Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 09:00 (GMT +7)
Những rạp chiếu bóng xưa ở Quảng Ninh
Chủ nhật, 13/11/2022 | 09:41:25 [GMT +7] A A
Hiện nay, cuộc sống phát triển, có nhiều rạp chiếu phim hiện đại của tư nhân ra đời đáp ứng nhu cầu của khán giả. Tuy nhiên, vẫn chưa khỏa lấp được nỗi niềm xưa cũ của những người cao niên về những rạp chiếu bóng xưa.
Ông Phạm Hữu Lượng, nguyên Trưởng Phòng Nghiệp vụ văn hóa, Sở Văn hóa - Thể thao, cho biết, Quảng Ninh xưa có 3 rạp chiếu bóng cổ kính có từ thời Pháp ở các địa phương: Quảng Yên, Hòn Gai và Hải Hà. Nay chỉ còn duy nhất rạp ở Hải Hà là giữ lại được.
Theo các cụ cao niên sinh sống ở Hòn Gai thì thời thuộc Pháp, phố Cây Tháp được người Pháp đặt là phố Paris. Nơi đây có nhà thông tin và rạp hát. Đây là khu trung tâm của Hòn Gai lúc đó, nằm trong sự kiểm soát của mật thám Pháp. Vào mỗi buổi sáng thứ hai hàng tuần, lính kèn Pháp đến thổi bài quốc ca Pháp tại đây. Sau khi ta tiếp quản Vùng mỏ (1955), phố Paris được đổi tên là Cây Tháp - theo cách gọi dân dã của người Hòn Gai bởi nơi đây có một tháp bị đổ. Và rạp Bạch Đằng còn tồn tại đến năm 1968, sau đó nơi đây xây dựng thay bằng một sân khấu biểu diễn văn nghệ, xung quanh khuôn viên sân có nhiều trò chơi dành cho thiếu nhi.
Trước cửa rạp có sân Cây Tháp tối nào cũng đông nghịt người chờ chực, nhất là những dịp bán vé phim tâm lý tình cảm khi trên pano quảng cáo có dòng chữ “Cấm trẻ em dưới mười sáu tuổi”. Có thể gọi đây như một quảng trường chính của Hòn Gai. Sân Cây Tháp cũng là chỗ trẻ con tụ tập đá bóng, chọi dế, đánh xèng, đôi khi cũng là điểm hẹn giữa đám trẻ phố này với phố khác. Nhà rạp nay là vị trí của tòa nhà Trung tâm Điện ảnh của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Ở Hòn Gai còn có một rạp chiếu bóng khác là rạp Hạ Long được xây vào cuối thập niên 50 của thế kỷ trước, ở vị trí của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long bây giờ, cũng do ngành Văn hóa - Thông tin quản lý. Trải qua hơn nửa thế kỷ phục vụ các thế hệ khán giả yêu điện ảnh ở Hạ Long, có thể nói, Rạp Hạ Long đã gắn bó, trở thành nét văn hoá thân thuộc trong ký ức mỗi người.
Hoạ sĩ Nghiêm Vinh, nhà ở phố Ba Đèo, nguyên Rạp trưởng Rạp Hạ Long, nhớ lại: "Những năm bảy mươi, tám mươi của thế kỷ trước, tấm vé vào rạp xem phim là niềm khao khát của rất nhiều người. Rạp lúc nào cũng đông người. Sân khấu sáng đèn liên tục".
Quảng Yên cũng từng có một rạp hát do người Pháp xây dựng gọi là rạp Minh Quang. Sau tiếp quản Vùng mỏ, rạp được đổi tên là rạp Thống Nhất. Hiện nay, tòa nhà Pháp xây làm rạp không còn. Trên nền móng cũ của rạp hát là Nhà Văn hóa TX Quảng Yên.
Ở Hải Hà có rạp chiếu bóng được xây dựng từ thời Pháp thuộc và là rạp hát duy nhất trên địa bàn tỉnh được giữ lại cho đến ngày nay. Rạp có 2 tầng, vé hạng nhất thì được lên tầng hai. Xưa là rạp chiếu bóng tư nhân, sau hoà bình lập lại thì Nhà nước thu hồi làm rạp chiếu bóng cũng như tổ chức các hoạt động văn hoá. Trong ký ức của người già ở đây, phố Hà Cối xưa không có những ngôi nhà cao tầng, không có ngã tư đèn xanh đèn đỏ, nhưng ngõ nhỏ thì nhiều. Hà Cối xưa còn giữ lại ngôi nhà Vạn Sinh đường, rạp chiếu phim, sân bóng đá... Hà Cối từ xa xưa đã có rạp chiếu phim chứ không phải xem phim ở sân khấu ngoài trời như nhiều nơi khác. Vì thế, rạp Hà Cối từng là niềm tự hào của người dân nơi đây.
Thời khi ti vi còn chưa có, các phương tiện giải trí còn ít thì rạp Hà Cối với hơn 200 chỗ ngồi có thể coi là trung tâm văn hoá, tinh thần của người dân huyện Hải Hà. Mỗi khi có đoàn văn công hay những bộ phim hay, người dân lại quây kín cửa rạp để có thể sở hữu chiếc vé vào xem. Hiện nay, rạp Hà Cối được gọi là rạp Hải Hà, nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động văn nghệ, chiếu phim, ca nhạc phục vụ nhu cầu tinh thần cho người dân trên địa bàn huyện.
Phạm Học
- Đàn đáy và di sản hát nhà tơ, hát múa cửa đình
- Quảng Ninh tham gia đón nhận Bằng ghi danh hát then là di sản văn hóa đại diện của nhân loại
- Kết nối các di sản văn hóa để phát triển du lịch
- Thực hành Then được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại
- Di sản nhà Trần đón đà mở cửa du lịch
- Đẩy mạnh chuyển đổi số, liên thông dữ liệu số quốc gia về di sản văn hóa
Liên kết website
Ý kiến ()