Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 03:58 (GMT +7)
Niềm tin từ những gam màu sáng
Thứ 7, 25/12/2021 | 06:43:52 [GMT +7] A A
2021 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, cũng là năm Quảng Ninh phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là các đợt bùng phát dịch Covid-19. Thế nhưng, với những quyết sách đúng đắn, sáng tạo, Quảng Ninh đã vượt qua “bão Covid” kéo dài suốt từ tháng 4 để giành được những kết quả hết sức khả quan trên tất cả các mặt. Đây chính là nền tảng quan trọng đầu tiên để tỉnh hoàn thành thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho cả nhiệm kỳ.
Chỉ đạo quyết liệt, trọng tâm, trọng điểm
Từ năm 2020 đến nay, dịch Covid-19 gây ra những ảnh hưởng rất nghiêm trọng tới đời sống và sản xuất, nặng nề nhất là trong khu vực du lịch, dịch vụ vốn là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Trước tình hình đó, trên quan điểm chấp hành nghiêm túc, sáng tạo các chỉ đạo của Trung ương, bám sát thực tiễn với tầm nhìn xa, chiến lược, Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, nghiêm túc, chủ động, kịp thời vận dụng sáng tạo các chủ trương, nghị quyết của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào điều kiện thực tiễn của tỉnh, nâng cao chất lượng ban hành các chủ trương, cơ chế, chính sách phát triển theo hướng thiết thực, ngắn gọn, khả thi, có trọng tâm, trọng điểm, toàn diện trên các lĩnh vực.
Nổi bật là Tỉnh ủy đã ban hành 5 nghị quyết có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển trong năm 2021 và cả nhiệm kỳ; 13 chỉ thị và trên 300 kết luận, thông báo lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các nhiệm vụ chính trị; nghe và cho ý kiến đối với 13/15 đề án, chương trình trọng điểm thực hiện Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh. Cùng với đó là đẩy mạnh ứng dụng đồng bộ công nghệ thông tin trong hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan Đảng từ tỉnh đến cơ sở.
Đặc biệt, trước diễn biến hết sức phức tạp, khó lường của dịch Covid-19, tỉnh Quảng Ninh đã nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, tự lực, tự cường, phát huy truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm”, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, nghiêm túc quán triệt, quyết liệt triển khai thực hiện linh hoạt, sáng tạo, có hiệu quả các chỉ đạo của Trung ương, Ban Chỉ đạo quốc gia về công tác phòng, chống dịch Covid-19 phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Nhất là đã đề ra những chủ trương, chiến lược, giải pháp đúng đắn, khoa học, kịp thời; kiên trì thực hiện phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”, tích cực, chủ động, từ xa, từ sớm, từ cơ sở.
Hằng tuần và đột xuất khi cần thiết Thường trực Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh tổ chức họp trực tuyến tới 13 đơn vị cấp huyện, 177 đơn vị cấp xã để đánh giá tình hình triển khai thực hiện và đề ra các chủ trương, định hướng, biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với tình hình mới.
Trên cơ sở lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh, các cấp, ngành, địa phương cũng đã khẩn trương xây dựng và triển khai có hiệu quả kế hoạch thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; rà soát, xây dựng kịch bản và phương án bảo đảm công tác y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 theo từng cấp độ dịch ở cấp xã, cấp huyện, liên thông tổng thể với cấp tỉnh, bảo đảm phù hợp với khả năng ứng phó, năng lực y tế của từng địa bàn. Chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo (AI) vào công tác phòng, chống dịch. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện tại cơ sở, nhất là các địa bàn, khu vực có nguy cơ cao xảy ra dịch bệnh…
Riêng đối với nhiệm vụ phát triển KT-XH, trong điều kiện ngành mũi nhọn du lịch, dịch vụ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy đã ban hành 9 kết luận và các thông báo, văn bản lãnh đạo, chỉ đạo với quan điểm nhất quán, kiên trì, quyết tâm thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu tại Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 2/12/2020 đề ra. Trong đó xác định rõ vai trò, trách nhiệm lãnh đạo của cấp ủy, chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện của chính quyền các địa phương, các sở, ban, ngành, nhất là người đứng đầu.
Tỉnh đã tập trung chỉ đạo, xác định rõ khu vực công nghiệp và xây dựng là trụ cột, bù đắp cho du lịch, dịch vụ đảm bảo chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách theo Nghị quyết đề ra, trọng tâm là ngành than, điện, chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ. Đặc biệt là tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 16/11/2020 của Tỉnh ủy nhằm phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành động lực dẫn dắt tăng trưởng trong năm 2021 và trong giai đoạn tới. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã làm việc với TKV và Tổng Công ty Đông Bắc; chỉ đạo thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho ngành điện, vật liệu xây dựng, dệt may, điện tử... Chỉ đạo khai thác tối đa dư địa tăng trưởng từ lĩnh vực xây dựng; thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án đầu tư và khu vực dân doanh gắn với khuyến khích sử dụng nguyên vật liệu xây dựng được cung cấp trên địa bàn tỉnh.
Quảng Ninh cũng tích cực thúc đẩy các hoạt động thương mại bán lẻ, thương mại biên giới, xuất nhập khẩu, dịch vụ vận tải; tận dụng cơ hội kiểm soát được tình hình dịch bệnh để phục hồi ngành du lịch gắn với ban hành các chính sách kích cầu du lịch phù hợp; làm việc, tháo gỡ khó khăn, phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh; chỉ đạo triển khai các hoạt động, sự kiện kích cầu và xúc tiến quảng bá du lịch Quảng Ninh năm 2021. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh cũng đã làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng để đánh giá kết quả thực hiện chương trình phối hợp, đồng thời định hướng, đưa ra các giải pháp trong thời gian tới; phát triển mạnh thị trường trong nước, thực hiện các giải pháp kích thích tiêu dùng nội địa.
Công tác điều hành thu - chi ngân sách được tập trung chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm, đưa ra các kịch bản thu để điều hành chi đảm bảo cân đối ngân sách, cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết và thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên, tăng dự phòng ngân sách cho công tác phòng, chống dịch. Chỉ đạo các biện pháp tăng thu, cơ cấu lại nguồn thu, chống thất thu, khai thác nguồn thu mới để bù đắp giảm thu ở lĩnh vực du lịch, dịch vụ; rà soát nộp thuế bảo vệ môi trường đối với sử dụng, tiêu thụ xăng dầu của ngành Than và các doanh nghiệp tại Quảng Ninh.
Quyết liệt chỉ đạo đẩy mạnh giải ngân, cơ cấu lại gắn với nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, rà soát việc phân bổ vốn cho các dự án phù hợp với tiến độ thực hiện và khả năng giải ngân, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm...
Thành quả từ sự chung sức, đồng lòng
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp, toàn thể người dân, sự linh hoạt, sáng tạo, chủ động trong công tác chỉ đạo, điều hành, nhận diện sớm nguy cơ xâm nhiễm của dịch bệnh, có biện pháp, kịch bản ứng phó kịp thời, hiệu quả theo phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”, mặc dù là địa phương chịu tác động trực tiếp, mạnh mẽ của dịch Covid-19 khi có nhiều đường biên giới, cửa khẩu, cảng khẩu với Trung Quốc, cùng hoạt động XNK sôi động, cư dân biên giới thông thương với tần suất cao… nhưng Quảng Ninh đã phòng, chống dịch hiệu quả, không để dịch lây lan ra cộng đồng, giữ vững địa bàn “An toàn - Thân thiện - Hấp dẫn”.
Tỉnh đã thực hiện tốt mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển KT-XH, đảm bảo mục tiêu, kế hoạch đã đề ra từ đầu năm, lấy lại đà tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững an ninh trật tự. Kết quả rất đáng tự hào đó đã được Trung ương, các bộ, ngành cùng toàn thể nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá cao.
Một trong những minh chứng rõ nét nhất cho sự thành công thực hiện mục tiêu kép của Quảng Ninh là giữ vững đà tăng trưởng 2 con số trong 6 năm liên tiếp (2016-2021). Riêng năm 2021, tốc độ tăng trưởng GRDP cả năm ước đạt 10,28%, gấp nhiều lần tốc độ trung bình của cả nước. Trong đó khu vực công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 32,19% cùng kỳ, là động lực chính đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và góp phần quan trọng bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết việc làm cho lao động khu vực du lịch, dịch vụ bị ảnh hưởng do dịch Covid-19; khu vực nông - lâm - thủy sản duy trì ổn định.
Tổng thu NSNN đạt 51.064 tỷ đồng, tăng 15% dự toán Trung ương giao, tăng 4% so với năm 2020, trong đó: Thu nội địa thực hiện ước đạt 40.064 tỷ đồng, tăng 24% dự toán Trung ương giao, tăng 8% so với năm 2020. Cải cách hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tiếp tục được cải thiện với Chỉ số PCI và PAR Index dẫn đầu cả nước 4 năm liên tiếp, Chỉ số SIPAS dẫn đầu các tỉnh, thành phố 2 năm liên tiếp và năm 2020 lần đầu tiên tỉnh dẫn đầu toàn quốc về Chỉ số PAPI.
Đặc biệt, trong điều kiện bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh, tỉnh vẫn ghi dấu ấn với thu hút đầu tư ngoài ngân sách tăng cao, đạt 361.143 tỷ đồng, trong đó thu hút FDI thế hệ mới đạt trên 1 tỷ USD, gấp 2,67 lần so với năm 2020; tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 93.938 tỷ đồng, tăng trên 10%… Cùng với đó là đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư, phê duyệt kế hoạch chọn nhà thầu với loạt dự án khởi công mới, tăng tiến độ công trình trọng điểm như cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, tuyến đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, cầu Cửa Lục 1, cầu Cửa Lục 3… Các dự án lớn này khi hoàn thành hứa hẹn tạo kết nối đồng bộ, thuận tiện trên địa bàn tỉnh cũng như với khu vực lân cận. Nhờ đó, lĩnh vực xây dựng đạt mức tăng 23,25% so với năm 2020.
Cùng với những kết quả về kinh tế, lĩnh vực xây dựng Đảng, hoàn thiện hệ thống chính trị của tỉnh cũng được quan tâm thực hiện đạt nhiều kết quả quan trọng. Trong đó nổi bật là tổ chức thành công cuộc bầu cử ĐBQH khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 bảo đảm dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, với tỷ lệ cử tri đi bầu cao, đạt 99,95% (thuộc nhóm các tỉnh, thành phố cao nhất cả nước và là một trong kỳ bầu cử có tỷ lệ cử tri đi bầu cao nhất trong 4 kỳ bầu cử gần đây).
Lĩnh vực an sinh xã hội và phúc lợi xã hội được đặc biệt quan tâm; đời sống nhân dân được chăm lo, cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều chỉ còn 0,15%; hết năm 2021 có 98/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 9/13 địa phương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Tỉnh đã tổ chức an toàn, thành công kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 (kết quả tốt nghiệp tăng 14 bậc so với năm học trước); học sinh được dự khai giảng và đi học trực tiếp trong môi trường kiểm soát được dịch bệnh. Quốc phòng - an ninh được bảo đảm vững chắc, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, chủ quyền biên giới quốc gia được bảo đảm, xử lý kịp thời, đúng hướng, thỏa đáng các vấn đề trên biên giới; từng bước xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, văn minh. Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo, giải quyết...
Khí thế mới, động lực mới
Từ những thành quả xây dựng, phát triển của cả quá trình kết tinh sức sáng tạo, nỗ lực, phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc, lực lượng vũ trang trong tỉnh, với những kết quả đạt được rất toàn diện và nổi bật mang tính lịch sử trong hai năm 2020 và 2021, đưa Quảng Ninh trở thành một trong những địa phương điển hình về phòng, chống dịch Covid-19 và thực hiện thành công mục tiêu kép; khẳng định vị thế, uy tín, vai trò cực tăng trưởng toàn diện của phía Bắc; tạo ra thế và lực mới củng cố vững chắc niềm tin trong nhân dân, tạo sự đồng thuận sâu rộng trong xã hội, nhân lên niềm tự hào của cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc Quảng Ninh.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Ký chia sẻ: Những kết quả đậm nét, quan trọng trong năm 2021 đã tạo dấu ấn nổi bật, có ý nghĩa quyết định hoàn thành cơ bản các mục tiêu của cả nhiệm kỳ, tạo ra niềm tin mới, khí thế mới, động lực mới, sức mạnh mới cho Ðảng bộ và nhân dân các dân tộc Quảng Ninh vững bước trong chặng đường tiếp theo nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp.
Từ lực đẩy cùng những kinh nghiệm của năm cũ, năm 2022, Quảng Ninh xác định tiếp tục có những thời cơ, thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen, thế nhưng mục tiêu tối thượng là tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác với đại dịch Covid-19, luôn nỗ lực vượt bậc hoàn thành thắng lợi mục tiêu kép, cùng với đó là thực hiện thành công chủ đề năm.
Trong đó, tỉnh sẽ quyết tâm giữ vững địa bàn an toàn và đà tăng trưởng trong trạng thái bình thường mới; đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy liên kết vùng; tận dụng cơ hội kiểm soát tốt dịch bệnh, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực và sức mạnh tổng hợp; phấn đấu tăng trưởng GRDP trên 10%, tổng thu NSNN trên địa bàn tăng tương ứng với tăng trưởng GRDP. Từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh kiểu mẫu ngày càng giàu đẹp, văn minh, tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, một trong những nơi hội tụ và lan tỏa phát triển KT-XH của phía Bắc.
Trong năm 2022, Quảng Ninh đặt ra 16 chỉ tiêu cụ thể cho từng lĩnh vực. Trong đó có những mục tiêu lớn như tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) tăng trên 10%; tổng thu NSNN trên địa bàn không thấp hơn 52.600 tỷ đồng; giữ vững vị trí nhóm đứng đầu cả nước về các chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS, PAPI; hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới…
Tin rằng, với việc xác định rõ mục tiêu hướng đến, xây dựng kịch bản chi tiết, kỹ lưỡng cho từng thời điểm, địa bàn, cùng sự đoàn kết, đồng lòng ủng hộ của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, sự quyết tâm, linh hoạt, sáng tạo, chủ động trong công tác chỉ đạo, điều hành, Quảng Ninh sẽ thực hiện thắng lợi toàn diện những chỉ tiêu, mục tiêu đề ra cho năm 2022 với chủ đề công tác “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; giữ vững đà tăng trưởng; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao”.
Hoài Anh
Liên kết website
Ý kiến ()