặc vụ bảo vệ ông Trump. Vận hành nhà tù với một cựu tổng thống là tù nhân cũng là thách thức lớn về mặt an ninh và chi phí.
Theo các chuyên gia, quản chế tại nhà dường như là lựa chọn phù hợp nhất. Trong trường hợp bị quản chế tại nhà, ông Trump vẫn có thể trả lời phỏng vấn truyền thông và tiếp cận mạng xã hội, giúp ông không bị hạn chế quyền tự do ngôn luận.
Nếu tái đắc cử, ông Trump cũng không thể ân xá cho bản thân, bởi tổng thống chỉ có quyền ân xá các tội danh hình sự liên bang, không thể ân xá các tội danh cấp bang, theo quy định của hiến phápMỹ.
Ý kiến ()