Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 06/11/2024 06:28 (GMT +7)
Xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp
Thứ 7, 16/04/2022 | 13:57:39 [GMT +7] A A
Đây là năm thứ 9 Quảng Ninh triển khai đánh giá Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) (PAR-INDEX); Chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức (SIPAS); Chỉ số đánh giá hiệu quả quản trị cấp huyện (DGI) và Chỉ số đánh giá mức độ chính quyền điện tử (ICT) tại các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, cơ quan Trung ương trên địa bàn tỉnh. Những kết quả đạt được cho thấy tín hiệu tích cực khi các chỉ số có sự chuyển biến và cải thiện cao hơn; đồng thời cũng cho thấy những dư địa, không gian cải cách còn rộng mở để các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục khai thác, bổ sung trong thời gian tới với mục tiêu cao nhất để xây dựng nền hành chính ngày càng hiện đại, chuyên nghiệp.
Tăng điểm các chỉ số
Nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng phục vụ và cung cấp dịch vụ hành chính cho tổ chức và người dân, từ năm 2013, hằng năm tỉnh đều triển khai đánh giá xác định Chỉ số PAR-INDEX, SIPAS, DGI và ICT tại các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, cơ quan Trung ương trên địa bàn tỉnh. Việc triển khai đánh giá các bộ chỉ số được thực hiện thông qua các tiêu chí, tiêu chí thành phần trong từng nội dung đánh giá và điều tra xã hội học.
Năm 2021, tỉnh triển khai đánh giá xác định Chỉ số PAR-INDEX đối với 20 sở, ban, ngành; 13 địa phương, 8 cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh và bổ sung thêm khối đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh vào đánh giá với 11 đơn vị. Chỉ số SIPAS thực hiện đánh giá đối với 20 sở, ban, ngành, 13 huyện, thị xã, thành phố và 8 cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung đánh giá 5 tiêu chí với 26 chỉ số thành phần phản ánh quá trình cung cấp dịch vụ công của cơ quan nhà nước trên địa bàn.
Đối với chỉ số DGI, năm 2021 được đánh giá ở 8 nội dung với 29 chỉ số thành phần và 96 chỉ báo. Việc đánh giá được thực hiện đối với 40 đơn vị cấp xã thuộc 13 huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh với sự tham gia đánh giá của 1.000 người dân. Còn bộ tiêu chí ICT được xây dựng lại theo hướng bổ sung, thay thế nhiều tiêu chí mới so với năm 2020. Các tiêu chí tập trung đưa những công việc vào xử lý hồ sơ điện tử trên môi trường mạng để đánh giá được chính xác, hiệu quả khai thác sử dụng Hệ thống Chính quyền điện tử và phù hợp với các tiêu chí đánh giá về chỉ số PAPI, PAR Index, PCI.
Ghi nhận tại lễ công bố chỉ số PAR-INDEX, SIPAS, DGI, ICT của các cơ quan, đơn vị, địa phương năm 2021 được tổ chức ngày 16/4 cho thấy, chất lượng các chỉ số có nhiều chuyển biến, thể hiện sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Theo kết quả được công bố, trong 7 chỉ số thành phần chính của chỉ số PAR-INDEX được đánh giá, có 4/7 chỉ số có sự tăng giá trị trung bình so với năm 2020, gồm: Chỉ số thành phần công tác chỉ đạo, điều hành CCHC; Chỉ số thành phần cải cách TTHC; Chỉ số thành phần cải cách tổ chức bộ máy hành chính; Chỉ số thành phần cải cách tài chính công.
Đối với chỉ số SIPAS năm 2021 cao hơn so với năm 2020 là 0,38% (đạt 94,4%). Trong đó, tỷ lệ trung bình đánh giá hài lòng đối với sự phục vụ của Khối cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh là cao nhất, đạt 96,1%; khối huyện, thị xã, thành phố có tỷ lệ hài lòng trung bình đạt 94,5% và khối sở, ban, ngành có tỷ lệ hài lòng trung bình đạt 93,3%.
Ở chỉ số DGI, điểm trung bình là 72,7 điểm, cao hơn 3,9 điểm so với năm 2020 (68,8 điểm). Trong đó, có 12/13 địa phương nằm trong nhóm đạt điểm xuất sắc và 1 địa phương nằm trong nhóm đạt điểm tốt. Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, song các địa phương đã có nhiều cố gắng, nỗ lực vận động nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp cùng với chính quyền các cấp thực hiện tốt các giải pháp nhằm khắc phục khó khăn, thực hiện vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế.
Kết quả đánh giá chỉ số ICT ở 220 đơn vị từ cấp tỉnh đến cấp xã cho thấy so với năm 2020 điểm đánh giá đối với khối sở, ban ngành, UBND cấp huyện và UBND cấp xã năm 2021 đều có sự tiến bộ. Cụ thể, đối với các sở, ban, ngành, mức độ trung bình đạt được 88 điểm (mức khá), cao hơn so với năm 2020 là 12 điểm, cao nhất từ trước đến nay. Khối huyện, thị xã, thành phố, điểm trung bình tăng 5% so với năm 2020. Mức độ Chính quyền điện tử của các đơn vị cấp xã lần đầu tiên đạt mức khá, tăng 7 điểm so với năm 2020 và cao so với mặt bằng chung toàn quốc. Kết quả đánh giá này phần nào cũng thể hiện được sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong triển khai ứng dụng CNTT, xây dựng và phát triển chính quyền số trong thời gian tới của tỉnh.
Xây dựng nền hành chính phục vụ
Kết quả đánh giá các Chỉ số PAR-INDEX, SIPAS, DGI, ICT của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh năm 2021 dù đã có sự cải thiện so với năm 2020, song theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn là vẫn còn những tồn tại cần sớm khắc phục.
Đồng chí Bùi Thúy Phượng, Giám đốc Sở Nội vụ, cho biết: Qua đánh giá các chỉ tiêu, tiêu chí cho thấy công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện CCHC tại một số đơn vị, địa phương chưa thật sự quyết liệt; việc giải quyết TTHC tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh vẫn còn để xảy ra tình trạng “tồn đọng” hồ sơ, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực đất đai, xây dựng. Ngoài ra, qua đánh giá tác động của cải cách đến cải cách TTHC cho thấy “sự minh bạch, rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong quy trình giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền” mới chỉ đạt từ 88% đến 89%.
Bên cạnh đó, qua điều tra sự hài lòng của người dân về phục vụ của các cơ quan hành chính cho thấy, tỷ lệ người dân, tổ chức trả lời phải đi lại nhiều lần trong quá trình giải quyết TTHC năm 2021 là 4,27%, tăng so với các năm trước. Việc cập nhật thông tin trên cổng thông tin thành phần của các huyện, thị xã, thành phố chưa được quan tâm, trên 60% xã, phường, thị trấn chưa đưa Cổng thông tin điện tử thành phần vào sử dụng, khai thác. Trình độ về CNTT của cán bộ, công chức cấp xã còn nhiều hạn chế, chưa phát huy hết hiệu quả của hệ thống Chính quyền điện tử để xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng.
Tỉnh Quảng Ninh xác định CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và nâng cao hiệu quả quản trị cấp huyện là việc làm lâu dài trong chiến lược xây dựng và phát triển tỉnh, chỉ có điểm bắt đầu chứ không có điểm kết thúc, dư địa cải cách còn lớn, không gian cải cách còn rộng mở. Trên cơ sở thẳng thắn nhìn nhận những mặt chưa đạt được, các cơ quan, đơn vị, địa phương tham gia đánh giá các chỉ số khẳng định quyết tâm để khai thác tốt các dư địa, nâng cao các chỉ số cải cách, góp phần xây dựng nền hành chính ngày càng hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, năng động, công khai, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng mong mỏi và kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp.
Đồng chí Nguyễn Văn Ngoãn, Chủ tịch UBND TX Đông Triều, cho biết: Thị xã quyết liệt triển khai nhiệm vụ này trong thời gian tới, trong đó tập trung nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng CNTT, hướng tới xây dựng chính quyền phục vụ, chuyển đổi số toàn diện; gắn trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai công tác CCHC; tiếp tục nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, tinh thần, trách nhiệm, kỹ năng hành chính, kỹ năng CNTT của đội ngũ CB,CC,VC...
Để công tác CCHC tiếp tục đạt kết qua cao, góp phần vào thực hiện mục tiêu Quảng Ninh giữ vững vị trí nhóm đầu cả nước về Chỉ số PCI, PAR-INDEX, SIPAS, PAPI, tại hội nghị công bố chỉ số PAR-INDEX, SIPAS, DGI, ICT của các cơ quan, đơn vị, địa phương năm 2021, đồng chí Trịnh Thị Minh Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, đã yêu cầu: Các cơ quan, đơn vị, địa phương, trực tiếp là người đứng đầu cần đặc biệt quan tâm, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 05-NQ/TU của Tỉnh ủy về đẩy mạnh CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, gắn với Nghị quyết số 09-NQ/TU Chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với yêu cầu hành động quyết liệt, sâu sát, cụ thể, kiên trì, liên tục, phải trực tiếp, thường xuyên và phải đong đo đếm được kết quả, hiệu quả, không chạy theo thành tích.
Các địa phương, cơ quan, đơn vị nghiên cứu đổi mới quy trình giải quyết TTHC tại các trung tâm Hành chính công và Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã theo hướng tăng cường ứng dụng CNTT, giảm sự tiếp xúc trực tiếp với người dân, doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả hoạt động của UBND các cấp, nhất là cấp cơ sở theo hướng sâu sát, cụ thể, rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ thời gian hoàn thành và rõ kết quả. Cùng với đó, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn mới.
Thu Chung
Liên kết website
Ý kiến ()