Theo bản tin nợ công của Bộ Tài chính, nợ công Việt Nam giảm dần trong 5 năm qua, từ mức 61,4% năm 2017 về 43,1% GDP vào năm ngoái. Với quy mô GDP năm 2021 là 368 tỷ USD, mức nợ công của Việt Nam năm ngoái tương đương 157 tỷ USD (trên 3,6 triệu tỷ đồng).
Ngoài nợ công, các dữ liệu thống kê của Bộ Tài chính trong 5 năm (2017 - 2021) cho thấy nợ Chính phủ, nợ Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương cũng đang giảm.
Theo đó, nợ Chính phủ từ 51,7% GDP năm 2017 xuống còn 39,1% GDP năm 2021, tương đương gần 144 tỷ USD. Nợ Chính phủ bảo lãnh giảm 2,5 lần sau 5 năm, từ 9,1% GDP năm 2017 về 3,8% GDP năm 2021, tức gần 14 tỷ USD.
Năm ngoái, nợ chính quyền địa phương là 0,6%, giảm 0,5% so với cách đó 5 năm. Còn nợ nước ngoài của quốc gia đến hết năm 2021 còn 38,4% GDP so với mức 49% GDP năm 2017.
Trong khi nợ nước ngoài giảm, nợ vay từ trong nước lại tăng đáng kể, chiếm 67,2% dư nợ Chính phủ, tương đương 2,2 triệu tỷ đồng đến hết 2021.
Cùng đó, nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia và trả nợ của Chính phủ lại tăng nhẹ, lần lượt là 6,8% tổng kim ngạch xuất khẩu và 21,8% thu ngân sách vào năm ngoái.
Cũng theo báo cáo của Bộ Tài chính, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Đức... lần lượt là các chủ nợ song phương lớn nhất của Việt Nam. Đến 2021, Nhật Bản cho Việt Nam vay hơn 316.000 tỷ đồng; Hàn Quốc hơn 32.000 tỷ đồng, Pháp 30.000 tỷ đồng...
Đứng đầu danh sách trong số đối tác đa phương cho Việt Nam vay nhiều nhất là Ngân hàng Thế giới (WB), với 380.000 tỷ đồng; Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hơn 188.000 tỷ đồng.
Năm nay, Chính phủ dự kiến vay tối đa 675.546 tỷ đồng (gần 30 tỷ USD), trong đó 96% là vay cân đối ngân sách trung ương, còn lại là vay về cho vay lại.
Với dự kiến này, trường hợp GDP năm 2022 tăng trưởng khá, Chính phủ tính toán nợ công năm 2022 khoảng 43-44%% GDP, nợ Chính phủ 40-41% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia 40-41% GDP; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách khoảng 21-22%.
Ý kiến ()