Tất cả chuyên mục
![](https://baoquangninh.vn/upload/files/logo/logo_footer_red.png)
Như tin đã đưa, ngày 18-11, tại TP Hạ Long, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổng kết cuộc thi thơ “Thợ mỏ TKV và hành trình 20 năm”...
Theo nhà thơ Vũ Quần Phương, Trưởng Ban Giám khảo, đây là cuộc thi thơ từ cơ sở cho nên Ban Tổ chức không có tham vọng phát hiện tài năng văn học mà quan trọng hơn, là để khơi dậy một phong trào sáng tác quần chúng. Và thực sự, cuộc thi đã nhận được sự hưởng ứng rất lớn của đông đảo những cây bút trong ngành Than, nhất là lực lượng sáng tác không chuyên. Theo Ban Tổ chức, có tác giả gửi tới mấy chục bài thơ, một số tác giả lại gửi cả tập thơ, có người là hội viên Hội VHNT Quảng Ninh, thậm chí là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, nhưng vẫn hăng hái tham dự…
![]() |
Nhà thơ Vũ Quần Phương (ngoài cùng, bên trái) và đại diện Ban Tổ chức tặng thưởng cho các tác giả đoạt giải. |
Với số lượng tác giả tham gia phong phú như vậy, chất lượng thơ chắc chắn sẽ không có được một mặt bằng chung. Nhà thơ Vũ Quần Phương cho biết, bên cạnh những bài thơ có cách thể hiện sáng tạo, bút pháp thơ khá vững vàng, còn có những chữ, những câu, những bài hơi vụng. Tuy nhiên, đây đều là những niềm xúc động chân thành, những nghĩ ngợi thiết thực về công việc, về cuộc đời của người trong cuộc. Nhà thơ Vũ Quần Phương nói: “Thơ của họ là những kiến nghị của tâm hồn người thợ mỏ…”. Ông còn bảo, chính điều đó làm cho những người “cầm cân nảy mực” như ông thấy công việc chấm thơ cũng là một cách chia sẻ, một nghiệm thu, một sự đồng điệu từ tâm hồn đến tâm hồn…”.
Cũng chính vì sự đa sắc màu của vườn hoa thơ ca ấy mà Ban Giám khảo đã phải mở rộng cơ cấu giải thưởng so với dự kiến. Lẽ ra chỉ có 3 giải A, 5 giải B, 7 giải C và 10 giải khuyến khích thì đã nâng lên 15 giải khuyến khích cùng với 3 giải thưởng cho các CLB thơ có nhiều thành viên hăng hái tham gia.
Giải A đã được trao cho các tác giả Trần Đình Nhân, Nguyễn Đình Thái và Văn Chư. Theo đánh giá của nhà thơ Vũ Quần Phương, trong 3 giải A, Trần Đình Nhân có cách cấu tứ khá chuyên nghiệp, Nguyễn Đình Thái mạnh dạn tìm cái nên thơ trong cuộc sống thường ngày của người thợ mỏ, biết cách tạo hình cho ý tưởng và không đẩy hiện thực quá sâu vào “cõi ảo”, còn Văn Chư lại trữ tình hoá các chi tiết tự sự, mạnh bạo nói về sự thực và đổi mới trong cách thể hiện.
5 giải B ghi nhận sự cố gắng của các tác giả: Nguyễn Thị Xuân, Lê Xuân Nguyện, Bùi Văn Phúc, Trần Tâm và Ngọc Tâm. Cả 5 người đều có sự cố gắng, xuất sắc ở từng mặt, “mỗi người một vẻ”. Nguyễn Thị Xuân mạnh về gợi không gian trữ tình, Lê Xuân Nguyện có những mảng cảm xúc khoẻ khoắn, xốc vác, hồn nhiên, Bùi Văn Phúc mộc mạc như văn xuôi, Trần Tâm có sáng tạo trong diễn đạt với những thủ pháp rất nghề, tinh tế trong tạo hình cho thơ, Ngọc Tâm lại được chú ý nhất ở giọng điệu chân chất, khéo khai thác hiện thực tâm trạng...
Với các tác giả được trao giải C, theo nhận xét của nhà thơ Vũ Quần Phương, đều có điểm chung là đã nhập cuộc sâu vào đời sống người thợ, vào không gian lao động của người thợ để tìm xúc cảm thơ. Hay cũng có thể nói, hơi thở của đời sống thường nhật đã tràn được vào thơ, nhưng chất thơ của đời, cái nên thơ của cuộc sống thì chưa thật lộ rõ trong các bài thơ này…
Như trên đã nói, đây là cuộc vận động sáng tác thơ có tính phong trào nhằm chào mừng sinh nhật lần thứ 20 của TKV, nên tất nhiên, âm hưởng chủ đạo là ngợi ca. Còn rất nhiều đề tài khác trong bộn bề đời sống người thợ vẫn chưa được nói ở đây. Vì thế, để thơ được “tung tẩy” hơn trong nhiều đề tài thì trong những năm tới, nếu cuộc thi vẫn tiếp tục thì thể lệ dự thi nên mở rộng đề tài, bởi theo nhà thơ Vũ Quần Phương “các tác giả trong cuộc thi này hẳn đã lưu lại trong lòng mình bao nhiêu cảm xúc về các đề tài tươi xanh khác nhau như tình yêu, tình cảm gia đình, tình trời đất với những cung bậc thế sự nhân tâm rắc rối và ý vị của cõi người…”.
Phạm Học
Ý kiến ()