Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 06/11/2024 03:55 (GMT +7)
Những việc người bệnh tăng huyết áp cần làm để an toàn trong ngày nắng nóng
Thứ 3, 28/06/2022 | 10:04:51 [GMT +7] A A
Thời tiết nắng nóng gay gắt có thể dẫn đến biến động huyết áp và làm cho tim đập nhanh hơn, nhất là ở những người đang mắc sẵn bệnh tăng huyết áp.
Mấy hôm nay, thời tiết nắng nóng khô gay gắt, có những thời điểm lên đến 38-40 độ C. Khi thời tiết nóng khô ở mức cao, cơ thể đáp ứng bằng cách đổ mồ hôi để làm mát, dẫn đến mất nhiều chất lỏng và điện giải hơn bình thường.
Tình trạng này có thể dẫn đến biến động huyết áp và làm cho tim đập nhanh hơn, nhất là ở những người đang mắc sẵn bệnh tăng huyết áp.
1. Thời tiết nóng ảnh hưởng đến huyết áp và tim như thế nào?
Nhiệt độ nóng bức khiến tim đập nhanh do nhu cầu oxy cơ thể tăng, mất nước và rối loạn trao đổi chất… dẫn đến làm huyết áp tăng lên. Vào ban đêm, nhiệt độ cao khiến người mắc bệnh tăng huyết áp dễ bị rối loạn giấc ngủ và khó chịu trong cơ thể, dễ xuất hiện hiện tượng huyết áp tăng ban đêm và tăng vọt huyết áp vào thời điểm thức dậy buổi sáng.
Đặc biệt, trời nắng nóng, người bệnh tăng huyết áp dễ lười vận động và hay ngồi trong phòng lạnh bật máy điều hòa. Điều này đặc biệt nguy hiểm với người bệnh tăng huyết áp. Khi mới từ ngoài trời nóng đi vào, sự thay đổi nhiệt độ đột ngột từ nóng sang lạnh sẽ làm cho những mạch máu đang giãn nở bình thường co lại, dẫn đến huyết áp tăng.
Ngược lại, nếu đang ở trong phòng lạnh trong một thời gian đi ra ngay ngoài thời tiết nóng bức làm các mạch máu giãn nở, khiến huyết áp dễ bị hạ đột ngột.
Ngoài ra, nếu người tăng huyết áp đang bị kèm bệnh hẹp mạch vành hay đang đặt stent mạch vành, lưu ý người bệnh có thể cảm thấy đau thắt ngực tăng lên trong thời tiết nóng gay gắt, vì nhiệt độ tăng cao làm tăng khối lượng công việc lên trái tim và tăng nhu cầu sử dụng oxy của cơ thể, đặc biệt khi người bệnh tim hoạt động nhiều hơn trong thời tiết nóng.
2. Người mắc tăng huyết áp cần làm gì trong những ngày nắng nóng gay gắt?
- Không rời giường ngay vào sáng ngủ dậy
Không nên đứng dậy đột ngột và rời giường ngay, nhất là người lớn tuổi đang mắc bệnh tăng huyết áp. Khi tỉnh dậy, bạn cứ nằm yên trên giường hít thở đều tầm vài phút cho thật tỉnh táo, xong ngồi dậy ở thành giường để chân xuống đất tầm vài phút cho cơ thể thích nghi với tư thế mới và môi trường nhiệt độ mới.
Làm như vậy để tránh hạ huyết áp tư thế đột ngột khi đứng và tránh biến cố đột quỵ thường xảy ra vào thời điểm này (trong vòng 30 phút kể từ khi thức dậy buổi sáng), nhất là trong những ngày nắng nóng ngay mới chớm sáng làm nhu cầu oxy cơ thể và nhịp tim tăng cao hơn bình thường.
- Tập thể dục hay vận động nhẹ nhàng vào buổi sáng
Vào những ngày nắng nóng, nhất là thức dậy buổi sáng đã cảm nhận được nắng nóng oi bức, tốt nhất chỉ nên vận động nhẹ nhàng, nhất là người lớn tuổi đang mắc bệnh tăng huyết áp hay mạch vành.
Bạn chỉ nên đi bộ mức độ vừa phải trong khoảng 30 phút là đạt yêu cầu, hoặc tập các môn thể dục dưỡng sinh hay yoga nhẹ nhàng đã được bác sĩ cho phép.
- Bắt buộc bù đủ nước và chất lỏng cho cơ thể
Bằng cách uống nhiều nước hoặc các đồ uống không có đường. Tránh uống quá nhiều đồ uống có cồn hoặc caffein. Thức uống có chứa caffein có thể khiến người bệnh mất nhiều chất lỏng hơn qua đường tiểu.
Khuyến cáo uống 8 ly nước mỗi ngày (ly dùng ăn chè chứa tầm 200 ml). Uống chia nhiều lần, nhớ uống ngay lúc chưa thấy khát. Khi bạn cảm nhận khát mới uống nước là cơ thể đã có dấu hiệu mất nước rồi.
Ngoài ra, chất lỏng có thể lấy từ thức ăn như canh, súp...
- Tăng cường làm mát cơ thể
Ăn các thức ăn mát, đặc biệt là rau củ và trái cây có hàm lượng nước cao như dưa hấu, nước dừa, mật hoa dừa, nước mía, nước chanh cam, nước ép trái cây…
Mặc quần áo bằng vải cotton nhẹ, rộng rãi và thông thoáng.
- Dùng máy điều hòa an toàn cho sức khỏe
Những người lớn tuổi mắc tăng huyết áp có nhu cầu dùng máy điều hòa làm mát, nên thực hiện như sau:
Khi ở trong phòng ban đêm: Không nên đặt chế độ quá lạnh, chỉ cần để nhiệt độ phòng quanh mức 28 độ trở lên kèm dùng thêm máy quạt thổi nhẹ là đạt yêu cầu. Nên có một thiết bị đo nhiệt độ phòng thường xuyên treo sẵn trong phòng dễ quan sát.
Khi ngủ ban đêm: Nên đặt chế độ tắt điều hòa tùy theo mức trời nóng từng ngày, kèm mở hé các cửa sổ trước khi đi ngủ để đảm bảo trao đổi khí và thải bớt khí CO2 tồn đọng quanh quẩn trong phòng. Nếu được như vậy, thường bạn có một giấc ngủ tốt và thức dậy không uể oải vào buổi sáng.
Khi vào ra phòng vào ban ngày: Bạn không nên để quá lạnh, nên dùng kèm thêm quạt để tăng làm mát. Khi đi ra khỏi phòng trong thời gian lâu, nên tắt điều hòa trước ít nhất 15 phút và rời phòng sau đó, nhằm tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột do không khí nóng gay gắt ở ngoài phòng.
Tình huống bạn đi vào một phòng có máy lạnh và chênh nhiệt độ đột ngột so với bên ngoài, tốt nhất bạn nên dùng khẩu trang, một lúc sau vào phòng và đã quen dần không khí lạnh có thể mở khẩu trang ra.
- Với bệnh nhân lớn tuổi mắc tăng huyết áp kèm thừa cân, béo phì
Cần phải chú ý siết chặt hơn các biện pháp phòng ngừa trong điều kiện nhiệt độ cao, do người thừa cân hay béo phì nhu cầu oxy cao hơn và áp lực lên tim lớn hơn.
- Chú ý một số loại thuốc điều trị bệnh tăng huyết áp và bệnh tim
Tất nhiên, người mắc bệnh tăng huyết áp phải dùng thuốc đều đặn và tái khám định kỳ theo hướng dẫn. Nhưng cần chú ý một số thuốc điều trị tăng huyết áp như thuốc chẹn beta, thuốc ức chế men chuyển, thuốc chẹn kênh calci và thuốc lợi tiểu làm giảm lượng natri có thể làm gia tăng phản ứng của cơ thể đối với nhiệt độ cao.
Tốt nhất, bạn cần tuân thủ đúng hướng dẫn và tư vấn của bác sĩ khi dùng thuốc điều trị tăng huyết áp.
- Tránh ở ngoài trời vào thời điểm nắng nóng nhất, nhất là từ 11 giờ trưa đến 3 giờ chiều
Trong những ngày nắng nóng, nhất là vào thời điểm nóng nhất trong ngày, tránh ở ngoài trời và nỗ lực vận động thể chất quá mức cần thiết. Dù đang ở trong nhà hay ở bên ngoài, đi xe đạp với bạn bè, chạy bộ trong công viên hoặc chỉ đi dạo quanh khu phố, điều quan trọng là giữ an toàn cơ thể khi nhiệt độ tăng lên.
Theo suckhoedoisong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()