Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 13/11/2024 17:21 (GMT +7)
Nỗ lực cho mục tiêu thành lập 10.000 doanh nghiệp mới
Thứ 5, 15/06/2023 | 08:46:13 [GMT +7] A A
Ngày 4/11/2022, tại Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa XIV ban hành Nghị quyết số 124/NQ-HĐND về một số giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh gắn với chuyển đổi số tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó đặt mục tiêu phấn đấu giai đoạn 2020-2025 có 10.000 doanh nghiệp thành lập mới.
Để hoàn thành mục tiêu này, Quảng Ninh đã đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp khu vực tư nhân, đặt kế hoạch mỗi năm có ít nhất 2.000 doanh nghiệp thành lập mới. Từ tỉnh đến các địa phương, các sở, ban, ngành đều xác định việc phát triển doanh nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng của người đứng đầu, chủ động phối hợp triển khai đồng bộ, kịp thời các giải pháp, chính sách, cơ chế nhằm thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ về phát triển doanh nghiệp.
Lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn sát cánh, đồng hành cùng doanh nghiệp. Trong đó, UBND tỉnh đã chủ động, kịp thời báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương tháo gỡ về quy hoạch, thủ tục đầu tư; giấy phép khai thác, thăm dò, nâng công suất khai thác đối với một số mỏ cho các doanh nghiệp ngành than; triển khai tháo gỡ công tác giải phóng mặt bằng tại các khu kinh tế, khu công nghiệp và các dự án ngoài khu kinh tế, khu công nghiệp; đồng thời phát huy lợi thế tối đa của hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ.
Tỉnh cũng đã tập trung thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa như: Hỗ trợ tiếp cận tín dụng; hỗ trợ kê khai thuế, kế toán; hỗ trợ công nghệ; hỗ trợ khởi nghiệp; hỗ trợ mở rộng thị trường; hỗ trợ thông tin, tư vấn và pháp lý; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh; hỗ trợ tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị...
Ước 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh có 1.315 doanh nghiệp thành lập mới, tương đương cùng kỳ, đạt 66% so với kế hoạch năm; có 592 doanh nghiệp hoạt động trở lại. Đến nay, tổng số doanh nghiệp trên địa bàn là 16.850 đơn vị, vốn đăng ký đạt 340.000 tỷ đồng. Trong đó có 11.387 doanh nghiệp và chi nhánh đang hoạt động có kê khai thuế.
Chỉ tính riêng trong quý I/2023, các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh trên địa bàn đã đóng góp vào ngân sách trên 8.278 tỷ đồng, chiếm 80,1% tổng số thu nội địa. Qua đó thể hiện vai trò to lớn của doanh nghiệp đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Mặc dù đã đạt được một số thành tựu nhất định, nhưng hoạt động của các doanh nghiệp vẫn còn một số khó khăn như: Dòng tiền vào bị thiếu hụt nghiêm trọng dẫn đến gặp khó khăn để có thể trang trải các khoản chi phí, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Giá nguyên, nhiên vật liệu, cước vận tải tăng cao, ảnh hưởng lớn đến chuỗi sản xuất cung ứng. Việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước chưa thuận lợi cho đối tượng hỗ trợ, chưa bao quát hết các tình huống và chưa được hướng dẫn cụ thể. Doanh nghiệp gặp khó khăn trong quá trình chuyển đổi số. Thực tế năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, các doanh nghiệp chủ yếu quy mô nhỏ và vừa (gần 98% số doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa), trình độ công nghệ và kỹ năng quản trị không cao, khả năng tìm kiếm thị trường yếu...
Để doanh nghiệp khắc phục những khó khăn này, Quảng Ninh luôn xác định và khẳng định vai trò của doanh nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội, việc đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh là nhiệm vụ hàng đầu, thường xuyên, thống nhất và xuyên suốt của các cấp, ngành. Tỉnh yêu cầu các cấp chính quyền tiếp tục củng cố niềm tin với doanh nghiệp; tăng cường giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp. Đặc biệt là tập trung giải quyết dứt điểm các kiến nghị và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể theo các chuyên đề; đa dạng hình thức tổ chức giải quyết các vướng mắc khó khăn; đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể chuyển sang mô hình doanh nghiệp; phát huy hiệu quả các Tổ công tác về hỗ trợ đầu tư, Tổ công tác đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp, Tổ hỗ trợ đầu tư một số dự án trọng điểm... đã thành lập.
Cùng với đó là quán triệt đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về đạo đức công vụ, chống quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu; xây dựng nền công vụ hiện đại, lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ. Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa quy trình thực hiện các thủ tục liên quan đến đầu tư, đăng ký kinh doanh, cấp điều kiện kinh doanh; cải thiện các chỉ số thành phần thuộc chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nhằm nâng cao tính công khai minh bạch, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng.
Những giải pháp này đang được Quảng Ninh thực hiện đồng bộ, quyết liệt với quyết tâm thực hiện thành công mục tiêu có 10.000 doanh nghiệp thành lập mới trong giai đoạn 2020-2025.
Bảo Bình
Liên kết website
Ý kiến ()