Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 10:27 (GMT +7)
Niềm vui chưa trọn trên cánh đồng khoai tây Atlantic Bình Dương
Thứ 3, 23/02/2016 | 07:11:26 [GMT +7] A A
Năm 2013, nông dân xã Bình Dương (TX Đông Triều) bắt đầu triển khai trồng giống khoai tây Atlantic trên cánh đồng mẫu lớn 51ha của xã để cung cấp cho các công ty Hàn Quốc. Sản lượng khoai tây trồng đạt trung bình 14 tấn/ha, giá trị đạt 90 - 100 triệu đồng/ha, cao hơn trên 50 triệu đồng so với trồng các loại cây trồng khác. Kết quả này hứa hẹn một hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp của nông dân Đông Triều.
Nông dân Bình Dương thu hoạch khoai tây Atlantic. |
Tuy nhiên “niềm vui lớn chẳng tày gang”. Vụ đầu năm nay, tuy sản lượng khoai tây vẫn đạt cao như những năm trước, nhưng chất lượng khoai không được như mong đợi. Tỷ lệ củ khoai tây bị nứt, vỡ lớn, chiếm tới 30% tổng sản lượng thu hoạch, có hộ lên đến 50% đến 60% sản lượng. Theo thống kê của Phòng Kinh tế thị xã, tổng sản lượng khoai của vụ này trên cánh đồng mẫu lớn Bình Dương đạt trên 700 tấn, thì có đến trên 200 tấn củ nứt, vỡ. Chính vì củ khoai tây bị nứt vỡ, nên không đáp ứng tiêu chuẩn thu mua của phía doanh nghiệp Hàn Quốc, họ từ chối thu mua, dẫn đến sản phẩm bị tồn đọng khá lớn, buộc nông dân phải bán tháo với giá rất thấp. Trong đợt thu hoạch đầu tiên (trước Tết Nguyên đán) nông dân đã bán khoảng 70 tấn củ khoai tây nứt, vỡ với giá chỉ 1.000 đồng/kg; so với giá thu mua của các doanh nghiệp Hàn Quốc (ổn định ở mức 6.500 đồng/kg, loại củ đạt tiêu chuẩn) thì nông dân bị mất 5.500 đồng/kg. Thậm chí nhiều hộ dân không bán được phải chất đống trong nhà, ngoài đồng. Nguyên nhân bởi thời điểm này nông dân đang thu hoạch nhiều loại rau màu, sức tiêu thụ khoai tây trên thị trường giảm, còn khoai tây làm thức ăn gia súc, gia cầm cũng hạn chế bởi số lượng lợn, gà được chăn nuôi trên địa bàn đã giảm mạnh sau dịp Tết Nguyên đán. Ông Đặng Văn Diềm, Trưởng Phòng Kinh tế TX Đồng Triều, cho biết: Ngay sau Tết thị xã đã tăng cường kết nối với các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm của thị xã để hỗ trợ người dân bán khoai tây nứt, vỡ, song số lượng tiêu thụ chưa được là bao. Tình trạng khoai tây không đạt tiêu chuẩn xuất cho các doanh nghiệp Hàn Quốc khiến cho nhiều nông dân canh tác loại cây trồng này giảm thu nhập mạnh. Ông Nguyễn Văn Tình, một trong những người dân trồng khoai tại xã Bình Dương, cho biết: Vụ khoai năm nay, mặc dù nhà tôi chưa thu hoạch hết diện tích, nhưng đã có trên 1 tấn khoai nứt vỡ bị loại, không xuất được, ước tính mất trên 50 triệu đồng. Trong nhà cũng không có chỗ chứa, nếu không bán được, khoai tây để lâu sẽ mọc mầm xanh thì cho cũng chẳng ai lấy, chứ đừng nói là bán.
Theo ông Bùi Văn Hanh, Phó Trưởng Phòng Kinh tế thị xã, nguyên nhân là do tác động bất lợi của thời tiết thời gian qua. Đợt mưa rét kéo dài cuối tháng 1 vừa qua, cây khoai đúng vào thời điểm củ đang phát triển mạnh nhất, gặp mưa nhiều khiến củ to nhanh quá mức, dẫn đến bị nứt vỡ. Để cải thiện tình trạng này, hiện Phòng đã đề xuất phương án khắc phục. Cụ thể, thị xã sẽ làm điểm và khuyến khích các hộ dân sử dụng hệ thống nilon để che phủ trên diện tích khoai tây, như vậy sẽ hạn chế thấm nước xuống ruộng trong điều kiện thời tiết mưa, hạn chế khô hạn khi trời nắng. Chi phí cho việc này ước khoảng 10 triệu đồng/ha; dự tính giảm được tối thiểu 70%-80% số lượng củ bị nứt vỡ. 1 lần đầu tư che phủ nilon có thể sử dụng được đến 3 vụ và trong vụ thí điểm tới đây, các hộ gia đình tham gia sẽ được thị xã hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư giấy nilon.
Từ vụ khoai tây không đạt yêu cầu thành phẩm khiến đối tác từ chối thu mua gây tổn thất cho người nông dân, thiết nghĩ các phòng, ban chuyên môn của TX Đông Triều cần rút kinh nghiệm trong việc hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân trước khi trồng thử nghiệm các mô hình mới. Nông dân cũng cần phải tìm hiểu kỹ thuật canh tác, nhất là khi hợp tác với các đối tác nước ngoài, đòi hỏi rất cao chất lượng sản phẩm, thì quy trình trồng trọt cần phải thực hiện nghiêm túc, bài bản.
Việt Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()