Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 10:05 (GMT +7)
Những vụ án oan khiến người dân mất lòng tin
Chủ nhật, 26/10/2014 | 16:15:44 [GMT +7] A A
Trước thực tế nhiều bản án oan sai, kéo dài, đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi phải chăng đây là biểu hiện của sự thiếu tự tin, thiếu năng lực, sợ bồi thường trách nhiệm, hay sự vô cảm trước sinh mạng của người dân.
Thảo luận về công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và công tác thi hành án trong ngày 25/10, đại biểu Huỳnh Nghĩa cho rằng, những bản án kém đang làm ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân vào pháp luật.
Ông Nghĩa dẫn chứng, năm 2014, ngành công an đã khởi tố điều tra hơn 159.000 bị can, nhưng phải tạm đình chỉ điều tra hơn 3.200 bị can, đình chỉ điều tra 2.300, đặc biệt có 91 công dân bị oan sai, trong đó phải đình chỉ điều tra 60 bị can do hành vi không cấu thành tội phạm, đã hết thời gian điều tra nhưng không chứng minh được hành vi cấu thành tội phạm. Ngành toà án tuyên 21 bị cáo không phạm tội. Điều này chứng tỏ công tác khởi tố điều tra tội phạm có nhiều cố gắng nhưng vẫn còn là khâu yếu.
Theo Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Đà Nẵng, nguyên nhân của thực trạng trên có nhiều, nhưng chủ yếu là điều tra viên, kiểm sát viên trực tiếp phụ trách vụ án có vấn đề, hoặc là trình độ, năng lực hạn chế, nóng vội, chủ quan, xem nhẹ trách nhiệm của mình trước nhân dân. Khi khởi tố bị can điều tra viên đã không cân nhắc, xem xét thấu đáo các tình tiết.
"Đề nghị các ngành công an, kiểm sát báo cáo trước Quốc hội đã xử lý những điều tra viên, kiểm sát viên này như thế nào. Nếu không xử lý thì sẽ không có tác dụng răn đe, số người bị oan ngày càng tăng lên, mất lòng tin của nhân dân vào công lý, chế độ", ông Nghĩa nói.
Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng, ông Huỳnh Nghĩa. |
Năm 2014 ngành toà án đã giải quyết xét xử hơn 385.300 vụ án, đạt tỷ lệ 92,8%. Theo ông Nghĩa, đây là con số ấn tượng khi số vụ án thụ lý ngày càng tăng. Tuy nhiên, cũng theo báo cáo của ngành toà án, án thụ lý sửa lỗi chủ quan chiếm 1,61% - nghĩa là có trên 6.200 vụ án phải sửa lỗi chủ quan của thẩm phán. Đây là con số không hề nhỏ, gợi nhiều suy nghĩ bởi thực tế, lỗi chủ quan là lỗi chính của thẩm phán. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến lỗi này, như nhận thức, năng lực hạn chế. Tuy nhiên, không ít thẩm phán giỏi nhưng án bị huỷ, sửa rất nhiều.
"Vậy vấn đề ở đây là gì, đây là câu hỏi lớn cần được trả lời từ những người có trách nhiệm của ngành toà án. Cần đặc biệt quan tâm đến những người thụ lý các vụ án dân sự, kinh tế, thương mại có giá trị tranh chấp lớn, nhưng phải huỷ đi huỷ lại nhiều lần, qua các phiên toà sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm, kéo dài nhiều năm gây bức xúc cho đương sự, làm tốn kém tiền bạc của nhà nước, mất lòng tin của người dân đối với ngành toà án", ông Nghĩa nói và đề nghị Quốc hội tăng cường giám sát việc xét xử các toà án này, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
Đại biểu Bùi Văn Hùng chia sẻ, qua tiếp xúc cử tri, giải quyết đơn thư của người dân, ông thấy rằng người dân chưa thực sự tin tưởng việc đưa ra toà để phán quyết xử đúng sai các quyết định hành chính của chính quyền. Tình trạng thụ lý án kéo dài quá lâu cũng gây bức xúc cho dư luận. Ông lấy ví dụ vụ án vườn mít – Lê Bá Mai, xảy ra tại xã An Khương, huyện Hớn Quảng, tỉnh Bình Phước với tội danh hiếp dâm trẻ em và giết người xảy ra năm 2004. Vụ án này với đương sự là Lê Bá Mai đã lần lượt nhận các mức án tử hình, một bản án tha bổng tại toà, và đến nay là bản án chung thân.
"Dư luận rất bất bình và đặt tên là kỳ án vườn mít. Kỳ án bởi vì thời gian xét xử kéo dài quá lâu, các mức án quá khác biệt, cách xa nhau, có nhiều tình tiết đưa ra để kết tội chưa thực sự thuyết phục. Với những tình tiết trên, tôi đề nghị chánh án TAND tối cao xem xét lại vụ án, với tinh thần không để lọt lưới tội phạm nhưng nhất thiết không để oan sai, đặc biệt không sợ vì bồi thường trách nhiệm mà để oan sai cho người vô tội", ông Hùng nói.
Vụ án thứ hai vị đại biểu dẫn chứng không phức tạp nhưng vẫn kéo dài. Đó là vụ án ban quản lý chợ thị xã Đồng Xoài (Bình Phước) xảy ra đã hơn 10 năm. Đương sự đã nhiều lần kêu oan vì bị xử lý hành chính, sa thải và bị toà tuyên 3 năm án treo. Họ đã nhiều lần đề nghị nhanh chóng giải quyết vì càng để lâu càng ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Thực tế, án tuyên 3 năm treo nhưng họ đã phải chịu 10 năm án treo. Trong khi đó Toà án phúc thẩm trả lại điều tra bổ sung đã hơn 10 năm, Viện kiểm sát huyện trả lời đoàn đại biểu Quốc hội là đang chờ trả lời của Viện kiểm sát tỉnh, còn tỉnh thì bảo chờ ý kiến Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
“Chúng tôi không biết bao giờ vụ việc mới được giải quyết, phải chăng đây là biểu hiện của sự thiếu tự tin, do thiếu năng lực, bản lĩnh, sợ trách nhiệm bồi thường, thiếu trách nhiệm hay sự vô cảm trước sinh mạng chính trị của người dân”, ông Hùng đặt câu hỏi.
Đại biểu Trần Thị Dung lại nêu thực tế các trường hợp bị kết án, đã bị tòa cấm đảm nhận chức vụ nhưng vẫn được chính quyền bố trí chức vụ gây bất bình trong công luận. Đó là trường hợp ông Phạm Đăng Hoan, nguyên bí thư Đảng ủy và ông Lê Thanh Liêm nguyên Chủ tịch UBND xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng. Tòa án tuyên vào ngày 1/8/2013 là cấm đảm nhận chức vụ trong cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội trong thời gian một năm kể từ ngày chấp hành hình phạt, nhưng 17/4/2014, UBND huyện Tiên Lãng có văn bản đồng ý với đề xuất của UBND xã Vinh Quang ký hợp đồng lao động với ông Quang và Liêm để làm kế toán và cán bộ địa chính xây dựng.
"Đấy là theo báo cáo của Ủy ban Tư pháp, còn tôi muốn đề cập đến khía cạnh xã hội của việc thi hành án treo. Thực tế, việc thi hành án treo tại một số địa phương trong thời gian qua nổi lên những vấn đề khiến dư luận bất bình. Trong khi hàng chục nghìn người tốt nghiệp đại học, trên đại học thất nghiệp thì chính quyền một số xã ký hợp đồng với những người đang trong thời gian thi hành án vào làm việc hoặc chuyển từ xã này sang xã khác và vẫn giữ vị trí công tác đó", bà Dung nói.
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình cho biết, thực tế những vụ án oan sai đều bị xử lý theo mức độ nặng nhẹ, thậm chí xử lý hình sự đối với những kiểm sát viên tham gia vụ án oan như ở Bắc Giang, Sóc Trăng. Những trường hợp bị xử lý nội bộ cũng nhiều.
Đối với vụ án vườn mít - Lê Bá Mai, ông Bình cho biết trong lần họp Quốc hội trước đại biểu đã chất vấn và ông đã hứa tập trung xử lý sớm, khách quan, công bằng. "Do vụ án kéo dài nên chúng tôi rất thận trọng lập 2 tổ phản biện độc lập. Một bên chỉ ra những vấn đề còn vướng, một bên phản biện lại. Phiên toà phúc thẩm công khai được tổ chức, có tranh tụng, có sự tham gia của đông đảo phóng viên, người dân. Bản án phúc thẩm đã có hiệu lực và bản thân Lê Bá Mai không thấy phản ứng gì, không có đơn thư kêu oan", ông Bình nói.
"Mặc dù trong quá trình điều tra có sơ suất nhưng những điều đó không làm thay đổi bản chất vụ án. Chúng tôi sẽ có trả lời chính thức bằng văn bản, và việc này đã được liên ngành trung ương Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao... đánh giá", ông Bình nói.
Vụ án Ban quản lý chợ Đồng Xoài, ông Bình cho biết Viện kiểm sát nhân dân tối cao mới nhận thông tin, chưa có hồ sơ gốc vụ án. Tuy nhiên, qua thông tin ban đầu thì đương sự bị khởi tố lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ ở ban quản lý chợ. Nhưng sau đó vụ án bị đình chỉ miễn trách nhiệm hình sự do đã khắc phục hậu quả. Theo quy định, đình chỉ do đã khắc phục hậu quả thì không được bồi thường, nếu đình chỉ do vô tội mới có bồi thường.
Theo Vnexpress
Liên kết website
Ý kiến ()